Tổng quan thị trường chứng khoán 9 tháng 2013
(Tài chính) Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn dài hạn; là chỉ báo quan trọng của kinh tế vĩ mô, nên tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô. Đến lượt nó, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tác động đến thị trường chứng khoán.
Hiện trạng thị trường chứng khoán trên một số chỉ tiêu chủ yếu tính đến cuối tháng 9/2013 như sau.
Về số lượng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (một chủ thể quan trọng trên thị trường, gọi chung là CP) niêm yết trên thị trường chứng khoán có 825, bao gồm 304 trên HOSE, 383 trên HNX và 138 trên UPCOM.
Về chỉ tiêu này, trong những năm qua có một số điểm cần lưu ý. Số CP niêm yết đã tăng khá trong 13 năm qua (từ 41 cuối năm 2005 lên 825 cuối tháng 9/2013). Tuy nhiên, hiện có một số vấn đề đáng quan tâm. Một, so với tổng số công ty cổ phần của cả nước đang hoạt động (hơn 70.000), thì số CP niêm yết vẫn còn quá ít (mới chiếm khoảng 12%). Hai, gần đây trên thị trường đã xuất hiện tình trạng số CP niêm yết mới ít hơn số huỷ niêm yết (12/28). Ba, hiện còn khá nhiều DN lớn, DN hoạt động có hiệu quả, có sức hấp dẫn vẫn chưa lên sàn; trong khi không ít DN đã lên sàn từ khá sớm hoặc trước đây có sức hấp dẫn lớn nhưng nay lại gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Phần nhiều DN niêm yết có quy mô nhỏ, quan trọng hơn là chất lượng của không ít DN trên sàn còn yếu kém kể cả về hiệu quả hoạt động, cả về công tác hạch toán, cung cấp công khai, minh bạch thông tin...
Theo đó, trong thời gian tới, cần phải đưa thêm nhiều DN lớn hấp dẫn lên sàn, trên cơ sở đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước ở một số DN thuộc các ngành lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc phải có cổ phần chi phối, đồng thời, cần phải củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng hạch toán và cung cấp thông tin của các DN đã niêm yết.
Về giá trị vốn hoá thị trường/GDP tính đến hết tháng 9/2013 đạt khoảng 27,9% GDP 2012 (đã được Tổng cục Thống kê tính lại và tính đầy đủ hơn đối với bất động sản). Tuy nhiên, tỷ lệ này còn thấp so với một số năm trước. Để tăng giá trị vốn hoá/GDP, thị trường cần phải được tăng thêm nhiều DN lớn hơn nữa (hiện còn đứng ngoài thị trường).
Về tổng giá trị giao dịch trên thị trường trong 9 tháng 2013 đã đạt 1.342 tỷ đồng, tuy còn thấp hơn trong một số thời kỳ trước (năm 2009 là 2.600 tỷ đồng, năm 2010 là 2.469 tỷ đồng), nhưng đã khá hơn thời kỳ khó khăn 2011-2012. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh (khối lượng mua ròng 9 tháng tăng 82%, giá trị mua ròng đạt 3.777 tỷ đồng, tăng 198,4% so với cùng kỳ năm trước). Cùng với sự nới lỏng chính sách tiền tệ thì lượng tiền vào thị trường trong thời gian tới đây sẽ tăng, có thể dần dần đạt mức 2.000 tỷ đồng/phiên vào cuối năm.
Về số lượng nhà đầu tư. Hiện có khoảng gần 1 triệu tài khoản của nhà đầu tư trên thị trường. Trong 9 tháng qua, có 551 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch (208 cá nhân, 344 tổ chức), tăng 65,5% so với cùng kỳ năm trước (cá nhân tăng 10,1%, tổ chức tăng 138,9%). Ở đây có vấn đề cần chú ý là số lượng nhà đầu tư không những thấp so với dân số, lao động, mà còn chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân và cũng có không ít tài khoản đã lâu không giao dịch; số nhà đầu tư là tổ chức còn chiếm tỷ trọng nhỏ (dưới 10%), ngược với các nước phát triển. Tính đầu cơ, phong trào, đám đông còn khá nặng. Rất nhạy cảm với tin đồn, nên sự biến động trong nhiều trường hợp là thái quá...
Về điểm số. Điểm số của VN-Index đến cuối tháng 9 đạt trên 492 điểm, cao gấp trên 4,9 lần khi thị trường chứng khoán ra đời, với tốc độ tăng bình quân 1 năm đạt 13%/năm; so cuối tháng 9/2013 với cuối năm trước đã tăng trên 19%, HNX tăng 6,8%, UPCOM tăng 0,2%; trong đó của một số mã còn tăng cao hơn nhiều (HTL, VHG, PMS, TCM, PTB, CYC, DCL, MNC, SCL, HLY,…). Đó là những tốc độ tăng thuộc loại khá. Tuy nhiên, điểm số chung trên sàn Hà Nội (HNX) chỉ còn bằng khoảng 61% khởi điểm ra đời; hiện có đến 57% tổng số mã đã ở mức dưới mệnh giá!...
Trong điều kiện lạm phát chậm lại liên tiếp từ gần 2 năm qua, lãi suất tiết kiệm giảm xuống, hiện còn ở mức thấp; chính sách tiền tệ, tài khoá có xu hướng nới lỏng, tăng trưởng tín dụng cao dồn vào cuối năm, lãi suất cho vay dần trở về như thời kỳ trước khủng hoảng; thị trường bất động sản chưa hồi phục, thị trường vàng đã kết thúc thập kỷ tăng và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định hiện nay, nhiều chuyên gia đã dự đoán, chỉ số VN-Index có thể vượt qua mốc 500 điểm, thậm chí còn có dự đoán vượt 550 điểm và chỉ số HNX sẽ vượt qua mốc 70 điểm vào cuối năm 2013; theo đó, lợi nhuận trên thị trường chứng khoán sẽ có sự hấp dẫn trở lại trong những tháng tới; đó là chưa kể việc chia cổ tức…
Về huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu và cổ phần hoá 6 tháng 2013 mới đạt 5 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước; vốn huy động qua phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 123 nghìn tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước; dòng vốn FII vào thuần trên thị trường chứng khoán đạt 404 triệu USD, cao gấp 8 lần so với cùng kỳ. Trong khi việc tiếp cận vốn từ hệ thống tín dụng ngân hàng còn thấp, việc tăng huy động vốn trên thị trường chứng khoán là rất có ý nghĩa, bởi thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng, lại là kênh huy động dài hạn. Khi các loại hình quỹ mới được thành lập và hoạt động, thực hiện việc nới “rom”, thì tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán được mở rộng... sẽ góp phần tăng lượng vốn huy động trên thị trường chứng khoán.
Về chính sách và điều hành trên thị trường chứng khoán đã có sự cải thiện trong thời gian qua và được tiếp tục cải tiến trong thời gian tới. Đề án tái cơ cấu tương đối toàn diện thị trường này được thực hiện sẽ tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển tốt hơn.
Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn dài hạn; là chỉ báo quan trọng của kinh tế vĩ mô, nên tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô. Đến lượt nó, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tác động đến thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán bước đầu có dấu hiệu khởi sắc và là kênh đầu tư có tỷ lệ lợi nhuận cao nhất hiện nay.