Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khoá chủ động, tích cực thực hiện “nhiệm vụ kép”

Trần Huyền

Sáng ngày 16/7/2021, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Tài chính”. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo Bộ Tài chính và các đại biểu tham dự hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo Bộ Tài chính và các đại biểu tham dự hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện các bộ, ban, ngành thuộc Chính phủ.

Về phía Bộ Tài chính, tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo chủ chốt các cục, vụ, viện, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.

Hội nghị còn có sự tham dự của Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các sở tài chính, cục thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, cục dự trữ các tỉnh, thành phố và toàn thể công chức, viên chức ngành Tài chính tại điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.

Tại hội nghị, các đại biểu đã xem video sơ kết công tác tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2021 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Các khoản thu từ sản xuất - kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm toàn ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong việc thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, thu NSNN đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó: thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại khai mạc hội nghị.  
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại khai mạc hội nghị.  

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn khó khăn, kết quả thu NSNN 6 tháng nêu trên là tích cực. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 52,8% dự toán, tăng 17,8%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,7% dự toán, tăng 19,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 59,3% dự toán, tăng 39,6% so với cùng kỳ.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.

Cùng với quản lý thu NSNN hiệu quả, chi NSNN cũng được quản lý chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ khâu lập dự toán đầu năm và trong quá trình thực hiện, gắn với việc triển khai công tác sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công theo các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII).

Trong 6 tháng đầu năm, chi NSNN ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Điều hành chính sách tài khóa chủ động, ứng phó với đại dịch

Trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp chính sách tài khóa tiếp tục thực hiện trong năm 2021 để phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Theo đó, Bộ đã chủ động đề xuất báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021; ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan triển khai kịp thời các chính sách: cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021 theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Bộ Tài chính.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Bộ Tài chính.

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2021 đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: cơ quan thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định cho 52,38 nghìn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn, với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; thực hiện miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng. Qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, NSNN đã chi 4,65 nghìn tỷ đồng; tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: 8,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 (mua vắc-xin, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách ly, phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch); 13,1 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Bộ Tài chính đã tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vắc xin tiêm phòng Covid-19. Bộ đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020; thành lập Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đến nay, Quỹ Vắc xin đã huy động được khoảng 8 nghìn tỷ đồng, một số địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động đóng góp để đảm bảo nguồn kinh phí mua vắc xin phòng Covid-19 khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng, tổng cộng nguồn lực khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Quyết tâm thu ngân sách năm 2021 đạt mức cao nhất

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2021, Bộ Tài chính đã đề ra 10 nhóm giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong những tháng còn lại của năm. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - NSNN theo chương trình công tác của Chính phủ và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi.

Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2021; quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định. Theo đó, Bộ yêu cầu cơ quan thuế, hải quan tiếp tục thực hiện miễn, giảm, giãn một số khoản thu cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch; tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh; quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu.

Đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế. Đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội giao.

Bộ Tài chính cũng tiếp tục điều hành NSNN chặt chẽ; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc mua sắm công, nhất là vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường công tác quản lý giá, thị trường; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính; đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

Bộ Tài chính tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể cán bộ công chức toàn ngành Tài chính, ngành Tài chính nhất định sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2021 ở mức cao nhất, tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 trong các năm tiếp theo.