Thực trạng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới


Bài nghiên cứu đánh giá thực trạng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh mới. Với phương pháp thống kê, so sánh và phân tích thông qua dữ liệu cập nhật mới nhất đến tháng 5/2023, kết quả nghiên cứu cho thấy thực trạng Việt Nam nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc nhiều hơn xuất khẩu (XK). Do đó, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn ở trạng thái nhập siêu. Từ đó, bài nghiên cứu chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh mới.

Đặt vấn đề

Năm 2022 được đánh giá là năm có nhiều biến động, nền kinh tế diễn biến khó khăn hơn dưới tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nhiều mặt hàng đứt gãy nguồn cung ứng; giá tăng mạnh, thị trường bất động sản đóng băng, Trung Quốc duy trì thời gian phong tỏa kéo dài…

Tuy nhiên, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (2022) công bố: GDP năm 2022 tăng 3%, cao hơn dự báo trong khảo sát của Reuters với các nhà kinh tế học là 2,8%. Năm 2022, thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng 31% so với năm trước, đạt 878 tỷ USD cao nhất kể từ năm 1950, trong đó XK đạt khoảng 3,6 nghìn tỷ USD, tăng 7% và NK đạt 2,7 nghìn tỷ USD, chỉ tăng 1,1%.

Riêng Việt Nam, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng tiêu cực làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung và sức mua giảm sút rõ rệt. Nhưng năm 2022, nền kinh tế Việt Nam dần hồi phục sau đại dịch và đạt mức tăng trưởng 8,02% so với năm trước, thuộc nhóm phục hồi khả quan nhất trên thế giới.

Kinh tế vĩ mô dần ổn định và các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA bước đầu được thực thi giúp các doanh nghiệp thích ứng nhanh, linh hoạt trong đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Nhờ đó, xuất nhập khẩu năm 2022 tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, với kim ngạch XK đạt 371,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8%.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc có ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế của Việt Nam. Do vậy, bài viết nghiên cứu “Thực trạng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc: cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới” nhằm đánh giá thực trạng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, từ đó giúp thấy rõ được cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh mới.

Thực trạng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc

Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì mối quan hệ song phương, là những đối tác thương mại quan trọng trong khối ASEAN. Năm 2020, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì trên đà tăng trưởng, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và ngoại thương của cả hai bên.

Hình 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu các thị trường lớn của Việt Nam năm 2022

Đơn vị tính: tỷ USD

Thực trạng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,65 tỷ USD, tăng 5,89% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,02% so với năm 2021. Ngược lại, Việt Nam NK từ Trung Quốc hàng hóa trị giá 117,95 tỷ USD, tăng 7,35% so với năm 2021.

Trung Quốc được đánh giá là đối tác thương mại có thị trường NK lớn nhất của Việt Nam; đồng thời là thị trường XK lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia.

Kể từ khi dịch COVID-19 suy giảm, việc hợp tác kinh tế và đầu tư thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng tốt trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến thương mại của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Hình 2: Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc
giai đoạn 2013 - tháng 5/2023

Đơn vị tính: tỷ USD

Thực trạng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới - Ảnh 2

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 264,15 tỷ USD (kim ngạch XK là 132,03 tỷ USD; kim ngạch NK là 132,12 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 50,2 tỷ USD (kim ngạch XK là 13,25 tỷ USD, kim ngạch NK là 36,95 tỷ USD), chiếm 19,01% trong tổng kim ngạch XNK của Việt Nam. Cán cân thương mại bị thâm hụt do Việt Nam là nước NK sản phẩm từ Trung Quốc nhiều hơn XK (nhập siêu).

Tính từ năm 2014 đến năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng khá cao và đạt mốc 425,12 tỷ USD (kim ngạch XK là 243,48 tỷ USD; kim ngạch NK là 236,68 tỷ USD), tăng gấp 1,6 lần so với năm 2013. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 93,68 tỷ USD, tăng gấp 1,87 lần và cán cân thương mại duy trì mức âm.

Năm 2018, Việt Nam chính thức là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), điều đó tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường XK, thu hút đầu tư nước ngoài [1]. Do đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mốc 480,16 tỷ USD (kim ngạch XK là 243,48 tỷ USD; kim ngạch NK là 236,68 tỷ USD) tăng gấp 1,13 lần so với năm 2017. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 106,69 tỷ USD, gấp 1,14 lần so với năm 2017. Cán cân thương mại vẫn duy trì ở mức âm.

Đến năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu có tăng trưởng nhưng không đáng kể, đạt 517,26 tỷ USD (kim ngạch XK là 264,19 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2018; kim ngạch NK là 253,07 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm 2018). Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 111,86 tỷ USD, gấp 1,095 lần so với năm 2018, trong đó kim ngạch XK là 41,41 tỷ USD, kim ngạch NK là 84,19 tỷ USD.

Năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 545,35 tỷ USD tăng 5,4% so với năm 2019; trong đó kim ngạch XK đạt 282,65 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2019 và kim ngạch NK đạt 262,7 tỷ USD, tăng 3,8%. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước. Khi đó, cả hai cùng với các quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật Bản… tập trung vào giải quyết vấn đề dịch bệnh lây lan, do đó kim ngạch XK giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ đạt 48,91 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2019; kim ngạch NK giữa Việt Nam và Trung Quốc là 84,19 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2019. Cán cân thương mại vẫn ở mức âm.

Sang năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Với một số biện pháp phòng chống dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Đặc biệt, thị trường các nước trong khối Asean như Thái Lan và Singapore có mức tăng trưởng khoảng trên dưới 20%. Còn tính chung cả khu vực ASEAN thì tăng trưởng khoảng 10%.

Tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19, nhưng Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ song phương, mở cửa trao đổi hàng hóa, nên kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng khá cao, đạt 669,15 tỷ USD (kim ngạch XK là 336,31 tỷ USD, kim ngạch NK là 332,84 tỷ USD), tăng 22,7% so với năm 2020. So giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam vẫn NK từ Trung Quốc nhiều hơn là XK, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 165,88 tỷ USD (kim ngạch XK là 56,01 tỷ USD, kim ngạch NK là 109,87 tỷ USD), tăng 24,62% so với năm 2020.

Đến năm 2022, dịch bệnh COVID-19 từng bước được đẩy lùi, các hoạt động giao thương trở nên dễ dàng hơn khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên rõ rệt, đạt 732,5 tỷ USD (kim ngạch XK là 371,85 tỷ USD, kim ngạch NK 360,65 tỷ USD), tăng 9,5% so với năm 2021. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng nhiều hơn, kim ngạch XNK xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt mốc 175,65 tỷ USD (kim ngạch XK là 57,7 tỷ USD, kim ngạch NK 117,95 tỷ USD), so với năm 2021 tăng 5,9%.

Tính đến hết tháng 5/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất nhập của Việt Nam tính đến tháng 5/2023 đạt 260,79 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2022 là 305,1 tỷ USD, giảm 14,5%. Xét về kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Trung Quốc, tổng kim ngạch đạt 65,41 tỷ USD (trong đó, kim ngạch XK là 23,32 tỷ USD so với 24,99 tỷ USD giảm 6,7% so với 5 tháng đầu 2022, kim ngạch NK là 41,19 tỷ USD so với 49,92 tỷ USD giảm 17,5% so với 5 tháng đầu năm 2022).

Theo Ngọc Ánh (2023), nguyên nhân giảm là do tháng 1/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài, nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, việc xuất nhập khẩu giảm còn xuất phát từ việc kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm đã dẫn tới các đơn hàng giảm và nhiều công ty bị giải thể.

* Về cơ cấu nhóm hàng XK

Theo báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam của Bộ Công Thương, năm 2022, Việt Nam có tới 13 nhóm hàng XK sang Trung Quốc có kim ngạch gần 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm hàng trên 10 tỷ USD. Cụ thể là nhóm điện thoại các loại và linh kiện có kim ngạch XK sang Trung Quốc đạt 16,3 tỷ USD tăng 7,37% so với năm trước.

Nhóm hàng XK lớn thứ hai là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 11,9 tỷ USD 7,31% so với năm trước. Ngoài ra, còn một số hàng hóa XK được xếp vào tỷ trọng cao, như: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (3,8 tỷ USD, tăng 27,86%), máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác (3,7 tỷ USD, tăng 28,69%), cao su (2,4 tỷ USD, tăng 5,03%), xơ sợi dệt các loại (2,2 tỷ USD, giảm 26,17%), gỗ, sản phẩm từ gỗ (2,2 tỷ USD, tăng 47,06%), giày dép các loại (1,7 tỷ USD, tăng 6,71%), thủy sản (1,6 tỷ USD, tăng 64,94%), hàng rau quả (1,5 tỷ USD, giảm 21,34%), sắn (1,3 tỷ USD, tăng 18,07%), hàng dệt may (1,2 tỷ USD, giảm 10,65%) và một số hàng hóa khác với kim ngạch XK đạt 7,9 tỷ USD [2].

Hình 3: Các mặt hàng XK sang Trung Quốc trong năm 2021 và năm 2022

Đơn vị tính: tỷ USD

Thực trạng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới - Ảnh 3

Nguồn: Tổng cục Hải quan

* Về cơ cấu hàng hóa NK

Năm 2022, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam có tới 14 nhóm hàng NK từ Trung Quốc có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm hàng đạt trên 20 tỷ USD. Cụ thể:

Nhóm hàng lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng có kim ngạch NK từ Trung Quốc đạt 24,3 tỷ USD, giảm hơn 2,5% so với năm trước, chiếm 20,6% kim ngạch NK nhóm hàng này của cả nước.

Nhóm hàng lớn thứ hai là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 24,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm trước, chiếm 20,43% kim ngạch NK.

Bên cạnh đó, một số nhóm hàng NK lớn khác đến từ thị trường này như: vải 9,2 tỷ USD tăng 1,4% so với năm trước, điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,1 tỷ USD giảm 12,3% so với năm trước.

Ngoài các mặt hàng đó, Việt Nam còn NK một số hàng hóa với quy mô tương đối nhiều, đó là sản phẩm từ chất dẻo, sắt thép các loại, sản phẩm từ sắt thép, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường khác; dây điện dây cáp điện và một số hàng hóa khác nữa với kim ngạch NK trên 1 tỷ USD [6].

Hình 4: Các mặt hàng NK từ Trung Quốc trong năm 2021 và năm 2022

Đơn vị tính: tỷ USD

Thực trạng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới - Ảnh 4

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Đứng dưới góc độ kinh doanh, lợi thế của Việt Nam khi NK các mặt hàng này từ Trung Quốc thì giá cả hợp lý hơn so với nhiều thị trường khác, chi phí vận chuyển thấp hơn, từ đó tác động tích cực tới năng lực cạnh tranh của các ngành này.

Có thể thấy sản xuất của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc (đặc biệt là ngành công nghiệp mũi nhọn như dệt, giày, da), nhất là khi thị trường có nhiều biến động. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến động lực đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ mới và sạch của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam.

Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong bối cảnh mới

Trung Quốc đã và đang trở thành thị trường XNK quan trọng hàng đầu của Việt Nam, với giá trị thương mại hai chiều Việt Nam và Trung Quốc tăng nhanh và liên tục trong những năm qua. Điều này đặt ra một số cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam. 

Cơ hội

Mở rộng thị trường XK sang Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ song phương hai biên giới Việt - Trung.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực, đa dạng các mặt hàng của Việt Nam, do gần gũi về địa lý, thuận tiện trong thông thương.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam dễ dàng, góp phần bổ sung nguồn vốn trong nước, tạo điều kiện bù đắp cán cân thương mại, góp phần cải thiện năng suất sản xuất cho Việt Nam.

Thách thức

Hàng hóa XK của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, do đó tạo ra thách thức về lợi thế cạnh tranh giữa hai nước.

Trung Quốc có những thay đổi như điều chỉnh chính sách thương mại hoặc áp dụng các biện pháp bảo hộ hàng XK trong nước, cấm hoặc hạn chế mặt hàng NK từ Việt Nam, nên sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.

Việc NK tràn lan các hàng hóa kém chất lượng qua cửa khẩu biên giới làm cho Hải quan Việt Nam khó kiểm soát và quản lý chất lượng hàng hóa, làm ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng.

Kết luận

Qua những nghiên cứu về thực trạng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh mới cho thấy Việt Nam vẫn luôn nhập siêu từ Trung Quốc. Vì vậy, để hạn chế được tình trạng này, Việt Nam cần tăng cường cam kết hội nhập, đa dạng hóa thị trường NK với công nghệ hiện đại từ các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng nền kinh tế toàn cầu, gia tăng hoạt động XK, giảm nhập siêu từ Trung Quốc; Tăng cường XK sang Trung Quốc và kiểm soát chặt chẽ các hiện tượng buôn lậu vào thị trường Việt Nam; Thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển hơn nữa để sẵn sàng có nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh bị lệ thuộc và NK quá nhiều từ Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo Quân đội nhân dân Việt Nam (2018). 10 sự kiện tiêu biểu năm 2018 của Việt Nam. Truy cập tại https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/10-su-kien-tieu-bieu-nam-2018-cua-viet-nam-559463
  2. Bộ Công Thương (2022). Báo cáo xuất xuất nhập khẩu năm 2022. Truy cập tại https://trungtamwto.vn/ file/22356/bao-cao-xuat-nhap-khau-viet-nam-nam-2022.pdf.
  3. Hà Yên (2022). Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Truy cập tại https://thuongtruong.com.vn/news/trung-quoc-tiep-tuc-la-doi-tac-thuong-mai-lon-nhat-cua-viet-nam-75007.html
  4. Mạnh Hùng (2022). Đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bước sang giai đoạn phát triển mới. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/tieu-diem/dua-quan-he-viet-nam-trung-quoc-buoc-sang-giai-doan-phat-trien-moi-623044.html
  5. Minh Quang (2023). Trung Quốc thặng dư thương mại 878 tỷ USD, Việt Nam đứng trong top 10 đối tác lớn nhất. Truy cập tại https://vietnambiz.vn/trung-quoc-thang-du-thuong-mai-878-ty-usd-viet-nam-dung-trong-top-10-doi-tac-lon-nhat-2023224144939944.htm
  6. Ngọc Ánh (2023). Vì sao xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam giảm trong tháng đầu năm? Truy cập tại https://thesaigontimes.vn/vi-sao-xuat-nhap-khau-hang-hoa-viet-nam-giam-trong-thang-dau-nam
  7. Tổng cục Hải quan (2023). Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023.
  8. Tổng cục Thống kê (2023). Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý II và cả năm 2023. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/06/tong-quan-du-bao-tinh-hinh-kinh-te-the-gioi-quy-ii-va-ca-nam-2023
Theo tapchicongthuong.vn