Vai trò của chất lượng lao động đối với nâng cao năng suất chất lượng
Chất lượng lao động đóng vai trò quan trọng và là yếu tố then chốt để thúc đẩy việc nâng cao năng suất chất lượng trong mỗi doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, có 7 yếu tố cơ bản tác động đến năng suất lao động của Việt Nam, trong đó có năng suất lao động của doanh nghiệp, bao gồm: Xuất phát điểm và quy mô nền kinh tế; cơ cấu kinh tế và lao động; năng suất lao động các ngành và quá trình chuyển dịch lao động; máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất; chất lượng lao động, cơ cấu nhân lực, hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo; trình độ tổ chức, quản lý trong sản xuất, kinh doanh và hiệu quả sử dụng các nguồn lực; quá trình đô thị hóa.
Tại các doanh nghiệp, có nhiều yếu tố ảnh hướng tới năng suất lao động; trong đó, yếu tố gắn liền với con người và quản lý con người có ý nghĩa rất lớn. Đó là trình độ văn hóa, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng, năng lực của đội ngũ lao động. Nếu người lao động có trình độ học vấn sẽ tạo ra khả năng tư duy và sáng tạo cao, tiếp thu nhanh chóng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận dụng linh hoạt và sáng tạo các công cụ sản xuất để tạo ra hiệu quả làm việc cao nhất...
Bên cạnh đó, việc tổ chức lao động của người quản lý cũng đóng vai trò quyết định trong tăng năng suất. Ngoài việc biết lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất phù hợp với năng lực và điều kiện doanh nghiệp, thì trình độ và khả năng tổ chức lao động của mỗi doanh nghiệp có tác động mạnh mẽ tới năng suất lao động thông qua việc xác định phương hướng phát triển, phân công lao động, chế độ tiền lương, tiền thưởng, tổ chức phục vụ nơi làm việc…
Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản tạo nên năng suất lao động. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có năng lực, trình độ, tay nghề, đáp ứng được yêu cầu phát triển là giải pháp cơ bản để nâng cao năng suất lao động.
Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng lao động nhằm nâng cao năng suất chất lượng tại doanh nghiệp, cần tiến hành rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và địa phương.
Cùng với đó, đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, tiếp cận trình độ các nước phát triển trong ASEAN và thế giới. Tăng cường kiểm soát chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học; nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện cơ sở vật chất.
Thực hiện đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề (không phân biệt hình thức sở hữu) theo nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo thuận lợi để doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo thực hiện hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động của doanh nghiệp.
Theo chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam, mặc dù chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 28%, song tỉ lệ này so với các nước có thu nhập trung bình còn quá thấp.
Chất lượng kỹ năng của người lao động Việt Nam chậm cải thiện, thậm chí có sự giảm sút trong năm gần đây thể hiện qua việc người lao động thiếu đào tạo kỹ thuật, thiếu lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức về thiếu hụt lao động có trình độ cao, có kỹ năng chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số... Do đó, trong thời gian tới, cần kịp thời cải thiện đáng kể chất lượng lao động để nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp.