Thành công nhờ áp dụng tổng thể mô hình cải tiến
Nhờ thực hiện một số hệ thống quản lý như ISO 9001-2015, các công cụ cải tiến như 5S, Sig Sixma, Kaizen… đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của Công ty cổ phần 26.
Trong hơn 40 năm hoạt động, Công ty cổ phần 26 đã không ngừng cải tiến kỹ thuật, công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp, giá cả hợp lý. Đồng thời, luôn coi trọng sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa trong sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, hướng tới nằm trong top những doanh nghiệp sản xuất giầy có uy tín trên thị trường và từng bước có mặt ở thị trường quốc tế.
Mặc dù vậy, với mong muốn có một cái nhìn tổng thể về việc nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm, cải thiện độ hài lòng của khách hàng, như một cách để làm mới chính mình, một xí nghiệp thuộc Công ty đã tham gia Dự án Mô hình năng suất tổng thể.
Theo đó, nhờ sự tư vấn của Viện năng suất, Xí nghiệp đã lập ra 4 nhóm cần cải tiến: Cải tiến hiệu quả sử dụng thiết bị và công nghệ; Cải tiến quá trình sản xuất; Nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ; Nhận biết và giảm các lãng phí trong sản xuất.
Các nhóm cải tiến được Viện Năng suất Việt Nam hỗ trợ đào tạo kiến thức, phương pháp và huấn luyện kỹ năng cải tiến năng suất, chất lượng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt từ Tổ trưởng tổ sản xuất trở lên. Đồng thời xây dựng môi trường làm việc an toàn và khuyến khích các hoạt động cải tiến, đổi mới và sáng tạo.
Bên cạnh đó, Công ty còn chủ động triển khai sắp xếp lại nhà xưởng, đầu tư dây chuyền sản xuất giầy da tinh gọn để rút ngắn thời gian chế thử mẫu sản phẩm, thực hiện các đơn hàng nhỏ lẻ một cách nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng về chất lượng, tiến độ.
Thực hiện tái cấu trúc bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn để phù hợp với mô hình sản xuất mới, đòi hỏi tính linh loạt cao để thực hiện các đơn hàng dân sinh. Theo đó, Xí nghiệp đã sắp xếp lại các khu vực sản xuất như khu vực trước kia dùng làm kho, nay được cải tạo lại để đặt 4 dây chuyền may giầy da và giầy vải ngay tại xưởng, tạo thuận lợi cho kế hoạch sản xuất.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Xí nghiệp, nếu như trước kia, bất kỳ sự thay đổi nào về nhân sự đều phải thông qua Giám đốc bằng văn bản, thì nay, mỗi ngày, xưởng trưởng có thể tự điều chuyển dựa trên yêu cầu thực tế. Do đó, các mệnh lệnh được thực hiện nhanh gọn, chính xác, hiệu quả rất cao. Nhờ đó, chỉ sạu 3 tháng triển khai mô hình năng suất tổng năng suất lao động đã tăng 10-15%. Năng suất lao động mà sức lực bỏ ra lại ít hơn, trong khi lương thưởng cũng được cải thiện.
Theo các chuyên gia về năng suất, duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM) là phương pháp quản lý hướng tới sự đổi mới trong hoạt động bảo dưỡng với sự tham gia của mọi người trong doanh nghiệp. TPM bảo đảm hiệu quả thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và môi trường làm việc an toàn. TPM là một chương trình, hoạt động với tầm nhìn chiến lược dài hạn và liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực trong vài năm của doanh nghiệp để thực hiện thành công và duy trì bền vững.
Có thể hiểu, TPM kết hợp thực hành bảo dưỡng phòng ngừa với Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) với sự tham gia của tất cả mọi người có liên quan. TPM là một phương pháp quản lý thiết bị, bao gồm các hoạt động nhằm ngăn ngừa những hỏng hóc và khuyết tật về chất lượng, loại bỏ hoạt động sửa chữa thiết bị và làm cho công việc của người vận hành thiết bị dễ dàng hơn, an toàn hơn.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của TPM là người vận hành thiết bị là những người hàng ngày tiếp xúc với thiết bị, bằng kiến thức và hiểu biết về các điều kiện vận hành để dự đoán, ngăn ngừa hư hỏng và những tổn thất khác liên quan đến thiết bị. Họ thực hiện việc này thông qua vệ sinh, kiểm tra thiết bị thường xuyên và các hoạt động tự bảo dưỡng theo nhóm. Đây được hiểu là hoạt động bảo dưỡng tự chủ hay tự bảo dưỡng.
Mục tiêu của TPM nhằm xây dựng một công ty hoạt động khỏe mạnh hơn, hiệu quả hơn thông qua việc nâng cao hiệu quả của thiết bị cũng như con người. TPM giúp nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ; tăng năng suất và hiệu suất thiết bị toàn phần; giảm chi phí sản xuất phát sinh do máy móc hỏng và dừng hoạt động thông qua thiết lập một hệ thống bảo dưỡng trong suốt vòng đời của thiết bị; Nâng cao sự hài lòng của khách hàng do giao hàng đúng hạn và chất lượng đáp ứng yêu cầu. TPM còn góp phần tạo môi trường làm việc tốt hơn, giảm tai nạn lao động; cải tiến kỹ năng và kiến thức của cán bộ nhân viên; khuyến khích phát huy tính sáng tạo và tinh thần làm chủ.