Tiết kiệm khoảng 1.500 tỷ đồng khi khoán xe ô tô công...

PV.

(Tài chính) Bắt đầu từ ngày 1/7/2014, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới. Liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là tiết kiệm chi tiêu ngân sách, tại Kỳ họp Quốc hội mới đây, vấn đề mua sắm xe ô tô công đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và thu hút sự chú ý trên các phương tiện thông tin đại chúng. TS. Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã trả lời phỏng vấn về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm xe ô tô công.

Bắt đầu từ ngày 1/7/2014, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) chính thức có hiệu lực với khá nhiều điểm mới. Với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật sẽ phát huy tác dụng, tạo điều kiện để thực hiện tốt chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, góp phần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Là cơ quan được giao chủ trì tổ chức thực hiện Luật này, Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhiều công việc để Luật đi vào cuộc sống, như: tiến hành rà soát các văn bản cần hướng dẫn mới, cần bổ sung, sửa đổi  theo quy định của Luật; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật; hướng dẫn và giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên cho các bộ, ngành, địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính...

Liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là tiết kiệm chi tiêu ngân sách, tại Kỳ họp Quốc hội mới đây, vấn đề mua sắm xe công đã được nhiều đại biểu Quốc hội  quan tâm và cũng thu hút sự chú ý trên các phương tiện thông tin đại chúng. TS. Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

Thưa ông, từ trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là tiết kiệm chi tiêu ngân sách, trong đó có hạn chế mua thêm xe công. Tuy nhiên năm 2013, theo báo cáo có gần 1500 xe công được mua mới với số tiền trên 1.300 tỷ đồng. Một số ý kiến băn khoăn rằng việc mua sắm ô tô công như vậy có thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ  hay không?

Tiết kiệm khoảng 1.500 tỷ đồng khi khoán xe ô tô công... - Ảnh 1
TS. Trần Đức Thắng,
 Cục trưởng Cục Quản lý công sản
TS. Trần Đức Thắng: Chủ trương mua sắm xe ô tô công đã được nêu trong các chính sách được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành và được thực hiện rất nghiêm túc trong thời gian vừa qua. Năm 2013, với số lượng xe mua mới trên 1.000 xe thì đây chủ yếu là xe chuyên dùng phục vụ công tác đặc thù, hầu như không có xe phục vụ công tác cho chức danh và phục vụ công tác chung.

Việc mua sắm xe ô tô công đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ hiện hành. Đáng chú ý là hầu như không có chuyện mua xe vượt giá, vượt tiêu chuẩn định mức. Tại Quyết định số 59 và 61 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất rõ về mức giá được mua xe đối với từng chức danh phục vụ công tác. Cơ quan tài chính của Bộ Tài chính cũng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi rất chặt chẽ với việc này. Do vậy hầu như không có chuyện mua xe vượt giá, vượt tiêu chuẩn định mức.

Hiện nay, các cơ quan đơn vị chỉ được mua sắm xe ô tô phục vụ công tác trong trường hợp đã được bố trí dự toán và mua sắm cũng theo giá mà đã được quy định. Trong trường hợp mua xe vượt giá quy định thì cơ quan kho bạc, cơ quan thuộc Bộ Tài chính thực hiện chức năng kiểm soát chi sẽ không thực hiện thanh toán đối với các trường hợp mua vượt giá.

Trong thời gian vừa qua, chỉ có một số ít cơ quan đơn vị có nguồn kinh phí, ví dụ như kinh phí sự nghiệp, việc kiểm soát không hoàn toàn qua kho bạc, đã có một vài trường hợp mua vượt giá. Tất cả những trường hợp này, Cục Quản lý công sản cũng đã phát hiện và có chấn chỉnh, thu hồi đối với số tiền mua vượt, đồng thời xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc mua sắm vượt giá quy định.

Thưa ông, để đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tiết kiệm trong mua sắm và sử dụng xe công, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện khoán xe công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị..., tuy nhiên cho đến nay việc thực hiện vẫn đạt thấp. Ông có thể cho biết lý do vì sao?

Số lượng xe công ở nước ta hiện nay so với các nước trong khu vực và thế giới là ở mức khá cao. Riêng xe ô tô ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, chưa kể xe an ninh - quốc phòng có khoảng 37.000 xe, đây là số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Tài chính.

Quyết định số 59 và 61 của Thủ tướng đã có quy định về khoán xe ô tô công đối với các chức danh được sử dụng ô tô phục vụ công tác. Tuy nhiên, quy định khoán xe này mang tính khuyến khích, chưa bắt buộc. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu để sửa đổi quy định hiện hành về xe ô tô công.

Cục Quản lý Công sản đang xây dựng dự thảo báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ cho phép quy định theo hướng bắt buộc khoán xe ô tô đối với một số chức danh, nhất là đối với xe phục vụ công tác chung. Trong tổng số 37.000 xe, có khoảng 26.000 xe phục vụ công tác chung, xe phục vụ chức danh chỉ có khoảng 2.000 xe. Cục Quản lý công sản đang có định hướng: đối với xe phục vụ công tác chung tại một số vùng miền có thể sử dụng được xe cá nhân, dịch vụ xe công cộng thì sẽ quy định khoán số xe.

Thưa ông, với việc thực hiện theo hướng bắt buộc khoán xe ô tô công đối với một số chức danh, nhất là đối với xe phục vụ công tác chung, dự kiến hàng năm ngân sách sẽ tiết kiệm chi được bao nhiêu?

Theo tính toán của Cục Quản lý công sản, nếu thực hiện khoán xe đối với 26.000 xe công tác trong thời gian tới, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm chi được hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, với thực tế hiện nay tính trên cơ sở chi phí cho 1 km xe công với giá bình quân của xe taxi, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm khoảng 1.500 tỷ đồng.

Dự kiến khi nào Bộ Tài chính sẽ trình dự thảo này, thưa ông?

Khoán xe là quy định cần phải làm, song cũng phụ thuộc vào nhiều điều kiện như xe dịch vụ công. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải đạt yêu cầu quan trọng nhất là đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ phục vụ công tác. Tuy nhiên những nơi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, những thành phố lớn có dịch vụ xe công tốt, trước mắt có thể áp dụng đối với những khu vực đó. Còn những địa bàn vùng sâu vùng xa thì có lẽ phải để một thời gian nữa. Việc này cần nghiên cứu kỹ để có thể đưa ra một lộ trình thực hiện phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Theo tính toán, nếu thực hiện khoán xe đối với 26.000 xe công tác trong thời gian tới, mỗi năm ngân sách cũng sẽ tiết kiệm chi được hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, với thực tế hiện nay tính trên cơ sở chi phí cho 1 km xe công với giá bình quân của xe taxi, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1.500 tỷ đồng.