Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành Năng lượng Việt Nam

Lê Ngọc Phương Trầm - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

Tình trạng biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu đang đòi hỏi tất các quốc gia phải có hành động ứng phó ngay lập tức. Theo Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Hệ quả là, một trong những thách thức lớn mà các quốc gia phải đối mặt là cần mở rộng quy mô hệ thống năng lượng của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhưng không thể làm điều đó bằng cách sử dụng các công nghệ cũ trước đây. Nghiên cứu này dựa trên thực trạng ngành Năng lượng Việt Nam, chỉ ra các thách thức đối với ngành Năng lượng trong việc phát triển bền vững, từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách trong thời gian tới.

Một trong những thách thức lớn mà các quốc gia phải đối mặt là cần mở rộng quy mô hệ thống năng lượng của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Một trong những thách thức lớn mà các quốc gia phải đối mặt là cần mở rộng quy mô hệ thống năng lượng của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Đặt vấn đề

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trung bình là 6,27% từ năm 2000 đến năm 2022. Điều này đi kèm với sự tăng trưởng nhanh chóng trong việc cung cấp năng lượng, bao gồm cả tiêu thụ điện. Dự báo, nhu cầu điện năng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 10% đến 12% hàng năm cho đến năm 2030, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tiêu thụ điện năng nhanh nhất ở châu Á.

Hiện nay, các nguồn điện ở Việt Nam rất đa dạng, từ nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn nhất, thủy điện, tua-bin khí và nhiệt điện chạy dầu, các nguồn khác lần lượt chiếm 34%, 30%, 15% và các nguồn còn lại. Tổng số nhà máy điện đang vận hành khoảng 162 nhà máy (không bao gồm nhà máy thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo).

Đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế của Việt Nam, nhưng ngành Điện sẽ rất quan trọng đối với tầm nhìn các-bon thấp của quốc gia, vốn được đặt ra ở mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26 của Liên hợp quốc. Theo đó, dự kiến Việt Nam sẽ giảm dần tỷ trọng nhiệt điện đồng thời phát triển năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, việc giảm sự phụ thuộc vào sản xuất nhiệt điện sẽ không dễ dàng vì Việt Nam muốn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (EREA & DEA, 2022). Nghiên cứu nhằm phân tích thực trạng, thách thức trong việc phát triển bền vững ngành Năng lượng, đồng thời giúp rút ra các hàm ý chính sách trong thời gian tới.

Thực trạng ngành Năng lượng Việt Nam

Trong ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh và sử dụng nhiều năng lượng vừa qua, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2011, trong khi nhu cầu điện tăng trung bình 10–11% mỗi năm.

Tính đến cuối năm 2022, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN. Các nguồn sản xuất năng lượng chính ở Việt Nam hiện nay là than đá (25,31 GW, chiếm tỷ trọng 32,5%), thủy điện (22,54 GW, chiếm tỷ trọng 29,0%) và năng lượng tái tạo (bao gồm điện gió và điện mặt trời, 20,16 GW, chiếm tỷ trọng 26,4%).

Ngoài ra, tỷ trọng của tua-bin khí (7,16 GW, chiếm tỷ trọng 9,2%) cũng rất đáng chú ý. Việt Nam cũng đã triển khai hệ thống biểu giá mua điện, tạo động lực mạnh mẽ cho các hộ gia đình và công ty xây dựng các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà. Điều đó dẫn đến công suất năng lượng mặt trời lắp đặt tăng hơn 9 GW trong vòng chưa đầy một năm. Sự phát triển nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo gây ra tình trạng quá tải phân phối cục bộ do công suất truyền tải chưa được phát triển đồng bộ.

Hiện nay, Việt Nam gần như tự cung tự cấp năng lượng. Phần lớn than và khí đốt được sử dụng để sản xuất năng lượng là trong nước, nhưng trong tương lai, nếu công suất năng lượng hóa thạch tăng theo kế hoạch, cả nhập khẩu khí đốt và than dự kiến sẽ tăng. Bên cạnh việc nhập khẩu nhiên liệu, còn có công suất kết nối 2 GW sang các nước láng giềng, Lào và Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu thực tế ở mức tương đối thấp.

Hệ thống năng lượng của Việt Nam bao gồm ba vùng kết nối với nhau: Bắc Bộ, Nam Bộ và Trung Bộ. Sự kết hợp và các hạn chế sản xuất năng lượng ở mỗi khu vực là khác nhau và do đó cần được giải quyết riêng lẻ khi lập kế hoạch hoặc lập mô hình hệ thống năng lượng tổng thể. Sự khác biệt xảy ra, đặc biệt là về lượng thủy điện. Miền Bắc sản xuất năng lượng chủ yếu dựa vào than và thủy điện, miền Trung sản xuất chủ yếu là thủy điện – hoàn toàn không có than. Khu vực phía Nam đa dạng nhất với 1/3 than đá, 1/3 khí đốt và lượng năng lượng mặt trời tăng nhanh. Xét về quy mô, miền Trung nhỏ hơn nhiều với tổng công suất khoảng 10 GW trong khi cả miền Bắc và miền Nam đều có công suất gần 25 GW mỗi miền vào năm 2019. Sự gia tăng công suất sản xuất năng lượng mặt trời tập trung vào khu vực miền Trung và miền Nam.

Các khu vực tạo ra phần lớn năng lượng đáp ứng nhu cầu của mình một cách độc lập, nhưng việc truyền tải liên khu vực là cần thiết để cân bằng cung và cầu. Khu vực phía Nam là khu vực nhập khẩu năng lượng lớn nhất, sản lượng truyền tải từ khu vực miền Trung đạt đỉnh vào năm 2019 là gần 20 TWh.

Các nguồn năng lượng ổn định (than và thủy điện) ở khu vực phía Bắc được sử dụng để cung cấp điện cho khu vực miền Trung, nơi nhu cầu cao điểm đôi khi vượt quá khả năng cung cấp chủ yếu từ thủy điện. Điều này thể hiện một thách thức về tính thời vụ trong sản xuất năng lượng từ thủy điện. Vào mùa mưa, miền Trung có khả năng xuất khẩu lượng điện lớn vào miền Nam, nhưng các thời điểm khác trong năm phải nhập khẩu 5-10 TWh điện từ miền Bắc.

Thách thức đối với sự phát triển bền vững của ngành Năng lượng

Sự phát triển của ngành Năng lượng Việt Nam trong thời gian tới phải đối mặt với hai thách thức cơ bản.

Mộtsự không phù hợp của chiến lược trước đây, vốn chủ yếu dựa vào thủy điện và than đá như những nguồn năng lượng chủ đạo. Trong 35 năm qua, thủy điện và than đá là những nguồn chính giúp mở rộng việc phát điện của Việt Nam, với tỷ trọng của cả hai nguồn này lên tới gần 80% vào năm 2020. Tuy nhiên, chiến lược này dường như ngày càng không phù hợp với tương lai. Một mặt, Việt Nam đã khai thác triệt để mọi nguồn thủy điện tiềm năng nên việc xây dựng các nhà máy thủy điện quy mô lớn không còn khả thi (Dapice, 2018). Do đó, Việt Nam sẽ chỉ có thể dựa vào các nguồn thủy điện quy mô nhỏ để xây dựng các nhà máy thủy điện mới trong những thập kỷ tới.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, công suất phát điện của thủy điện dự kiến sẽ tăng với tốc độ chậm, với tốc độ trung bình hàng năm là 3,4%/năm trong giai đoạn 2020–2030 và 1,3% trong giai đoạn 2030–2045. Trong khi đó, việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới phải đối mặt với ít nhất ba trở ngại: (i) Các nhà máy nhiệt điện than hiện tại đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường. Hệ quả là người dân và chính quyền địa phương ở hầu hết các tỉnh không còn ủng hộ việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới; (ii) Việc cấp vốn cho các dự án điện than mới ngày càng trở nên khó khăn do áp lực quốc tế ngày càng tăng đối với các bên cho vay về tính bền vững, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm hơn 95% tổng nguồn vốn nước ngoài cho các nhà máy nhiệt điện than. Trên thực tế, do khó thu xếp nguồn vốn, 5 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 7,1 GW đang trong giai đoạn đầu tư có thể không triển khai theo kế hoạch; (iii) Việc Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào than đá nhập khẩu để phát điện đã làm dấy lên mối lo ngại đáng kể đối với an ninh năng lượng của Đất nước do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và biến động giá cả. Trên thực tế, Việt Nam đã chuyển đổi từ nước xuất khẩu ròng sang nước nhập khẩu ròng than đá từ năm 2015 và tổng lượng than đá nhập khẩu dự kiến sẽ tăng từ 54,8 tấn năm 2020 lên 92 triệu tấn năm 2025 và 130 triệu tấn năm 2030 nếu Việt Nam tiếp tục theo con đường phát triển hiện tại.

Hai là, sự gia tăng nhanh chóng lượng phát thải các-bon, khiến Việt Nam gặp rất nhiều thách thức trong việc đạt được mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon vào năm 2050. Việt Nam đang có xu hướng phát thải các-bon tăng nhanh (tăng theo hệ số 14 từ năm 1990 đến năm 2018, trong khi hệ số này đối với tổng thể của thế giới chỉ là 1,7). Hơn nữa, xu hướng gia tăng này được dự đoán sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là năm 2040 nếu Việt Nam không thực hiện những thay đổi mạnh mẽ để thúc đẩy sự bền vững.

Theo kịch bản này, tổng lượng phát thải các-bon của Việt Nam sẽ tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 2,4% từ năm 2019 đến năm 2030 và ở mức 1,6% từ năm 2030 đến năm 2040; trong xu hướng gia tăng này, khoảng 45% tổng lượng khí thải các-bon của cả nước đến từ ngành Năng lượng, trong đó than đá chiếm hơn 70%. Ngoài ra, xu hướng gia tăng cường độ phát thải các-bon là mối lo ngại cấp bách đối với Việt Nam khi lượng khí thải các-bon cần thiết để tạo ra một đơn vị GDP (được đo bằng đô la PPP năm 2017) có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua so với mức trung bình của thế giới.

Để phát triển bền vững ngành Năng lượng

Việt Nam đã xem xét các thách thức về tính bền vững một cách nghiêm túc. Tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố cam kết của quốc gia về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ cũng đã đưa ra cam kết quốc gia về việc giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính so với mức trong kịch bản thông thường vào năm 2030 và có thể tăng lên 27% khi có sự hỗ trợ của quốc tế thông qua hợp tác song phương và đa phương.

Để phù hợp với cam kết giảm phát thải của Đất nước, Chính phủ đã có những nỗ lực quyết tâm trong việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII của quốc gia cho sự phát triển của ngành Điện trong 25 năm tới, với sự thay đổi lớn có lợi cho năng lượng tái tạo.

Thứ nhất, công suất cung cấp điện dự kiến sẽ tăng nhanh trong 25 năm tới, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 8,5% trong giai đoạn 2020–2030 và 6,7% trong giai đoạn 2030–2045. Việc mở rộng công suất này được thiết kế để đáp ứng nhu cầu điện năng tăng nhanh do tầm nhìn của Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.

Thứ hai, tỷ trọng của các nhà máy nhiệt điện than trong tổng công suất lắp đặt dự kiến sẽ giảm mạnh với tốc độ ngày càng nhanh, từ 29,5% năm 2020 xuống 24% năm 2030 và 9% năm 2045. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, công suất lắp đặt công suất từ than vẫn sẽ nhanh chóng mở rộng trong giai đoạn 2020–2030, từ 20,4 GW năm 2020 lên 37,5 GW năm 2030, trước khi ngừng mở rộng sau đó.

Thứ ba, công suất lắp đặt từ các nguồn tái tạo được dự báo sẽ mở rộng đáng kể, đặc biệt là năng lượng gió (từ <1 GW năm 2020 lên 22,1 GW năm 2030 và 122,5 GW năm 2045) và năng lượng lưu trữ (từ 0 đến 2,45 GW năm 2030 lên 29,25 GW vào năm 2045). Kết quả là, tổng cộng các nguồn phi hóa thạch sẽ chiếm khoảng 70% công suất lắp đặt của Việt Nam vào năm 2045.

Kết luận và hàm ý chính sách

Khi xây dựng chiến lược phát triển ngành Năng lượng trong ba thập kỷ tới, Việt Nam sẽ phải đạt được hai mục tiêu đầy tham vọng và rõ ràng gồm: đáp ứng sự tăng trưởng nhanh chóng của nhu cầu điện năng, nhằm giúp Việt Nam tiếp tục thành công về kinh tế và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Sẽ rất khó để Việt Nam đạt được hai mục tiêu đầy thách thức này bằng cách tiếp cận thông thường, vốn chủ yếu tập trung vào mở rộng năng lực hơn là chuyển đổi hệ thống. Để thành công trong nỗ lực này, Việt Nam sẽ cần nắm lấy những thay đổi mang tính cách mạng và thực hiện những nỗ lực chưa từng có trong việc lập chiến lược và kỹ thuật phát triển ngành. Với yêu cầu đó, nghiên cứu này đưa ra một số hàm ý chính sách như sau:

Thứ nhất, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức bền vững đáng kể, khiến cho Đất nước không thể tiếp tục với chiến lược phát triển hiện tại của ngành Điện, mặc dù nó hoạt động tốt trong quá khứ. Điều này có nghĩa là, Việt Nam cần nỗ lực chưa từng có với việc thực hiện một cuộc cách mạng về hệ thống điện trong tương lai để tiếp tục thành công trong việc tận dụng sự phát triển của ngành Điện cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, Việt Nam có thể biến những thách thức này thành cơ hội và điểm mạnh bằng cách bắt đầu sự chuyển đổi sâu sắc của hệ thống năng lượng, nắm bắt sự tiến bộ nhanh chóng của các công nghệ xanh và thông minh. Nỗ lực này cho phép Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng nhanh chóng của nó mà còn xây dựng một hệ thống năng lượng hỗ trợ cam kết phát thải ròng bằng 0.Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành Năng lượng Việt Nam - Ảnh 1

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Công Thương (2023), Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
  2. Dapice, D. (2018), Vietnam's crisis of success in electricity: Options for a successful clean energy mix. Ash Center Policy Briefs Series;
  3. Do, T. N., Burke, P. J., Baldwin, K. G., & Nguyen, C. T. (2020), Underlying drivers and barriers for solar photovoltaics diffusion: The case of Vietnam. Energy Policy, 144, 111561;
  4. EREA, & DEA. (2022), Vietnam Energy Outlook Report 2021;
  5. IEA. (2021), World Energy Outlook 2021.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023