Ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng sản phẩm
Trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nền kinh tế quốc dân.
Thực tế cho thấy, đối với từng doanh nghiệp, đảm bảo và nâng cao chất lượng được coi là một chiến lược có tầm quan trọng mang tính sống còn. Chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng tạo thành bộ khung "tam giác vàng" quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp trong cạnh tranh.
Nhờ có chất lượng sản phẩm, dịch vụ cao mà uy tín của doanh nghiệp được nâng lên, không những giữ được những khách hàng quen thuộc mà còn thu hút được những khách hàng tiềm năng mới. Kết quả là thị phần doanh nghiệp ngày càng được mở rộng, tạo cơ sở lâu dài cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Song song với sự tiến bộ như vũ bão của khoa học công nghệ và thông tin, nền sản xuất hàng hoá cũng không ngừng phát triển. Cùng với đó, mức sống con người càng được cải thiện nên gắn liền với nhu cầu về hàng hóa càng đa dạng, phong phủ. Đồng thời, giá cả không còn là mối quan tâm duy nhất thì chất lượng là công cụ hữu hiệu nhất để doanh nghiệp cạnh tranh,.
Theo các chuyên gia, nâng cao chất lượng sản phẩm nghĩa là tăng tính năng sử dụng, tuổi thọ, độ an toàn của sản phẩm, giảm mức gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được nguồn tài nguyên, tăng giá trị sử dụng trên một sản phẩm đầu ra. Nhờ đó, tăng khả năng tích luỹ cho tái sản xuất, hiện đại hoá công nghệ, máy móc thiết bị, thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Nâng cao chất lượng sản phẩm cũng đồng nghĩa với tính hữu ích của sản phẩm, thoả mãn nhu cầu người tiêu dùng, giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm nhờ hoàn thiện quá trình đổi mới, cải tiến hoạt động, tối thiểu hóa lãng phí, phế phẩm hoặc sản phẩm phải sửa chữa. Nhờ đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng sẽ được tăng cao.
Có thể nói, trong điều kiện nền kinh tế nước ta mở cửa hội nhập với thế giới, các doanh nghiệp được tự do cạnh tranh trong và ngoài nước. Chính vì vậy sẽ phải cạnh tranh với hàng nhập ngoại có mẫu mã phong phú, đa dạng và rất tiện lợi cho người sử dụng.
Các doanh nghiệp Việt Nam muốn cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải biết vận dụng chiến lược cơ bản trước mắt và lâu dài chính là nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ có sản phẩm, hàng hoá có chất lượng cao doanh nghiệp mới mở rộng được thị trường mà cụ thể ở đây là mở rộng khả năng xuất khẩu. Đây chính là tiền đề để hoà nhập vào thị trưởng khu vực, thị trường thế giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế nước nhà.