Thêm động lực cho xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp

Nguyễn Thị Hải Vân

Ngày 08/8/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 69/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thông qua xử lý nợ để chuyển thành công ty cổ phần.

Năm 2013, DATC đã phát hành thành công trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh để hoán đổi trái phiếu Vinashin cho các chủ nợ giá trị hơn 600 triệu USD, lãi suất 1%/năm, kỳ hạn 12 năm.
Năm 2013, DATC đã phát hành thành công trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh để hoán đổi trái phiếu Vinashin cho các chủ nợ giá trị hơn 600 triệu USD, lãi suất 1%/năm, kỳ hạn 12 năm.

Hướng dẫn mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tác động tích cực cho hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nói chung và xử lý nợ của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua hoạt động mua bán nợ phải được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu DN tái cơ cấu với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu. DATC chỉ quyết định mua nợ sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với cơ quan đại diện chủ sở hữu và có kết quả đàm phán mua nợ với các chủ nợ của DN tái cơ cấu. Phương án mua bán nợ để tái cơ cấu DN phải đảm bảo có tính khả thi, có khả năng thu hồi vốn hiệu quả và đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ với giá trị sổ sách khoản nợ để xử lý tài chính, chuyển đổi thành công DNNN sang công ty cổ phần theo quy định.

Trường hợp phương án mua nợ để tái cơ cấu DN không khả thi và hiệu quả thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.

Đối với việc xử lý tài chính khi xác định giá trị DN, DN tái cơ cấu thực hiện xử lý tài chính khi xác định giá trị DN theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2018/TT-BTC ngày 4/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Cùng với đó, việc bán cổ phần lần đầu, DN tái cơ cấu thực hiện trình tự, thủ tục, phương thức bán và giá bán cổ phần lần đầu theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 40/2018/TT-BTC ngày 4/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của DNNN và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển thành công ty cổ phần. Trong đó, căn cứ quy định tại điểm d Khoản 1 và Khoản 3 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định giá bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn tại DN tái cơ cấu không thấp hơn 60% mệnh giá cổ phần. DATC và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu DN được chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo nguyên tắc thỏa thuận và được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trong phương án tái cơ cấu.

Đối với cổ phần không bán hết, DN phải có trách nhiệm thực hiện xử lý theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 40/2018/TT-BTC. Trong đó, trường hợp không bán hết số cổ phần cho các nhà đầu tư theo phương thức thỏa thuận sau khi bán đấu giá công khai không thành công hoặc không bán hết số cổ phần chào bán của cuộc đấu giá công khai theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 40/2018/TT-BTC thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu xem xét, quyết định chào bán cho DATC và các chủ nợ theo nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này.

Trường hợp DATC và các chủ nợ vẫn không mua hết số cổ phần chào bán quy định tại Khoản 1 Điều 8 thông tư này thì ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ để chuyển DN tái cơ cấu thành công ty cổ phần trước khi tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất.

Việc xử lý tài chính đối với DN tái cơ cấu phải gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và đảm bảo công khai, minh bạch và chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Trường hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện xử lý tài chính không chấp hành đúng chế độ quy định, gây thất thoát vốn, tài sản thì tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm bồi thường và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Tại thời điểm xác định giá trị DN, căn cứ phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt, DATC quyết định giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ cho DN tái cơ cấu theo cam kết. Mức giảm trừ nghĩa vụ trả nợ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trừ đi phần giảm trừ nghĩa vụ trả nợ của các chủ nợ khác nếu có và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời, các chủ nợ khác quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho DN tái cơ cấu theo thỏa thuận giữa các bên.

Từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, DN tái cơ cấu tiếp tục xử lý tài chính theo quy định. Trong đó, lợi nhuận phát sinh được phân phối theo quy định hiện hành đối với DN nhà nước. Trường hợp phát sinh lỗ thì DN tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường theo quy định.

Tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, sau khi bù trừ các khoản bồi thường nếu có mà DN tái cơ cấu vẫn còn lỗ lũy kế thì DATC phối hợp với các chủ nợ tham gia tái cơ cấu xem xét, thực hiện tiếp việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho DN tái cơ cấu tối đa bằng số lũy kế. Trường hợp này, DATC thực hiện giảm trừ nghĩa vụ trả nợ từ nguồn chênh lệch còn lại giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ sau khi trừ đi nguồn chênh lệch đã xử lý.

Cùng với các nội dung trên, Bộ Tài chính cũng hướng dẫn cụ thể về: chính sách đối với người lao động dôi dư; chi phí chuyển đổi DN tái cơ cấu thành công ty cổ phần; quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa/tái cơ cấu. Theo đó, chính sách đối với người lao động dôi dư trong DN tái cơ cấu thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với DN nhà nước khi cổ phần hóa. Kinh phí giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư trong DN tái cơ cấu thực hiện theo nguyên tắc: toàn bộ tiền thu từ bán cổ phần sau khi trừ tổng mệnh giá cổ phần đã bán được sử dụng để chi trả cho người lao động dôi dư. Trường hợp không đủ để chi trả cho người lao động dôi dư thì DN tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xuất Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN bổ sung phần còn thiếu.

Việc quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa/tái cơ cấu của DN tái cơ cấu thực hiện theo quy định: Toàn bộ tiền thu từ bán cổ phần sau khi trừ tổng mệnh giá cổ phần đã bán được dùng để giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư và chi phí chuyển đổi DN. Phần còn lại (nếu có) để lại cho công ty cổ phần quản lý, sử dụng. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN chuyển thành công ty cổ phần, DN tái cơ cấu có trách nhiệm quyết toán các khoản chi cho người lao động dôi dư và chi phí chuyển đổi, báo cáo Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.