Xóa bỏ 99% dòng thuế theo EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc cơ bản quá trình đàm phán vào ngày 4/8. Theo đó, sẽ có tới 99% dòng thuế nhập khẩu được hai bên xóa bỏ, đồng thời mở ra rất nhiều cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo công bố kết thúc cơ bản đàm phán Hịệp định EVFTA vừa diễn ra chiều ngày 4/8 tại Hà Nội.
Cuộc họp báo được diễn ra ngay sau buổi điện đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU, Cecilia Malmström. Theo đánh giá của hai bên, EVFTA là một trong những Hiệp định có chất lượng cao nhất của Việt Nam và EU, dự kiến đem lại lợi ích tối ưu và cân bằng cho cả cho người dân, doanh nghiệp hai bên.
Hiệp định chất lượng cao
Theo đánh giá của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các nội dung trong đàm phán đều mang tính thống nhất toàn diện, chất lượng cao và cân bằng lợi ích trong tất cả các lĩnh vực đàm phán. Bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm công cũng như các quy tắc, quy định quản lý, đặc biệt là sở hữu trí tuệ, bao gồm chỉ dẫn địa lý, doanh nghiệp Nhà nước, quy định trong nước, bảo hộ đầu tư, thuế xuất nhập khẩu.
“Khi Hiệp định có hiệu lực thì tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản, và của EU như máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, nông sản sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi tiếp cận thị trường của bên kia. Các DN, nhà đầu tư EU cũng được hưởng ưu đãi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các DN EU có thế mạnh như dịch vụ tài chính, phân phối, vận tải...”, Bộ trưởng cho biết.
Về xuất nhập khẩu, sẽ có tới 99% các dòng thuế nhập khẩu được hai bên xóa bỏ. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay. Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định EVFTA cũng sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Ngoài ra, các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, v.v. cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng.
Theo bà Cecilia Malmström, Hiệp định EVFTA có tính cân bằng cao sẽ thúc đẩy thương mại giữa EU với một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á. Đặc biệt, Hiệp định sẽ tạo ra một hình mẫu mới, tốt hơn và hiện đại hơn đối với các Hiệp định thương mại tự do giữa EU và các nước đang phát triển, đồng thời thiết lập một tiêu chuẩn tốt hơn trong thương mại giữa EU và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Cơ hội tiếp cận về dịch vụ và đầu tư
“Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và một khi hiệp định này đi vào thực thi, nó sẽ mang lại những cơ hội mới quan trọng cho DN của cả hai phía thong qua việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ. Có khoảng 31 triệu việc làm ở châu Á phụ thuộc vào việc xuất khẩu, do đó việc có được sự tiếp cận thuận lợi hơn với một thị trường mới nổi và phát triển nhanh như Việt Nam, có tới 90 triệu người tiêu dùng, là một tin tức hết sức tốt lành. Đồng thời những nhà xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ được sự tiếp cận dễ dàng hơn đối với thị trường EU khi xuất khẩu các sản phẩm của mình”, bà Cecilia Malmström nói.
Bên cạnh việc xóa bỏ thuế quan, Việt Nam cũng sẽ gỡ bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu, Hiệp định này cũng sẽ tạo ra những cơ hội tiếp cận thị trường mới trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Theo đó, Việt Nam đã đồng ý với việc tự do hóa thương mại trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, viễn thong, bưu chính và chuyển phát nhanh. Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho EU, như thông qua việc dỡ bỏ hoặc hạ bớt những hạn chế trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thực phẩm hoặc đồ uống, cũng như các lĩnh vực phi thực phẩm.
Trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, EU và Việt Nam đã thỏa thuận về nguyên tắc phù hợp hoàn toàn với các quy định Thỏa thuận mua sắm Chính phủ của WTO, đạt được mức độ minh bạch có thể so sánh với các Hiệp định Thương mại tự do khác của EU với các nước phát triển và đang phát triển tiên tiến hơn.
Sau bước đột phá này, các thảo luận kỹ thuật sẽ phải được hoàn tất để hoàn thiện văn kiện mang tính pháp lý của hiệp định. Do quan hệ hợp tác với Việt Nam đã được thiết lập trong nhiều năm và tăng cường bởi quá trình đàm phán, nên hai bên kỳ vọng là quá trình sẽ sớm hoàn thiện trong ít tháng tới và chính thức hoàn tất Hiệp định vào mùa thu năm nay.