Tiết kiệm gần 3,5 nghìn tỷ mỗi năm nhờ cung cấp dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06
Theo thông báo kết luận Hội nghị chuyên đề về "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến" của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, cho đến nay, đã có 45/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu được triển khai, trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.
Chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng 71/193
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 434/TB-VPCP ngày 25/9/2024 thông báo kết luận Hội nghị chuyên đề về "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến" của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Thông báo nêu rõ, theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2024, Chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam xếp hạng 71/193, tăng 15 bậc so với năm 2022.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho số hóa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai tích cực. Thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng cao.
Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3 nghìn quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 TTHC; đã cung cấp thêm gần 1,8 nghìn dịch vụ công trực tuyến, đạt 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số TTHC.
Đặc biệt, đã triển khai 45/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.
Bên cạnh những kết quả trên, công tác dịch vụ công trực tuyến còn một số tồn đọng như: Cải cách TTHC vẫn còn chậm, thủ tục còn rườm rà; Nhân lực số, hạ tầng số chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đột phá; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia còn nhiều bất cập…
Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện chuyển đổi số
Để khắc phục những tồn động trên và phát huy được những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải chủ động, tích cực vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập và nguyên nhân đã nêu; lấy kết quả thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong các tiêu chí đánh giá tín nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong nhiệm kỳ.
Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định, văn bản quy phạm pháp luật và các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, với tinh thần cái gì thực tiễn đặt ra đòi hỏi, yêu cầu đã chín, đã rõ thì phải sửa đổi, bổ sung, thể chế hóa thành quy định, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức thực hiện, bảo đảm chính sách phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản trị phải thông minh.
Bên cạnh đó, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa tối đa, kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh các TTHC, quy định kinh doanh; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho; tạo môi trường công khai, minh bạch, trong sạch để cán bộ không mắc phải những sai phạm; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời góp phần xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo.
Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa 50% TTHC nội bộ và chi phí tuân thủ TTHC nội bộ; khẩn trương phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện các TTHC theo hướng cấp nào làm tốt nhất thì giao, đặc biệt là cấp cơ sở gần dân nhất. Chuyển đổi mạnh mẽ sang xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; các bộ, ngành rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về TTHC liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo hướng sử dụng hồ sơ hành chính dưới dạng dữ liệu số, hoàn thành trước ngày 15/12/2024.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện chuyển đổi số, nhất là việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức… Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.