Tạo khung khổ pháp lý đồng bộ để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thanh Sơn

Ngày 9/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Hỗ trợ phát triển Đức, Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam và Ngân hàng PVBank tổ chức Hội thảo Công bố báo cáo thường niên thị trường trái phiếu Việt Nam 2019 và Đối thoại các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn
Các diễn giả tham gia thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn

Doanh nghiệp chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn

Tại hội thảo bà Phạm Thị Thanh Tâm - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến cuối tháng 9/2020, quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 13% GDP năm 2019 (tăng 2,15% so với thời điểm cuối năm ngoái), vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, thị trường trái phiếu Việt Nam có 1.089 đợt phát hành của 175 doanh nghiệp với giá trị phát hành đạt 290.308 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân là 4,0 năm. Trong đó, các tổ chức tín dụng đứng đầu nhóm phát hành với 78.486 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2020.

Tính đến cuối tháng 9/2020, quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 13% GDP năm 2019 (tăng 2,15% so với thời điểm cuối năm ngoái), vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp đã thực hiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp như: Tập đoàn Novaland (NVL) phát hành 2.537 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 10,60% trái phiếu cho các trái chủ là Công ty Chứng khoán MB, MBBank và Vietinbank. Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 của Novaland cho thấy, dư nợ vay trái phiếu dài hạn đạt 13.918 tỷ đồng, tăng gần 34,4% so với đầu năm nay.

Công ty TNHH Saigon Glory đã phát hành 3 đợt trái phiếu để huy động thành công 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án The Spirit of Saigon tại TP. Hồ Chí Minh. Công ty cổ phần Kita Invest phát hành tổng giá trị phát hành lên 2.300 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm. Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Lộc Phát phát hành 100 tỷ đồng, kỳ hạn 1,5 năm với lãi suất 12%/năm; Công ty cổ phần BCG Land huy động 350 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm, lãi suất 12%/năm.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn

Trong khi đó, TNR Holdings với hơn 5.300 tỷ đồng chia thành nhiều đợt phát hành, lãi suất bình quân 10,9%, kỳ hạn hơn bốn năm; Công ty Phú Mỹ Hưng phát hành 900 tỷ đồng với lãi suất 7,15%. Tập đoàn Sovico phát hành 1.550 tỷ đồng…

Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đã bảo lãnh cho công ty con của mình là Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An phát hành trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo với tổng giá trị không quá 1.600 tỷ đồng. Mục đích phát hành là để tài trợ vốn cho dự án Gem Sky World ở Long Thành...

Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (HPX) đã phát hành thành công 1,66 triệu trái phiếu, tương đương 166 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm. Theo đó, kỳ hạn trái phiếu 18 tháng, trả lãi 6 tháng/lần, lãi suất cố định 11%/năm. Tài sản đảm bảo được Ngân hàng Bảo Việt quản lý.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp đang hấp dẫn?

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp thường thấp hơn từ 2-2,5%/năm so với thị trường sơ cấp, nằm trong khoảng 7,5-10,5%/năm. So với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất thì lợi tức trái phiếu doanh nghiệp hiện đang cao hơn từ 0,8-1,7%/năm.

Nếu so với lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại lớn, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp có thể cao hơn từ 1,8-4%/năm tùy từng kỳ hạn.Thậm chí, Tập đoàn APEC phát hành trái phiếu huy động vốn với con số lên tới 3.000 tỷ đồng và lãi suất nhận sau thời hạn 5 năm lên đến 18%,

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS, số lượng trái phiếu của nhóm này chiếm 50% tổng lượng phát hành, tiếp đến là nhóm ngân hàng với 27%. Về cơ bản trái phiếu bất động sản khá rủi ro đối với người mua. Điều đáng lo ngại đó là nhìn chung những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều hoạt động ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoạt động kinh doanh không thể hiệu quả như kỳ vọng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán cho trái chủ khi đến hạn.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính liên tục có những thông tin khuyến nghị, cảnh báo đối với tất cả đối tượng tham gia thị trường TPDN trong bối cảnh lĩnh vực này tăng trưởng mạnh. Đối với nhà đầu tư cá nhân, khi mua TPDN phải đánh giá tình hình tài chính, tính khả thi của dự án phát hành khi ra quyết định để đầu tư TPDN nhằm giảm thiểu rủi ro khi nguy cơ DN có thể không trả được nợ gốc và lãi vay.

Nhận thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Nhà nước đã có động thái siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu bằng Nghị định số 81/2020/NĐ-CP, qua đó tạo khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Trong đó, có một số điểm mới về điều kiện phát hành trái phiếu và việc công bố thông tin phát hành như dư nợ phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tại quý gần nhất; các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng. Mỗi đợt phải hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin; cập nhật thông tin và kiểm soát chặt chẽ hơn cả thị trường sơ cấp và thứ cấp…

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu DN, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, thành viên thị trường xây dựng Nghị định quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ và Nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Chứng khoán.

Trong đó, có nội dung quy định về chào bán TPDN ra công chúng. Hiện dự thảo 2 nghị định này đang được trình Chính phủ ban hành. Dự kiến, sau khi Chính phủ ban hành sẽ tạo khung khổ pháp lý đồng bộ để phát triển thị trường TPDN trong thời gian tới. Ngoài ra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn hồ sơ xin phát hành TPDN nhanh.

Tại hội thảo, các thành viên thị trường, các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng đã thảo luận, tập trung phân tích, đánh giá tình hình thị trường TPDN và đề xuất, kiến nghị các giải pháp phát triển thị trường TPDN trong thời gian tới.

Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu DN, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, thành viên thị trường xây dựng Nghị định quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ và Nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Chứng khoán. Trong đó, có nội dung quy định về chào bán TPDN ra công chúng. Hiện dự thảo 2 nghị định này đang được trình Chính phủ ban hành. Dự kiến, sau khi Chính phủ ban hành sẽ tạo khung khổ pháp lý đồng bộ để phát triển thị trường TPDN trong thời gian tới