Điểm lại sự kiện nổi bật của ngành Tài chính tháng 4/2022

Trần Huyền

Trong tháng 4/2022, ngành Tài chính diễn ra nhiều hoạt động quan trọng. Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành Tài chính trong tháng.

1. Công bố hệ thống hoá đơn điện tử toàn quốc

Sáng ngày 21/4/2022, tại trụ sở Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Tổng cục Thuế nối với 476 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Hội nghị vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu nhấn nút kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu nhấn nút kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ công bố hóa đơn điện tử toàn quốc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động và thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

2. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tham dự Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; báo cáo tài chính nhà nước năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Theo Bộ trưởng, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Qua đó, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh COVID-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán). Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 8

Chiều ngày 8/4/2022, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 8 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đại diện Bộ Tài chính Việt Nam tham dự hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác trong các lĩnh vực hợp tác tài chính. Bộ trưởng đề nghị các nhóm công tác tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác hiệu quả, đặc biệt là các hoạt động triển khai cơ chế Một cửa ASEAN, trao đổi dữ liệu thông tin giữa các cơ quan bảo hiểm, hải quan, thuế ASEAN.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 8.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 8.

Bộ trưởng cũng ghi nhận các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và chia sẻ những định hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực tài chính của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số. Thực hiện hiện đại hóa nền tài chính quốc gia là một định hướng quan trọng, tập trung vào việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế, xây dựng hải quan số, kho bạc số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các thị trường tài chính...

4. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Chiều ngày 22/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Hội nghị được tổ chức trực tuyến nối điểm cầu Văn phòng Chính phủ với điểm cầu UBND TP. Hồ Chí Minh. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua, thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tổng quan về thị trường vốn. Ảnh: VGP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tổng quan về thị trường vốn. Ảnh: VGP.

Báo cáo về tình hình thị trường vốn năm 2021, các tháng đầu năm 2022 và định hướng phát triển thị trường, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển thị trường vốn nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển.

Thông tin về công tác điều hành trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

5. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”

Sáng 7/4/2022, tại Hà Nội, Thời báo Tài chính Việt Nam và Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp tổ chức Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự tại Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự tại Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền chính sách tài khoá nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Khẳng định thông điệp luôn đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, để sát cánh cùng doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp tiếp tục thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh”.

6. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm việc với Đoàn Điều khoản IV của IMF

Chiều ngày 20/4/2022, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tiếp và làm việc với Đoàn Điều khoản IV của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do bà Era Dabla-Norris làm Trưởng đoàn.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong nhiều năm qua, IMF đã quan tâm, thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Tài chính nhằm tăng cường năng lực trong các lĩnh vực phân tích thống kê kinh tế, quản lý ngân sách, quản lý nợ công, quản lý giám sát thị trường tài chính - tiền tệ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và bà Era Dabla-Norris - Trưởng đoàn Điều khoản IV của IMF.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và bà Era Dabla-Norris - Trưởng đoàn Điều khoản IV của IMF.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị phía IMF tiếp tục quan tâm hỗ trợ tư vấn kỹ thuật để cải cách quản lý tài chính công và tăng cường năng lực cán bộ Bộ Tài chính, chia sẻ thông lệ tốt về quản lý thuế, chính sách thuế, công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn trong quản lý thuế...; chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng công cụ, phương pháp đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô, cải cách về quản lý ngân sách, quản lý nợ công, quản lý tài chính doanh nghiệp…