Thách thức cho phát triển hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam

Ngô Hoàng Anh - CQ59/11.10CLC Học viện Tài chính

Tài chính xanh đóng vai trò quan trọng góp phần giúp các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Tài chính xanh mang lại nhiều lợi ích cho cả cá nhân và doanh nghiệp như: khuyến khích phổ biến công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, tạo ra lợi thế so sánh và nâng cao triển vọng kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nhiều thách thức trong việc phát triển tài chính xanh cũng đã nảy sinh. Bài viết được thực hiện nhằm xem xét lại các cơ sở lý thuyết của tài chính xanh, thách thức trong quá trình phát triển tài chính tại Việt Nam, cũng như đưa ra một số khuyến nghị cho việc phát triển tài chính xanh ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quan niệm về tài chính xanh và các phương thức tài chính xanh hiện nay

Theo Sachs và cộng sự (2019), tài chính xanh đề cập đến một danh mục rộng lớn các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ (bao gồm rủi ro tài chính, quản lý liên quan đến khí hậu và môi trường), các công cụ và cơ chế trong lĩnh vực tài chính được liên kết với các khoản đầu tư vào các hoạt động kinh doanh và công nghiệp có thể tạo ra các hoạt động bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường, bao gồm đất, nước, đa dạng sinh học, không khí và con người.

Tài chính xanh là sự giao thoa giữa hành vi thân thiện môi trường và lĩnh vực tài chính và kinh doanh (Scholtens, 2017). Tài chính xanh có thể được hiểu một cách đơn giản nhất là một tập hợp các chiến lược và phương pháp để đạt được hoặc huy động và phân bổ quỹ (cả khu vực tư nhân và công, cũng như đóng góp từ thiện) để thu hẹp khoảng cách đầu tư lớn trong việc tạo ra và duy trì các công trình mới, có khả năng thích ứng với khí hậu, cơ sở hạ tầng bền vững.

Điều này sẽ giúp các quốc gia giải quyết nhiều thách thức xã hội, đáp ứng các cam kết hành động khí hậu của họ và quyết tâm quốc gia đóng góp phù hợp với Thỏa thuận Paris và đạt được mười bảy mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc trong thập kỷ hiện tại từ năm 2021 đến năm 2030 (Nawaz và cộng sự, 2021).

Có nhiều dự án về tài chính xanh được thực hiện ở các tổ chức lớn trên thế giới như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB - Asian Development Bank) ra mắt khung trái phiếu xanh để giảm thiểu và nỗ lực thích ứng tại các nước thành viên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF - International Monetary Fund) làm việc để phát triển các tiêu chuẩn tài chính xanh và các bài kiểm tra căng thẳng liên quan đến khí hậu; nghiên cứu các khía cạnh kinh tế của biến đổi khí hậu...

Tại khu vực ASEAN, Khung quản lý môi trường và xã hội (ESMF) của Chương trình Phục hồi xanh của Quỹ Tài chính xúc tác xanh ASEAN (ACGF GRP) đã được xây dựng nhằm đảm bảo rằng các rủi ro và tác động về môi trường và xã hội từ tất cả các dự án trong chương trình sẽ được giảm thiểu và giảm nhẹ đến mức có thể chấp nhận được.

Hiện nay, các phương thức Tài chính xanh chủ yếu được áp dụng trên thế giới bao gồm:

- Tài chính cacbon: Các công cụ tài chính dựa trên giá trị kinh tế của lượng khí thải cacbon mà một tổ chức không thể tránh được nhưng nó bù đắp bằng cách tài trợ cho các tổ chức khác các dự án bồi thường góp phần giảm phát thải cacbon (Sachs và cộng sự, 2019).

- Trái phiếu xanh: Tiền thu được chỉ được sử dụng để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các dự án với lợi ích môi trường rõ ràng (Dou và Qi, 2019).

- Quỹ xanh: Tài trợ nợ và vốn chủ sở hữu cung cấp cho khách hàng nền tảng cho tài trợ dài hạn của các doanh nghiệp và tổ chức thân thiện với môi trường (Jin và Han, 2018).

- Tín dụng xanh: Các khoản vay dự án (chủ yếu là thế chấp) và các khoản vay công nghiệp có thể được tạo điều kiện thông qua ký gửi xanh (Wang và cộng sự, 2021).

- Tài chính khí hậu: Tài chính thúc đẩy khả năng phục hồi khí hậu của cơ sở hạ tầng, cũng như các tài sản xã hội và kinh tế (Fang và cộng sự, 2021).

Hành lang pháp lý cho phát triển tài chính xanh tại Việt Nam

Để thúc đẩy tài chính xanh phát triển, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh. Theo đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật gồm một số nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn của các bộ, ban, ngành về tài chính xanh từng bước được hoàn thiện, quy định về nhiều loại công cụ như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh..., qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế. Có thể kể ra một số văn bản quan trọng như: Nghị định số 95/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương xanh, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường...

Là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh, tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Về việc phát triển trái phiếu xanh, từ cuối năm 2015, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh trong chương trình hợp tác giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Ngày 20/10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương. Đến nay, phần lớn các trái phiếu xanh được phát hành bởi Chính phủ và chính quyền địa phương.

Trong giai đoạn 2019 – 2023, đã có 19 trái phiếu xanh được phát hành cho các dự án xanh thuộc các lĩnh vực quản lý nguồn nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và các công trình cơ sở hạ tầng bền vững... Đối với trái phiếu doanh nghiệp xanh, tháng 7/2022, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) đã phát hành 73,7 triệu USD trái phiếu xanh tuân theo nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), với lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm. Trong năm 2023, Ngân hàng BIDV đã phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây.

Về cổ phiếu xanh, một số hoạt động đã được triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển của cổ phiếu xanh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với IFC, Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), HNX và HOSE triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các công ty niêm yết về công bố các thông tin ESG, công bố Sổ tay hướng dẫn thực hiện báo cáo ESG cho các doanh nghiệp niêm yết. Tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) ra mắt Sổ tay Hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính nhằm mục tiêu hỗ trợ các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các bên liên quan tại Việt Nam thúc đẩy áp dụng các chuẩn mực và thông lệ về ESG một cách hiệu quả nhất.

Các thách thức trong huy động tài chính xanh tại Việt Nam

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, còn nhiều thách thức trong phát triển tài chính xanh như:

- Dữ liệu và báo cáo: Việc đánh giá tác động môi trường và xã hội của các dự án và khoản đầu tư có thể phức tạp. Tính sẵn có và chất lượng của dữ liệu về các thước đo bền vững có thể khác nhau, khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định sáng suốt.

- Đánh giá rủi ro: Các dự án xanh có thể tiềm ẩn những rủi ro đặc biệt, chẳng hạn như thay đổi quy định, lỗi thời về công nghệ và rủi ro về danh tiếng. Việc đánh giá và định giá những rủi ro này có thể là một thách thức, đặc biệt đối với các khoản đầu tư xanh mới hoặc mang tính đổi mới.

Đến nay, phần lớn các trái phiếu xanh được phát hành bởi Chính phủ và chính quyền địa phương. Trong giai đoạn 2019 – 2023, đã có 19 trái phiếu xanh được phát hành cho các dự án xanh thuộc các lĩnh vực quản lý nguồn nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và các công trình cơ sở hạ tầng bền vững...

- Tính thanh khoản và quy mô thị trường: Thị trường tài chính xanh thường nhỏ hơn và kém thanh khoản hơn so với thị trường truyền thống. Điều này có thể dẫn đến chi phí giao dịch cao hơn và kém linh hoạt hơn cho các nhà đầu tư.

- Quảng cáo xanh: Một số công ty hoặc dự án có thể tuyên bố sai sự thật rằng họ thân thiện với môi trường hoặc có trách nhiệm với xã hội để thu hút tài chính xanh khiến các nhà đầu tư khó phân biệt giữa đầu tư xanh thực sự và Greenwashing (Quảng cáo xanh).

- Tiếp cận vốn: Khả năng tiếp cận tài chính xanh có thể bị hạn chế đối với các doanh nghiệp hoặc dự án nhỏ hơn, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Việc thu hẹp khoảng cách tài chính này là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu bền vững rộng hơn.

- Chi phí vốn: Tài chính xanh có thể đi kèm với chi phí trả trước hoặc lãi suất cao hơn so với các phương án tài trợ truyền thống.

- Biến động của thị trường: Thị trường tài chính xanh có thể nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như thay đổi về giá năng lượng, các sự kiện khí hậu hoặc căng thẳng địa chính trị. Những yếu tố này có thể gây ra sự biến động trong danh mục đầu tư xanh.

- Đa dạng hóa: Đạt được danh mục đầu tư xanh đa dạng hóa tốt có thể là một thách thức do số lượng tài sản xanh hiện có còn hạn chế. Việc này có thể khiến các nhà đầu tư gặp rủi ro tập trung.

Một số giải pháp đề xuất

Trên cơ sở những kết quả đạt được, để phát triển tài chính xanh, thời gian tới, Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt thực hiện phát triển tài chính xanh. Đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Đồng thời, ưu tiên đầu tư và chi tiêu của Chính phủ trong những lĩnh vực xanh và ban hành chính sách phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào kinh tế xanh như ưu đãi về thuế, phí…

Bên cạnh đó, cần xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh thống nhất áp dụng trên toàn thị trường. Tăng cường hoạt động của các tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm xanh, công khai và minh bạch các chỉ số xếp hạng xanh. Cần tập trung phát triển tổ chức tư vấn trong nước cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập đối với các dự án xanh sử dụng nguồn thu từ cổ phiếu xanh hay trái phiếu xanh.

Hiện nay, tăng trưởng xanh là xu hướng, do đó các doanh nghiệp cần có chiến lược trong việc xanh hoá hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh và tăng cường trách nhiệm xã hội. Điều này vừa tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp, vừa hướng tới mục tiêu chung của xã hội là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Việt Nam cần từng bước đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp với chiến lược đầu tư dài hạn, có trách nhiệm xã hội. Tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các ngân hàng thương mại vào thị trường tài chính xanh với vai trò là chủ thể cung cấp tín dụng và là nhà đầu tư trái phiếu xanh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Khánh Chi, 2023, Thúc đẩy phát triển tài chính xanh tại Việt Nam;
  2. Trần Thị Thu Hương, 2023, Phát triển tài chính xanh tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính;
  3. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia (2020), Cơ hội và thách thức phát triển hệ thống tài chính xanh ở Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đồng tổ chức.
  4. Trần Thị Thanh Tú (2020), Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2024