Tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy đi qua cửa khẩu diễn biến khá phức tạp


Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2019, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy đi qua các cửa khẩu TP. Hồ Chí Minh có diễn biến khá phức tạp, khó lường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Phá nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn

Theo Hải quan TP. Hồ Chí Minh, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy đi qua các cửa khẩu có diễn biến khá phức tạp, khó lường. Theo đó, tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, với thủ đoạn vận chuyển ngày càng manh động, mang tính liều lĩnh, nghiêm trọng, nhất là đường dây, tổ chức tội phạm do người Đài Loan (Trung Quốc) cầm đầu.

Hầu hết tại các cửa khẩu cảng biển, sân bay quốc tế, bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh của TP. Hồ Chí Minh đều đã phát hiện tội phạm hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý qua biên giới. Theo đó, các loại ma tuý vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam bằng đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh, sau đó một phần sử dụng trong nước, còn phần lớn được vận chuyển sang các nước khác.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Hải quan và các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp methamphetamine, ketamine, heroin cực lớn từ Myanmar, Lào, Campuchia xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ chuyển về TP.HCMTP. Hồ Chí Minh, sau đó xuất sang Đài Loan, Philippines, Úc, Hồng Kông...  Gần đây, tội phạm ma túy có xu hướng thiết lập các xưởng điều chế ma túy bí mật trong nội địa để xuất ra nước ngoài, đây là hiện tượng đáng báo động.

Thực hiện các kế hoạch kiểm soát ma túy trọng điểm, trong 9 tháng của năm 2019, các đơn vị trong toàn Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện, lập biên bản 38 vụ vận chuyển trái phép các chất ma túy; thu giữ tổng cộng khoảng 557kg chất ma túy các loại. Trong đó, phá 1 chuyên án, thu giữ khoảng 13kg ma túy tổng hợp MDMA (thuốc lắc) và 1kg ma túy đá. Phối hợp với C04-Bộ Công an phá 1 chuyên án chung, thu giữ khoảng 507,5kg Ketamine.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Nhiều thủ đoạn vận chuyển ma túy qua cửa khẩu mà các tổ chức tội phạm triệt để sử dụng đã được Hải quan nhận diện trong thời gian qua. 

Tại tuyến cảng biển, các tổ chức tội phạm đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan để ủy thác xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Theo đó, ma túy được ngụy trang tinh vi trong các container hàng nguyên liệu sản xuất (hạt nhựa, nhựa tái sinh, máy móc thiết bị…) được miễn kiểm tra thực tế (luồng xanh, luồng vàng) để vận chuyển trái phép ra nước ngoài; hoặc lợi dụng loại hình hàng quá cảnh, tạm nhập-tái xuất, trung chuyển (không kiểm tra hải quan) để đưa ma túy vào trong lô hàng xuất sang nước thứ ba tiêu thụ.

Nhằm tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng, tội phạm ma túy đã móc nối với các đối tượng trong nước thuê kho tập kết ma túy tại những nơi hẻo lánh, vùng ngoại thành, ít dân cư, nằm trên đường độc đạo để dễ phát hiện người theo dõi, di chuyển kho nhiều lần, gắn camera quan sát nhiều vị trí khu vực kho hàng, sử dụng mạng internet để liên hệ, trao đổi, mua bán ma túy và liên tục thay đổi người giám sát, điều hành từ nước ngoài vào…

Mặt khác, các đối tượng nhập khẩu máy móc về Việt Nam rồi gia cố, thiết kế lại các bộ phận, tạo các ngăn giả bên trong máy để giấu ma túy nhằm đối phó sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu hoặc cố tình vận chuyển hàng đến cửa khẩu để xuất đi nước ngoài sát giờ tàu chạy nhằm tạo áp lực cho hải quan nếu mở kiểm tra sẽ bị trễ chuyến, bồi thường.

Trên tuyến đường không, các tổ chức tội phạm ma túy triệt để lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, chế độ quà biếu phi mậu dịch của Nhà nước, nhất là trong thực hiện thủ tục hải quan, thông quan điện tử đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy với các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng như: ngụy trang ma túy vào hàng hóa, hành lý; hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong các quyển sách, bìa album, tranh ảnh, trong thực phẩm, máy móc; sử dụng CMND và địa chỉ giả để gởi hàng hoặc ủy thác dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu nhằm che giấu tông tích, né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện.

Liều lĩnh hơn, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn mới, nuốt các viên ma túy đã được tráng nhôm nhằm kéo dài thời gian bảo quản trong cơ thể để vận chuyển qua nhiều nước, qua mắt các lực lượng chức năng.

Đặc biệt, đối với một số nước sử dụng cần sa hợp pháp như Canada, Mỹ... gần đây các đối tượng từ các nước này đã gửi cần sa qua đường chuyển phát nhanh với thủ đoạn chia nhỏ thành nhiều gói, có trọng lượng dưới 1 kilogam và ghi tên người nhận khác nhau nhằm mục đích không bị xử lý hình sự nếu bị phát hiện.

Tăng cường phối kết hợp trong phòng chống buôn lậu ma túy

Từ tình hình trên, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã xác định, ngoài nhiệm vụ thu thuế thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới cũng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thường xuyên của đơn vị. Với tinh thần trên, Cục đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn ma túy thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Theo đó, đơn vị đã xây dựng kế hoạch kiểm soát ma túy trọng điểm tại địa bàn hoạt động hải quan, xác lập các chuyên án đấu tranh và đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ ma tuý lớn.

Để công tác đấu tranh phòng, chống ma túy qua địa bàn đạt hiệu quả trong thời gian tới, các lực lượng Hải quan, Công an, Biên phòng, Sở Kế hoạch đầu tư, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cần phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, phân loại, lập danh sách các doanh nghiệp có độ rủi ro cao, cần theo dõi quản lý chặt, tập trung đi sâu vào công tác phân tích thông tin các doanh nghiệp đã thành lập nhưng trong thời gian dài không có hoạt động xuất nhập khẩu hoặc hoạt động với tần suất ít, không đủ chi phí thuê nhà xưởng, kho bãi...

Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong nước về công tác phòng chống ma túy theo đó lực lượng Công an-Hải quan-Biên phòng cần xác lập các chuyên án chung để phối hợp điều tra, ngăn chặn ma túy từ ngoài vào trong cửa khẩu và ngược lại. Bên cạnh đó, tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma túy, đảm bảo xây dựng và hình thành cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả.

Lập và chia sẻ quyền truy cập cơ sở dữ liệu chung về kiểm soát ma túy hợp pháp để phối hợp quản lý theo Quyết định số 52/2011/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ. Kiện toàn và đưa vào hoạt động của Tổ công tác liên ngành về phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của Thành phố. Theo đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp trong nội địa.

Trang bị đủ các loại máy soi hàng cố định, di động tại các cửa khẩu cảng biển, trong các kho chứa hàng và máy soi người tại cửa khẩu sân bay, bưu điện... đảm bảo kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu và hành khách xuất nhập cảnh đi qua cửa khẩu.