Thuế tối thiểu toàn cầu: Giải pháp nào cho Việt Nam?
Việc áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến các ưu đãi đầu tư và tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, việc rà soát và thay đổi chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành sao cho phù hợp với cải cách thuế toàn cầu là vô cùng cấp thiết để đảm bảo chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam bền vững và phù hợp với các quy định mới về thuế suất tối thiểu toàn cầu. Đại diện 4 Công ty kiểm toán lớn tại Việt Nam (bao gồm: Ernst & Young, PwC, Deloitte và KPMG) đã có những khuyến nghị cụ thể dành cho Việt Nam.
Theo ông Thomas McClelland – Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam, để bảo vệ nguồn thu thuế, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về việc áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn – QDMTT. QDMTT cho phép Việt Nam giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác.
QDMTT có thể hiểu đơn giản là một cơ chế nội địa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư (“excess profits”) và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định khác theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đây là biện pháp mà một số quốc gia như Hong Kong, Singapore, Malaysia đang cân nhắc và nhiều khả năng sẽ áp dụng.
Mặc dù được coi là biện pháp phản ứng nhanh trong bối cảnh các nước áp dụng thuế tối thiểu toàn câù, việc áp dụng QDMTT cũng cần được cân nhắc thận trọng trên nhiều yếu tố. Đầu tiên, không phải doanh nghiệp nào tại Việt Nam cũng nằm trong phạm vi áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu mà chỉ các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đa quốc gia có quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm trên 750 triệu EUR, theo đó việc áp dụng QDMTT cho tất cả các doanh nghiệp có thể gây tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp không thuộc phạm vi trên mà đang được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành tại Việt Nam.
Ngoài ra, nếu áp dụng QDMTT, việc tính toán Thu nhập GloBE (GloBE income) cũng như Thuế được bao gồm (Covered tax) có thể sẽ rất phức tạp và tốn kém, do đó cần được cân nhắc giữa lợi ích mà QDMTT đem lại so với chi phí quản lý hành chính có thể phải bỏ ra. Việt Nam có thể áp dụng các cơ chế thuế tối thiểu nội địa khác mà không phải Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (ví dụ áp dụng trực tiếp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 15% mà không áp dụng cơ chế tính toán như của QDMTT). Tuy nhiên, nếu áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa khác QDMTT, do các nguyên tắc tính toán không tương đồng, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng có thể phải nộp thêm thuế tại Việt Nam đồng thời vẫn phải nộp Thuế bổ sung tại quốc gia khác, gây khó khăn trong việc tính toán và kê khai thuế.
Liên quan đến việc hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam nên ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ thuế tối thiểu toàn cầu. Hiện tại, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chưa đa dạng, chỉ tập trung chủ yếu vào các ưu đãi theo thu nhập (income-based incentives) như ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế, chưa phổ biến các ưu đãi theo chi phí (expenditure-based incentives), đặc biệt là hình thức ưu đãi trợ cấp bằng tiền (cash grants).
Ưu đãi theo thu nhập là hình thức ưu đãi tương đối phổ biến tại các quốc gia đang phát triển, trong khi đó, các quốc gia phát triển có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào các ưu đãi thuế dựa trên cơ sở chi phí như khấu hao nhanh, trợ cấp đầu tư hoặc giảm trừ thuế (tax credits) hơn là miễn giảm thuế thu nhập trên diện rộng, theo báo cáo của OECD.
Ưu đãi theo thu nhập có ưu điểm là dễ quản lý vì thông thường sẽ được kê khai khi quyết toán thuế cuối năm, đồng thời không phát sinh các khoản phải trả trước từ ngân sách, và dễ thu hút các dự án đầu tư mới và phát sinh lợi nhuận sớm ở giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, nhược điểm của ưu đãi theo thu nhập là sẽ phát sinh các trường hợp chuyển giá, chuyển dịch lợi nhuận sang các quốc gia có ưu đãi theo lợi nhuận lớn, đồng thời việc ưu đãi theo lợi nhuận mặc dù có thể thu hút các dự án đầu tư mới và lợi nhuận lớn trong giai đoạn đầu, nhưng có thể không hấp dẫn với các dự án đầu tư mở rộng do chính sách ưu đãi với dự án đầu tư mở rộng có thể thấp hơn so với đầu tư mới.
Ngoài ra, ưu đãi theo lợi nhuận thông thường sẽ cho một giai đoạn nhất định (ví dụ tại Việt Nam, ưu đãi miễn thuế có thể trong vòng 2 năm hoặc 4 năm, giảm thuế trong vòng 4 năm hoặc 9 năm, ...), theo đó có thể phát sinh các trường hợp doanh nghiệp đóng cửa dự án khi đã hết giai đoạn ưu đãi để mở dự án mới, hoặc chuyển đầu tư sang quốc gia khác nhằm hưởng ưu đãi đầu tư mới. Ưu đãi theo thu nhập về mặt dài hạn sẽ có nhiều hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì các lợi ích về ưu đãi theo lợi nhuận sẽ giảm đi đáng kể đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng.
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, cần phải có một hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư mới để ngăn chặn việc các lợi ích ưu đãi thuế do Việt Nam áp dụng bị chuyển sang các nước khác cũng như đảm bảo khả năng cạnh tranh của việc thu hút FDI vào Việt Nam. Cụ thể hơn, với sự ra đời của cơ chế thuế suất tối thiểu toàn cầu, nên giới thiệu một chính sách ưu đãi đầu tư mới với các khoản trợ cấp hoặc khấu trừ thuế mang tính chất trợ cấp đủ điều kiện với các khoản trợ cấp thuế được hoàn lại được coi là thu nhập theo các quy tắc áp dụng cho việc thực hiện thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Mặc dù các ưu đãi thuế dựa trên thu nhập như miễn thuế đã được sử dụng phổ biến hơn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nhưng bằng chứng thực nghiệm thường hỗ trợ việc thực hiện tốt hơn các ưu đãi thuế dựa trên chi tiêu như khấu hao nhanh, trợ cấp hoặc hỗ trợ đầu tư. Các chính sách ưu đãi dựa trên chi tiêu như khấu hao nhanh hoặc hỗ trợ đầu tư làm tăng khả năng tạo ra đầu tư bổ sung vì chúng nhắm mục tiêu trực tiếp vào chi phí đầu tư.
Ngoài ra, các nghiên cứu khác nhau của các tổ chức quốc tế về hiệu quả của các ưu đãi thuế trong thu hút FDI cho thấy khu vực doanh nghiệp FDI ít phản ứng với thuế hơn ở các nước có môi trường đầu tư kém. Do đó, điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Chính phủ bằng cách tập trung nhiều hơn vào các ưu đãi thuế dựa trên chi tiêu để có thể nâng cao hiệu quả hơn môi trường đầu tư thông qua các yếu tố phi thuế như cơ sở hạ tầng hoặc kỹ năng lực lượng lao động.
Thực tế cho thấy, công ty đa quốc gia có xu hướng rút các khoản đầu tư và lợi nhuận của họ bất cứ lúc nào khi các lợi ích miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã hết. Việt Nam nên cảnh giác với tình huống mà tại thời điểm số thu thuế dự tính sẽ tăng thông qua việc dự án đầu tư sản xuất kinh doanh mở rộng đang hoạt động ổn định, các hoạt động tái cơ cấu nhằm giảm quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh có thể diễn ra, dẫn đến tác động tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội nói chung. Ngược lại, vì trợ cấp đầu tư được cấp cho việc đầu tư cơ sở vật chất liên tục, hoạt động nghiên cứu và phát triển và tạo việc làm mới, kết quả của trợ cấp sẽ mang lại lợi ích đầu tư cho các địa phương ở Việt Nam, tích lũy công nghệ, kinh nghiệm và bí quyết…. và do đó có thể góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn thu từ thuế trong dài hạn, điều này phù hợp với các mục tiêu cần được Chính phủ Việt Nam xem xét tích cực.
Các khoản lỗ thường phát sinh trong giai đoạn đầu của hoạt động đầu tư và việc miễn thuế TNDN được áp dụng kể từ khi tạo ra lợi nhuận. Do đó, có thể mất nhiều thời gian để các công ty đa quốc gia nộp thuế TNDN. Khoản trợ cấp bằng tiền được coi là thu nhập chịu thuế TNDN và do đó, thúc đẩy nhanh việc nộp thuế TNDN.
Ngược lại với việc miễn thuế TNDN, việc ưu đãi đầu tư ít có nguy cơ bị lạm dụng chuyển giá hơn. Nguyên nhân là do việc miễn thuế đối với một số loại thu nhập nhất định trong một khoảng thời gian nhất định là quá rõ ràng khiến các doanh nghiệp khó làm giả số lỗ thực tế nhằm mục đích chuyển lợi nhuận.
Do đó, việc ưu đãi bằng tiền mặt có thể làm tăng đầu tư bằng cách giảm chi phí vốn cho các công ty đa quốc gia. Ngoài ra, các khoản ưu đãi này cũng dễ quản lý và có thể được sử dụng để đầu tư vào cơ sở vật chất, nghiên cứu và phát triển và việc làm. Như vậy sẽ làm giảm chi phí đầu tư ban đầu của các công ty đa quốc gia. Điều quan trọng đối với Việt Nam là phải kịp thời xem xét tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với doanh nghiệp FDI và quyết định xem có nên áp dụng trợ cấp trên như một phần của chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI hay không.
Theo bà Hoàng Thùy Dương - Phó Tổng Giám đốc, Trưởng bộ phận Thuế Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, để bảo vệ nguồn thu thuế của Việt Nam cũng như đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, một trong những phương án có thể cân nhắc là nâng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) áp dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu (bao gồm cả những nhà đầu tư đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN đã được cấp từ trước, và những nhà đầu tư mới) lên mức tối thiểu là 15% theo lộ trình như sau:
Giải pháp trước mắt được đặt ra là khi việc rà soát, sửa đổi luật thuế và pháp luật có liên quan cần rất nhiều thời gian để nhanh chóng ứng phó, có thể cân nhắc áp dụng quy định tại Điểm b, khoản 2, Điều 15 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH1. Trong đó, quy định Quốc hội có thể ban hành nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.
Trong trường hợp này, nội dung Thuế suất tối thiểu toàn cầu có thể được hiểu là chính sách mới, chỉ áp dụng thí điểm đối với một nhóm đối tượng (cụ thể là các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu), thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và khác với quy định hiện hành liên quan tới thuế TNDN. Đây có thể là căn cứ pháp lý để Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết để thực hiện thí điểm việc áp dụng Thuế suất tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 cho tới khi Luật Thuế TNDN (sửa đổi) được ban hành.
Giải pháp dài hạn là sửa đổi, bổ sung chính sách thuế TNDN và pháp luật có liên quan về thuế TNDN để thay thế cho Nghị quyết đã ban hành, đồng thời bổ sung nội dung quy định theo Quy tắc GloBE để bảo vệ quyền đánh Thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Cùng với đó, có thể tách biệt cơ chế ưu đãi cho từng đối tượng áp dụng.
Về cơ bản, những doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu có thể được phân thành hai nhóm chính: Nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam và thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo nội luật; Nhóm thứ hai là những nhà đầu tư mới (bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài).
Trên thực tế, việc đưa ra một cơ chế ưu đãi mới để áp dụng chung và đồng thời cùng lúc cho cả hai nhóm nhà đầu tư trên sẽ thiếu tính khả thi và rất phức tạp do rất khó để có thể cân bằng được lợi ích của tất cả nhà đầu tư. Việt Nam có thể cân nhắc xây dựng cơ chế ưu đãi riêng cho từng nhóm nhà đầu tư, cụ thể như sau:
Đối với Nhóm 1: cân nhắc xem xét cơ chế hỗ trợ, khắc phục ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng riêng cho Nhóm 1 này như một cơ chế đền bù dựa trên dữ liệu cụ thể ước tính những thiệt hại ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu cho các nhà đầu tư thuộc nhóm này; hoặc không thu thuế bổ sung với nhóm này, tiếp tục áp dụng ưu đãi (nếu có) theo luật hiện hành và/hoặc giấy phép đầu tư đã cấp (tức Việt Nam không thu thêm so với những gì đã cam kết và nhà đầu tư cũng không bị ảnh hưởng bất lợi về thuế TNDN liên quan đến dự án đầu tư tại Việt Nam).
Luật đầu tư và các luật liên quan hiện hành chưa có quy định cho biện pháp “hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại” trong trường hợp ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Như vậy, trong trường hợp Quốc hội chấp thuận ban hành Nghị quyết liên quan tới Thuế suất tối thiểu toàn cầu, có thể đồng thời xem xét bổ sung quy định nêu trên để áp dụng cho những nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu. Điều nãy sẽ giúp đơn giản hóa việc đảm được bảo quyền lợi cho nhà đầu tư như đã cam kết từ đầu.
Đối với Nhóm 2, cân nhắc xây dựng một cơ chế tách biệt với Nhóm 1 để đảm bảo duy trì lợi thế cạnh tranh về lâu dài của Việt Nam trong vấn đề thu hút đầu tư.
Theo ông Robert King, Lãnh đạo Dịch vụ Thuế của Ernst & Young khu vực Đông Dương, trong bối cảnh các quốc gia bắt đầu đưa ra các quy định áp dụng các quy tắc mẫu Chống Xói mòn Cơ sở Thuế Toàn cầu Trụ cột 2 (GloBE), một quốc gia như Việt Nam, nơi có các ưu đãi hấp dẫn về thuế, sẽ rơi vào tình huống mà một quốc gia khác, thường là quốc gia nơi công ty mẹ tối cao đặt trụ sở, sẽ thu “thuế bổ sung” trên thu nhập mà công ty con tại Việt Nam đang nộp thuế thấp tại Việt Nam tạo ra. Theo nghĩa rộng thuế bổ sung sẽ được áp dụng khi thuế suất hiệu quả của doanh nghiệp ở một quốc gia thấp hơn 15%.
Trường hợp này xảy ra ngay cả khi Việt Nam lựa chọn không ban hành các quy định để triển khai quy tắc mẫu GloBE, các ưu đãi thuế tại Việt Nam có thể bị “thu hồi lại” ở một quốc gia khác. Từ góc độ của các tập đoàn đa quốc gia (MNEs), điều đó có nghĩa là nhà đầu tư sẽ không nhận được lợi ích thuế từ chính sách ưu đãi, và rốt cuộc sẽ phải trả thuế ở một quốc gia khác ngoài Việt Nam.
Điều này đặt ra câu hỏi về mặt chính sách rằng Việt Nam có nên điều chỉnh nội luật để sao cho trong những trường hợp trên, doanh thu phát sinh tại Việt Nam phải chịu thuế ở Việt Nam, thay vì ở nước khác hay không?
Có một số cách để thực hiện điều này. Theo đó, Việt Nam có thể áp dụng thuế tối thiểu đáp ứng tiêu chuẩn của khái niệm “Thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn/ Qualified Domestic Minimum Top-up Tax” (QDMTT) như được định nghĩa bởi quy tắc mẫu GloBE hoặc bằng cách áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung chung mà dẫn đến kết quả phù hợp với quy tắc mẫu GloBE, nhưng không thỏa mãn tiêu chuẩn khái niệm QDMTT.
Lợi ích chung của việc áp dụng thuế bổ sung nội địa theo các quy tắc mẫu GloBE là một quốc gia nơi phát sinh doanh thu chịu thuế suất thấp, sẽ đánh thuế doanh thu đó, thay thuế bổ sung được áp dụng tại một nước khác. Nói cách khác, nếu doanh thu sẽ chịu thuế trong mọi trường hợp thì sẽ ưu tiên đánh thuế công ty tại nơi công việc được thực hiện, trong bối cảnh này, là tại Việt Nam.
Thuế bổ sung nội địa đáp ứng yêu cầu của một QDMTT còn mang đến một số lợi ích khác. Thứ nhất, nó được khấu trừ toàn bộ vào bất kỳ khoản thuế bổ sung nào khác phát sinh theo các quy tắc mẫu GloBE tại một quốc gia khác. Điều này có nghĩa là nếu Việt Nam áp dụng QDMTT, thu nhập của công ty con phát sinh tại Việt Nam sẽ không phải chịu thêm bất kì khoản thuế bổ sung nào theo các quy tắc mẫu GloBE tại bất kỳ quốc gia nào khác.
Trong trường hợp một hình thức thuế bổ sung nội địa khác được áp dụng, mà nó không tương tự một cách đầy đủ với các quy tắc mẫu GloBE để được coi là một QDMTT, sẽ có rủi ro là thuế đã nộp ở Việt Nam có thể không được khấu trừ toàn bộ vào thuế bổ sung phát sinh theo các quy tắc mẫu GloBE và do đó có thể sẽ phải nộp thêm một khoản thuế. Đây là điều chắc chắn xảy ra nếu thuế bổ sung không bao gồm trong khái niệm Thuế áp dụng điều chỉnh (Adjusted Covered Tax).
Một ưu điểm khác của việc áp dụng thuế nội địa đáp ứng các yêu cầu của khái niệm QDMTT là nó cho phép một quốc gia áp dụng một loại thuế bổ sung vừa đủ để ngăn chặn bất kỳ khoản thuế bổ sung nào phát sinh ở nước thứ ba, mà không vượt quá giới hạn đó. Tương tự, QDMTT có thể bao gồm khoản khấu trừ thu nhập theo hoạt động kinh tế thực chất (SBIE). SBIE cho phép giảm thuế bổ sung áp dụng trong trường hợp có nhiều hoạt động kinh tế thực chất hơn. Trong giai đoạn chuyển tiếp 10 năm đầu, SBIE được áp dụng ở mức 8% giá trị ghi sổ của tài sản hữu hình và 10% chi phí tiền lương. Thực tế, điều này có nghĩa là các công ty có chi phí tài sản và nhân công lớn sẽ có thuế bổ sung thấp hơn, với các yếu tố khác tương đương, so với các công ty có ít hoạt động kinh tế thực chất hơn. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến nhiều công ty tại Việt Nam trong bối cảnh nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam có số lượng nhân công lớn và máy móc thiết bị có giá trị cao.
Cuối cùng, các tập đoàn đa quốc gia thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy tắc mẫu GloBE có thể mong đợi hơn việc áp dụng một loại thuế bổ sung nội địa đáp ứng tiêu chuẩn của QDMTT do họ sẽ cần hiểu, thực hiện và tuân thủ các quy tắc mẫu GloBE tại tất cả các vùng lãnh thổ mà họ hoạt động kinh doanh. Hy vọng rằng các nước sẽ thiết lập các quy trình và thiết kế các hệ thống để thu thập thông tin liên quan nhằm tạo điều kiện cho việc tuân thủ thuế tối thiểu theo quy tắc mẫu GloBE. Khi đó các tập đoàn đa quốc gia trên có thể dễ dàng hơn trong việc tính thuế bổ sung theo cách mà họ đã quen thực hiện, thay vì theo một cách khác.