Ngành Hải quan:

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, chống thất thu ngân sách

Nguyễn Trung

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, trong thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN)..., để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chiều 4/4, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến kết quả công tác quý I, chương trình công tác quý II/2023.

Thu ngân sách giảm 17% so với cùng kỳ

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, đến hết ngày 31/3, tổng thu NSNN của toàn Ngành đạt 91.267 tỷ đồng, bằng 21,5% dự toán, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, số thu NSNN tại hầu hết các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đều ghi nhận mức giảm mạnh. Điển hình như: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giảm khoảng 1.700 tỷ đồng; TP. Hải Phòng giảm khoảng 1.600 tỷ đồng; Hà Nội giảm khoảng 1.700 tỷ đồng; Đồng Nai giảm khoảng 1.900 tỷ đồng; Bình Dương giảm khoảng 1.700 tỷ đồng; Bắc Ninh giảm khoảng 900 tỷ đồng...

Nguyên nhân dẫn tới số thu ngân sách của ngành Hải quan giảm so với cùng kỳ năm trước là do kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam giảm mạnh. Cụ thể, quý I/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% và nhập khẩu ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, số thu ngân sách của ngành Hải quan cũng chịu ảnh hưởng của số doanh nghiệp (DN) tạm thời và vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Quang cảnh Hội nghị. 
Quang cảnh Hội nghị. 

Thêm vào đó, căng thẳng xung đột Nga - Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Những yếu tố trên đã ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến công tác thu NSNN của ngành Hải quan trong quý I/2023.

Bắt giữ và xử lý 3.657 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan

Bên cạnh triển khai nhiệm vụ thu NSNN, ngành Hải quan cũng đã tích cực, quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến.

Tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, cơ quan hải quan đã phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật hải quan liên quan một số hành vi như: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn...

Trên tuyến đường biển, các đối tượng tăng cường hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng có lợi nhuận cao như dầu DO, than, động vật hoang dã, hàng điện tử đã qua sử dụng. Các mặt hàng động vật hoang dã là ngà voi, sừng tê giác có chiều hướng chuyển dịch từ các cảng biển thuộc khu vực miền Nam, miền Trung ra các tỉnh phía Bắc như TP. Hải Phòng, Quảng Ninh.

Ngoài các tuyến trên, các đối tượng cũng lợi dụng sự thông thoáng về chế độ chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử để móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua các cảng hàng không quốc tế.

Nhận diện, xác định rõ thủ đoạn của các đối tượng, Tổng cục Hải quan chỉ đạo quyết liệt các đơn vị và các Cục Hải quan địa phương đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, cảng hàng không, vùng biên và địa bàn nội địa.

Xây dựng chương trình, kế hoạch, cảnh báo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm...

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, quý I/2023, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 3.657 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.004,821 tỷ đồng; số tiền thu nộp ngân sách gần 179,2 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 5 vụ việc và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 18 vụ việc vi phạm pháp luật.

Đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ được giao

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục và các Cục Hải quan địa phương cũng làm rõ hơn về kết quả công tác quý I của đơn vị và của toàn Ngành; đồng thời, đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Trên cơ sở các ý kiến tham luận, kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, quý I, tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động, phức tạp khó lường. Điều này đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta, đồng thời tạo ra nhiều thách thức, khó khăn cho toàn Ngành trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ thu NSNN.

Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, chủ động triển khai nhiệm vụ được giao, toàn Ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong 3 tháng đầu năm, trong đó nổi bật là công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; phòng, chống ma túy...

Triển khai nhiệm vụ công tác trong quý II, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Hải quan. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, toàn Ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động hải quan, trong đó tập trung hoàn thiện các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đối với nhiệm vụ thu NSNN, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường lưu ý, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 479/CT-TCHQ của Tổng cục Hải quan về thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu NSNN. Trong đó, chú trọng tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng DN; tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại DN để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN.

Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp chống thất thu ngân sách qua số lượng, mã số, trị giá, thuế suất; thực hiện hiệu quả công tác thu hồi nợ thuế, hạn chế tối đa phát sinh nợ mới.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ…