Tăng phí BOT: Phải đảm bảo cam kết mới thu hút được nguồn lực
Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đã khẳng định điều này khi nêu ra ý kiến trước “làn sóng” dư luận về việc tăng mức thu phí đồng loạt tại một số trạm BOT (xây dựng – kinh doanh - chuyển giao).
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn đề nghị tạm thời lùi thời hạn tăng phí sử dụng đường BOT có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016 đến 1/6/2016 để phù hợp với mức giảm chỉ số trượt giá CPI thực tế so với dự kiến trong các hợp đồng BOT đã ký.
Trao đổi về vấnđề này,ông Phạm Đình Thi nhấn mạnh:Mức thu phí cũng như lộ trình thu phí cần thiết phải đảm bảo những cam kết với nhà đầu tư cũng như cần phải có những đánh giá tổng thể để đảm bảo công bằng trong việc thực hiện chính sách. Có như vậy, chúng ta mới tiếp tục thu hút được nhiều hơn nữa nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Sắp tới, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải sẽ làm việc để sớm chốt các phương án thu phí đối với các trạm BOT cho phù hợp với thực tế.
Lợi ích lớn
Có thể nói, kết cấu giao thông đường bộ là một phần tất yếu của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, do đó cần phải đi trước một bước để tạo tiền đề cũng như động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, cũng là điều kiện rất quan trọng để Việt Nam hiện đại hóa đất nước.
Nhìn nhận thẳng thắn, trong những năm qua, kết cấu hạ tầng đường bộ đã được cải thiện đáng kể. Được sự quan tâm của Nhà nước, vốn đầu tư dành cho việc xây mới, cải tạo và nâng cấp đường bộ được tăng lên. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế còn khiêm tốn.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, việc huy động các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển giao thông đường bộ là một chủ trương lớn và cần thiết của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm nay.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Luật Giao thông đường bộ cũng như Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển giao thông đường bộ. Trên thực tế, cả nước đã huy động được hàng trăm nhà đầu tư bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống đường bộ; hay xây dựng hàng nghìn cây số đường bộ, trong đó có 700km đường cao tốc (cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP.HCM- Dầu Giây Trung Lương...) hoặc các cây cầu lớn... Như vậy, hệ thống giao thông đường bộ đã có những cải thiện đáng kể.
Việc hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích trên nhiều phương diện, như tạo ra động lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông và trong đó, người dân và các doanh nghiệp được hưởng lợi ích rõ rệt nhất.
Minh bạch, cụ thể
Thực tế, đại diện Bộ Tài chính đã nhiều lần khẳng định rằng: Việc đưa ra các mức thu phí cũng như lộ trình tăng phí tại các dự án đường bộ BOT luôn được ban hành theo một quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Cụ thể, căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ và các quy định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện các hình thức đầu tư mà cụ thể là BOT, Bộ Giao thông vận tải sẽ lập phương án đầu tư cụ thể cho dự án, trong đó có mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, vị trí thu phí,... và gửi xin ý kiến các cơ quan liên quan.
Sau đó, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân địa phương nơi có đường đi qua tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và tiến hành đàm phán.
Khi được lựa chọn và hoàn thành đàm phán, nhà đầu tư lập hồ sơ và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định cấp giấy phép chứng nhận đầu tư và tiến hành xây dựng con đường.
Trên cơ sở phương án đã đàm phán với Bộ Giao thông vận tải, ý kiến thẩm định của các bên liên quan và các nội dung của hợp đồng BOT, Bộ Giao thông vận tải sẽ đề nghị Bộ Tài chính ban hành mức thu phí cụ thể.
Khi nhận được văn bản của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính thực hiện bước thẩm định cuối cùng, dự thảo Thông tư gửi xin ý kiến các cơ quan liên quan, công khai tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Tài chính và mới ban hành mức phí.
Việc đưa ra một mức thu phí cụ thể cho các dự án đường bộ đều được căn cứ trên cơ sở một quy trình chặt chẽ từ việc xây dựng dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định dự án đầu tư. Có những dự án quá trình đàm phán kéo dài tới 2 năm mới xong. Mức phí để thu hoàn vốn đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất với nhà đầu tư, Bộ Tài chính chỉ làm bước cuối cùng là ban hành Thông tư quy định mức thu phí.