Giải đáp nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp Nhật Bản

Theo Lê Thu/haiquanonline.com.vn

Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đặt ra trước Hội nghị bàn tròn với DN Nhật Bản lần thứ 20 đã được Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giải đáp cụ thể.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, các hội nghị đối thoại, hội nghị bàn tròn với doanh nghiệp. Ảnh: T.H
Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, các hội nghị đối thoại, hội nghị bàn tròn với doanh nghiệp. Ảnh: T.H

Khuyến khích DN thông tin về gian lận xuất xứ

Theo phản ánh của DN, hiện nay có một số trường hợp nhà nhập khẩu song song nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam mà không phải chịu thuế hoặc chịu thuế suất thấp dựa vào C/O do Nhật Bản cấp. Trong trường hợp này, nếu nhà nhập khẩu chính ngạch có đề nghị với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, có được hỗ trợ yêu cầu xác minh với tổ chức nơi đã phát hành C/O tại Nhật Bản được hay không?

Trả lời câu hỏi trên, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, pháp luật hiện hành về xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam không cấm nhập khẩu song song. Việc thực thi ưu đãi thuế quan đối với nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản vào Việt Nam được thực hiện theo các cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên, như: AJCEP, VJEPA, CPTPP. Theo đó, những hàng hóa nào được nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam nếu thỏa mãn Quy tắc xuất xứ của các FTA nêu trên đều được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết của Việt Nam.

Hiện nay, cơ quan Hải quan thực hiện xác minh xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp có nghi ngờ về tính chân thật của chứng từ xuất xứ hàng hóa hoặc gian lận xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam.

Trong đó, có hình thức xác minh với cơ quan phát hành C/O tại nước xuất khẩu. Cơ quan Hải quan rất hoan nghênh, khuyến khích DN cung cấp thông tin về gian lận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Cơ quan Hải quan sẽ tích cực xác minh, xử lý theo quy định pháp luật nếu có tình trạng gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Liên quan đến kiến nghị của DN về việc công khai dữ liệu xuất nhập khẩu một cách chi tiết hơn, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, thẩm quyền công bố số liệu xuất nhập khẩu là Tổng cục Hải quan. Hiện nay, Tổng cục Hải quan thường xuyên công bố số liệu về xuất nhập khẩu trên Cổng thông tin Tổng cục Hải quan tại địa chỉ www.customs.gov.vn và công bố trên Tạp chí Hải quan.

Ngoài ra, hàng năm Tổng cục Hải quan còn xuất bản Niên giám thống kê hải quan về hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam (song ngữ Việt – Anh). DN có thể tra cứu số liệu xuất nhập khẩu từ các nguồn thông tin nói trên. Nếu cần tìm hiểu thêm các thông tin xuất nhập khẩu mà chưa được công bố trên các nguồn thông tin nói trên, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với Tổng cục Hải quan để được xem xét giải quyết.

Ứng dụng các thủ tục điện tử

Trong thời gian cao điểm chống dịch bệnh COVID-19, các DN cũng đã phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo phản ánh của các DN, do ảnh hưởng của COVID-19, việc di chuyển của nhân viên đều bị hạn chế và về phía DN cũng muốn hạn chế để nhân viên tiếp xúc với người khác để giảm nguy cơ lây nhiễm. Do đó, DN mong muốn cơ quan Hải quan tiến hành số hóa và cải cách hơn nữa các loại thủ tục bằng cách áp dụng thủ tục điện tử hoàn chỉnh mà không cần phải gửi các tài liệu gốc.

Để hỗ trợ cho DN trong thời gian cao điểm phòng chống dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 3980/TCHQ-GSQL ngày 11/8/2021 cho phép trường hợp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định người khai hải quan phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng bản giấy/bản sao y công chứng, chứng thực...

Khi làm thủ tục hải quan, nếu người khai hải quan đề nghị chậm nộp, cơ quan Hải quan đồng ý để người khai hải quan nộp chứng từ giấy được chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) cho cơ quan Hải quan và nộp chậm chứng từ giấy này trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai. Riêng chứng từ chứng nhận xuất xứ, Bộ Tài chính cho phép người khai hải quan được nộp chậm trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ trong giai đoạn xảy ra dịch COVID-19 theo Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang thực hiện chuyển đổi số hóa thủ tục hải quan, dự kiến thực hiện thí điểm vào cuối năm 2022, đồng thời cũng kiến nghị Chính phủ để có chỉ đạo các cơ quan chức năng nào hiện nay chưa thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thì phải sớm tham gia cơ chế này để hình thành thủ tục hải quan số một cách hoàn chỉnh.

Ngoài ra, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh còn giải đáp vướng mắc của DN liên quan đến thủ tục tiêu hủy hàng miễn thuế trong thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19...