Thách thức trong giải ngân vốn đầu tư công:
Thách thức càng lớn, quyết tâm càng cao
Dù đứng trước nhiều khó khăn, nhưng ngay sau khi Hậu Giang kiểm soát tốt dịch COVID-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành vào cuộc khẩn trương tháo gỡ khó khăn, nối lại nhịp thi công các công trình, dự án. Mục tiêu là vừa thi công, vừa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao nhất.
Hoàn thiện phương án
Cuối tháng 9/2021, các chủ đầu tư đã đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hoàn thiện phương án thi công và trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Qua đây nhằm tăng tốc khối lượng, giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công năm 2021 và cả vốn kéo dài. Điều này cho thấy quyết tâm cao để nỗ lực giải ngân nguồn vốn đầu tư công của chủ đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2021.
Ông Trương Minh Kiêm - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Ban quản lý dự án sớm đôn đốc nhà thầu triển khai phương án thi công đảm bảo phòng chống dịch trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Phương án trên 30 người sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt, dưới 30 người sẽ do huyện phê duyệt. Sau đó, chúng tôi đẩy nhanh tiến độ thi công trên từng dự án”.
Các công trình giao thông do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang quản lý đã được khởi động lại vào trung tuần tháng 9. Mỗi phương án thi công đều tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể là tuân thủ 5K, chỉ huy trưởng công trình và cán bộ kiểm tra trực tiếp giám sát nhắc nhở việc thực hiện 5K. Bố trí dụng cụ rửa tay, sát khuẩn, đo thân nhiệt mỗi ngày. Cập nhật thường xuyên và cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh cho người lao động trên công trường. Luôn dự phòng nguồn cung cấp phục vụ sinh hoạt cho người lao động trong trường hợp xảy ra phong tỏa, cách ly tại công trường. Các công trường được kiểm soát chặt chẽ nhân sự, không để người lạ ra, vào.
Theo phương án, khi có phương tiện vận chuyển vật tư, thiết bị đến công trường, nhà thầu sẽ làm việc với đơn vị cung cấp để đảm bảo cam kết các quy định phòng chống dịch COVID-19 (test nhanh âm tính không quá 72 giờ, số lượng người điều khiển phương tiện, vận hành phương tiện, thiết bị). Thông báo cho chủ đầu tư về số lượng người tham gia, thời gian, điểm đi - đến.
Đồng thời, bố trí điểm đo thân nhiệt, sát khuẩn trước khi cho vào công trường. Định kỳ 5-7 ngày bố trí cho 20% người lao động tại công trường thực hiện test nhanh COVID-19. Cam kết thực hiện “3 tại chỗ” trên công trường với người lao động ngoài phạm vi “vùng xanh” đã được công nhận. Lao động được đi lại trong phạm vi địa bàn đã được công nhận “vùng xanh” nơi công trình đang thi công.
Thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và công nghiệp tỉnh, tính đến cuối tháng 9, có 29/44 công trình, dự án do đơn vị quản lý đã khởi công lại. Trong đó, trên địa bàn TP. Vị Thanh 7 công trình, Vị Thủy 6 công trình, huyện Long Mỹ 1 công trình, huyện Phụng Hiệp 3 công trình, thành phố Ngã Bảy 3 công trình, huyện Châu Thành A 7 công trình và huyện Châu Thành 2 công trình. Các dự án còn lại, cấp thẩm quyền đang tiếp tục xem xét và sớm phê duyệt phương án thi công.
Tương tự, một số dự án trọng điểm do cấp huyện làm chủ đầu tư đã khởi động. Tại TP. Vị Thanh, các gói thầu của dự án Nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Vị Thanh đã khởi động lại nhằm duy trì các hoạt động thi công song song với công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau thời gian giãn cách xã hội.
Chủ đầu tư cho biết, đã yêu cầu các nhà thầu thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 do Chỉ huy trưởng công trường làm Trưởng ban, thành lập các Tổ an toàn Covid của nhà thầu. Yêu cầu các nhà thầu xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống dịch COVID-19. Tư vấn giám sát thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Vị Thanh, đối với các nhà thầu, thành phố yêu cầu quản lý người lao động tại nơi làm việc, trong khu vực công trường thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K. 100% người lao động trước khi vào công trình làm việc đều được test nhanh kháng nguyên COVID-19, Ghi lại lịch trình tiếp xúc hàng ngày của người lao động để theo dõi. Ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 cho người lao động. Bố trí khu vực khai báo y tế có kẻ vạch giãn cách, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ 5-7 ngày/lần cho tối thiểu 20% người lao động tại công trường.
Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao
Để tăng tốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu các chủ đầu tư chủ động rà soát, thực hiện mọi biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường công tác đấu thầu qua mạng; đôn đốc tiến độ thi công, thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành. Sở Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị thi công triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ký ban hành Kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, với mục tiêu là phục hồi nền kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tạo nền tảng tăng trưởng vững chắc cho những năm tiếp theo.
Trên lĩnh vực đầu tư công, UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến ngày 31/12 giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đạt từ 95% đến 100% kế hoạch giao đầu năm. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế, đẩy nhanh tiến độ sớm đưa các dự án đầu tư vào hoạt động, nhất là các công trình trọng điểm đầu tư công. Hoàn chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Đôn đốc các chủ đầu tư khởi công, triển khai thực hiện kịp thời các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng nữa, còn hơn 50% nguồn vốn đầu tư công phải giải ngân, đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất cao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, trong đó có đầu tư công. Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Đầu tư công phải dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển.
Thủ tướng cũng lưu ý riêng tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, chưa thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” thì tranh thủ làm các thủ tục để khi hết giãn cách xã hội có thể bắt tay ngay vào triển khai, giải ngân nguồn vốn. Mục tiêu là hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ đạt cao nhất có thể; vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả; song song với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến đến hết tháng 9, giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt hơn 218.000 tỉ đồng, đạt 47,38% kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước đạt 51,71%; vốn nước ngoài đạt 12,69%. Có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%; 46/50 bộ, cơ quan Trung ương và 52/63 địa phương giải ngân đạt dưới 60%.