ADB: Thị trường trái phiếu Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Á mới nổi

Theo Trung Hưng/nhandan.vn

Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thị trường trái phiếu của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực Đông Á mới nổi trong quý II/2022, nhờ đà tăng ở cả phân khúc thị trường trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp.

Báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á được ADB công bố ngày 14/9 cho thấy, trong giai đoạn từ ngày 15/6 tới 24/8, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam tăng 8,1% so với quý trước (2,4%), đạt giá trị 99,5 tỷ USD. Đây là mức tăng mạnh nhất trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Đông Á mới nổi.

So với cùng kỳ năm trước, thị trường trái phiếu Việt Nam đã tăng mạnh 31,6% trong quý II năm nay, cũng là mức cao nhất trong khu vực.

ADB: Thị trường trái phiếu Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Á mới nổi - Ảnh 1

ADB đánh giá tốc độ tăng nhanh hơn này là do tăng trưởng ở cả phân khúc thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đều tăng tốc.

Theo đó, trái phiếu chính phủ tăng 7,4% so với quý trước (1,5%), lên tới 69,8 tỷ USD, chủ yếu nhờ gia tăng tín phiếu ngân hàng nhà nước. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp tăng 9,5% so với quý trước (4,6%), đạt giá trị 30 tỷ USD, nhờ lượng phát hành tăng vọt.

ADB: Thị trường trái phiếu Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Á mới nổi - Ảnh 2

Trên toàn khu vực Đông Á mới nổi, thị trường trái phiếu khu vực đã chứng kiến mức phát hành cao kỷ lục trong quý II năm nay, chủ yếu do những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kích thích nền kinh tế.

Theo ấn bản mới nhất của báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á, tổng lượng trái phiếu khu vực đã tăng lên tới 22,9 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6.

Trong đó, lượng phát hành trái phiếu trong các nền kinh tế thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng 10,3%, làm tăng tỷ trọng của khối trong lượng phát hành trái phiếu khu vực lên tới 17,5%.

Báo cáo của ADB cho thấy, ở Đông Á mới nổi, lượng phát hành trái phiếu chính phủ tăng vọt ở mức 25,9% so với quý trước, khi các chính phủ vay nợ để hỗ trợ công cuộc phục hồi kinh tế. Tổng lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành đạt 14,5 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp giảm 4,9% trong bối cảnh triển vọng kinh tế suy yếu và chi phí vay gia tăng, đưa tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đạt mức 8,4 nghìn tỷ USD.

Quy mô thị trường trái phiếu bền vững ở khu vực ASEAN cùng với Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc tăng trưởng khiêm tốn trong bối cảnh nhu cầu đầu tư tổng thể thấp hơn, đạt 503,5 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Sự lạc quan của thị trường đối với việc thắt chặt nhẹ hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hỗ trợ cho sự cải thiện khiêm tốn các điều kiện tài chính. Nhưng điều này dường như chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, do Fed đã cho thấy khá rõ trong những tuần gần đây rằng sẽ có những đợt gia tăng lãi suất mới. Các điều kiện tài chính trong khu vực có thể tiếp tục bị thắt chặt”.

Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm bằng đồng nội tệ giảm trong khi đường cong lãi suất đi ngang. Theo ADB, cả hai yếu tố này đều là những tín hiệu điển hình cho thấy các nhà đầu tư dự đoán tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Các đồng tiền trong khu vực tiếp tục giảm giá so với đồng đô-la Mỹ, trong bối cảnh triển vọng yếu hơn.

Các điều kiện tài chính tại Đông Á mới nổi đã được nới lỏng đôi chút từ giữa tháng 7 tới giữa tháng 8, khi các thị trường chứng khoán tăng điểm, phần bù rủi ro thu hẹp và dòng vốn đầu tư gián tiếp đã quay trở lại với kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ADB, những rủi ro hiện tại và mới xuất hiện tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, bao gồm những quan ngại về lạm phát kéo dài, việc thắt chặt tiền tệ nhanh hơn dự kiến của Mỹ, tác động dai dẳng của đại dịch COVID-19, sự suy thoái nhanh hơn dự kiến của Trung Quốc, và hậu quả kéo dài từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.