Thu ngân sách 9 tháng do cơ quan Thuế quản lý đạt 94% dự toán năm 2022

Việt Dũng

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, lũy kế thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng năm 2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh báo cáo tại Hội nghị giao ban từ đầu cầu trực tuyến tại Tổng cục Thuế.
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh báo cáo tại Hội nghị giao ban từ đầu cầu trực tuyến tại Tổng cục Thuế.

Báo cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 9, quý III/2022 và kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 10, quý IV/2022 của Bộ Tài chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, thu ngân sách tháng 9/2022 do ngành Thuế quản lý đạt trên 79.400 tỷ đồng, lũy kế thu ngân sách 9 tháng năm 2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng, bằng 94% dự toán, bằng 121,7% cùng kỳ năm 2021.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để đạt được kết quả tích cực nêu trên, bên cạnh việc ngân sách được hưởng lợi do giá dầu thô tăng cao (thu ngân sách từ dầu thô đạt trên 200% so với cùng kỳ, tương ứng mức tăng thu trên 30.000 tỷ đồng) thì việc các hoạt động kinh tế đã dần ổn định và hoạt động bình thường trở lại cũng đã tác động tích cực, quan trọng đến thu ngân sách. Trong đó, một số khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: thu tiền sử dụng đất, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân.

Đặc biệt, dù thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhưng số thu 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng 13,8% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy do việc triển khai thực hiện thành công hóa đơn điện tử trên toàn quốc đã góp phần hạn chế gian lận về hóa đơn, đồng thời người nộp thuế xuất hóa đơn, kê khai đúng thời kỳ phát sinh. Bên cạnh đó, việc ngành Thuế triển khai tốt, hiệu quả công tác chống thất thu, thu hồi nợ thuế, tăng thu do thanh tra, kiểm tra cũng góp phần tăng thu NSNN.

Báo cáo về việc triển khai Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các NCCNN, sau hơn 6 tháng vận hành, hiện đã có 36 NCCNN đăng ký, khai và nộp thuế qua Cổng với tổng số thuế đã khai và nộp đạt trên 1.200 tỷ đồng (tăng trên 700 tỷ so với tháng trước). Trong đó, 6 doanh nghiệp lớn (chiếm khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam) như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple đều cũng đã đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng.

Đánh giá về nhiệm vụ thu các tháng cuối năm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, biến động khó lường từ cuộc chiến tranh Nga, Ucraina, tình hình lạm phát và bất ổn kinh tế ở nhiều nước trên thế giới sẽ tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, qua đó tác động không thuận đến nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Thuế.

Để đạt được nhiệm vụ thu ngân sách vượt 15,5% so với dự toán thì trong 3 tháng cuối năm đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống Thuế. Cụ thể, mỗi tháng ngành Thuế còn phải thu khoảng trên 85.000 tỷ đồng, cao hơn mức thực hiện của tháng 9 gần 5.500 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng thu; rà soát, đánh giá kỹ tác động khi triển khai thực hiện các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế và nắm sát tình hình hồi phục kinh tế để dự báo khả năng thu, đặc biệt là các nguồn thu bị tác động bởi các chính sách hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng và các chính sách tài khóa tiền tệ khác; Bám sát, báo cáo tình hình nợ thuế, thu hồi nợ đọng thuế; rà soát, phân tích kỹ lưỡng tính chất nợ, để đôn đốc, cưỡng chế, thu nợ thuế theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, giảm tình trạng nợ đọng...

Ngành Thuế cũng tiếp tục tập trung quản lý thuế đối với TMĐT theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 889/CĐ-TTg, tiếp tục xây dựng Cổng thông tin tiếp nhận thông tin từ các sàn TMĐT trong nước theo phương thức tự động (điện tử); xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế về TMĐT; nghiên cứu giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu TMĐT với các Bộ, ngành...

Cùng với đó, chỉ đạo tổ chức thực hiện ngay trong tháng 10/2022 chương trình hóa đơn may mắn tại 63 tỉnh, thành phố; triển khai hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án “Xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro”; nghiên cứu, triển khai áp dụng AI trong quản lý hóa đơn điện tử, quản lý thuế; áp dụng các giải pháp phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ thông minh và máy học để phục vụ quản lý rủi ro, phát hiện vi phạm, gian lận về sử dụng hoá đơn...

Ngày 03/10/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 889/CĐ-TTg chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an; Bộ Công Thương; Bộ Thông tin Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước; và 63 tỉnh, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế cũng đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống thuế triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo đùng yêu cầu tại Công điện số 889/CĐ-TTg.