Tăng cường kiểm tra, giám sát để minh bạch thị trường vàng trang sức mỹ nghệ
(Tài chính) Theo số liệu thống kê, hiện có hơn 10.000 đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh nữ trang..., trong đó nhiều đơn vị làm gia công nhỏ tại nhà, không đăng ký kinh doanh. Thực trạng này khiến cho việc kiểm soát gian lận tuổi rất khó khăn. Do vậy, Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ ban hành từ tháng 9/2013, chính thức có hiệu lực từ 1/6/2014, được kỳ vọng sẽ lập lại trật tự về chất lượng trên thị trường vàng trang sức mỹ nghệ.
Thời gian qua, tình trạng gian lận tuổi vàng diễn ra khá phổ biến. Chẳng hạn, vàng trang sức lưu hành trên thị trường chủ yếu là vàng 18K, tương đương 7,5 tuổi nhưng bị ăn gian còn 7 tuổi. Tương tự vàng 14K, tương đương 5,85 tuổi, cũng bị giảm còn 5,5 tuổi. Theo một số chuyên gia vàng, nếu kinh doanh vàng trang sức chỉ dựa vào chênh lệch giá thì lợi nhuận rất thấp, còn bớt xén trọng lượng thì khó qua mặt được khách hàng nên nhiều cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý đều chọn cách nâng khống tuổi vàng để kiếm lời, vừa có thể tránh được sự phát hiện của khách hàng. Do vậy, thực trạng này không chỉ làm thiệt hại đến người tiêu dùng, mà còn khiến cho những DN làm đúng tuổi vàng, có phí gia công cao rất khó cạnh tranh với các tiệm vàng nhỏ lẻ làm vàng thấp tuổi để hạ phí gia công. Đặc biệt, tình trạng ăn gian tuổi vàng lâu nay khiến người tiêu dùng bị móc túi nhưng không có cơ sở để đòi quyền lợi.
Trước tình hình đó, nhằm cụ thể hóa các quy định trong Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ, có chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2014. Nhiều DN vàng lớn kỳ vọng quy định mới sẽ chấn chỉnh tình trạng bát nháo hiện nay của thị trường nữ trang, đồng thời góp phần bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Các tiệm vàng cũng không thể lập lờ tuổi vàng để tùy cơ “hét” giá với người tiêu dùng như trước.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc thanh tra, kiểm tra vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản. Cụ thể, về kiểm tra, giao cho Chi cục thuộc Tổng cục Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm tra nhà nước về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên địa bàn địa phương theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra về đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường địa phương theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Trong khi đó, sẽ giao cho Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên địa bàn.
Theo ông Trần Văn Vinh, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), sau khi Thông tư 22/2013/TT-BKHCN chính thức có hiệu lực, thanh tra Tổng cục Đo lường chất lượng đã “ra quân” kiểm tra thị trường vàng trang sức mỹ nghệ trong những ngày qua. Thực tế cho thấy có nhiều người, chủ cửa hàng kinh doanh vàng chưa biết về Thông tư 22. Do vậy, thời gian đầu, hoạt động thanh tra kiểm tra của cơ quan này chủ yếu là tiếp tục tuyên truyền để người tiêu dùng, cơ quan quản lý và người sản xuất kinh doanh về những quy định tại Thông tư 22, đồng thời nhắc nhở những đối tượng cố tình không chịu chấp hành theo quy định. Đồng thời, chú trọng hướng dẫn các chi cục đo lường chất lượng địa phương triển khai công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng vàng trang sức trên địa bàn thường xuyên, để dần chấn chỉnh trên thị trường vàng trang sức mỹ nghệ. Trong một thời gian nữa, cơ quan này sẽ triển khai áp dụng các quy định tại Thông tư 22 một cách nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, các cơ quan quản lý cũng cần tính đến quyền lợi của người kinh doanh nhỏ lẻ, giai đoạn đầu không nên xử phạt nặng mà cho các tiệm vàng thời hạn để chấn chỉnh.
Cũng theo ông Trần Văn Vinh, việc xử phạt vi phạm về chất lượng, đo lường và ghi nhãn hàng hóa hiện được thực hiện theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo từng hành vi sẽ có mức phạt cụ thể. Về chất lượng, quy định mức phạt tối thiểu là 2 triệu đồng, mức tối đa đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm, tùy theo hành vi vi phạm cụ thể. Trường hợp DN vi phạm hành chính đã xử phạt vi phạm hành chính mà không khắc phục vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP.