Loạt bài: Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Bài 5: Tập trung tháo gỡ đầu ra cho doanh nghiệp
Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, nền kinh tế nước ta lại tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức như: Chiến sự Nga – Uckraine chưa có hồi kết; lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của hầu hết các nước... Những diễn biến mới này đã tiếp tục ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Trước hàng loạt khó khăn bủa vây đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ tiếp tục có nhiều giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tạp chí Tài chính đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Anh Phong – Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) để làm rõ hơn về vấn đề này.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong gần 3 năm qua, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Anh Phong: Kể từ quý III/2021, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành và triển khai hàng loạt các chính sách tài chính như: giảm thuế, giãn thuế; giảm lãi suất, cho vay ưu đãi, giãn nợ... Theo thống kê của Bộ Tài chính, về quy mô, trong 3 năm qua (2020-2022), gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 500 nghìn tỷ đồng - một con số không hề nhỏ trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn và phải chi nhiều cho mục tiêu đầu tư phát triển và an sinh xã hội. Nhìn chung, đây là các chính sách hỗ trợ rất sát với thực tiễn, phù hợp chính sách mà các quốc gia trên thế giới cũng sử dụng. Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, vẫn còn đâu đó hạn chế trong thực thi khi doanh nghiệp khó tiếp cận được chính sách hỗ trợ.
Phóng viên: Năm 2023, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức hơn, song Chính phủ vẫn tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông, các giải pháp này đã “đủ liều” và bao quát được các vấn đề cần hỗ trợ doanh nghiệp chưa?
PGS. TS. Nguyễn Anh Phong: Cho đến tháng 6/2023, với sự tham mưu của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thì nhiều chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ ban hành nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cụ thể, về chính sách tài khóa tiêu biểu như: Nghị định số 12/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 14/4/2023 đến hết ngày 31/12/2023 quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất; Nghị định số 41/2023/NĐ-CP về giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước; Nghị định số 44/2023/NĐ-CP giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15...
Về chính sách tiền tệ, nổi bật như: Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định rõ từ 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ...
Về khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023, nguyên nhân cơ bản nhất bao gồm: (i) Đầu ra khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm bởi chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; (ii) Doanh nghiệp gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn, dẫn tới dòng tiền ách tắc, thanh khoản khó khăn, doanh nghiệp rơi vào trạng thái kiệt quệ tài chính rất dễ dẫn đến phá sản.
Như vậy, nếu đối chiếu từ các nguyên nhân với chính sách đã và đang triển khai thì có thể thấy, vẫn còn đâu đó độ vênh nhất định. Chẳng hạn như việc giãn thuế sẽ chưa có tác dụng nhiều vì doanh nghiệp hiện mất đơn hàng, doanh thu giảm, chi phí tăng và bị lỗ; việc giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ vẫn không đủ tác dụng để doanh nghiệp giải phóng thanh khoản...
Do vậy, theo tôi, bên cạnh các giải pháp đã triển khai thời gian qua, tới đây, các các bộ ngành, cả hệ thống chính trị cần tập trung tháo gỡ đầu ra cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ tìm thị trường mới, dễ tính hơn, tiềm năng hơn; chính sách tín dụng cần tập trung mạnh vào vấn đề lãi suất cho vay thấp, hợp lý và dễ dàng tiếp cận vốn, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phóng viên: Trong 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể... đều có xu hướng tăng. Ngoài các chính sách triển khai trong thời gian qua, theo ông thời gian tới cần có thêm những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn?
PGS. TS. Nguyễn Anh Phong: Như tôi vừa đề cập, khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn nhất chính là đơn hàng và đầu ra cho sản phẩm, các chính sách tín dụng cần mạnh mẽ và triệt để làm sao doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ với chi phí thấp đây là giải pháp căn bản nhất trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, ngoài các chính sách về miễn, giảm, giản thuế, tiền thuê đất..., cần sớm xem xét tái khởi động lại các chính sách khác cấp bách trong bối cảnh hiện tại và đến năm 2024 như: cho vay trả lương phục hồi sản xuất; gói vay nhà ở xã hội; các gói vay ưu đãi hỗ trợ sản xuất kinh doanh… với thủ tục và điều kiện minh bạch và đơn giản.
Phóng viên: Ông dự báo liệu mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được?
PGS. TS. Nguyễn Anh Phong: Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,5%, mức kỳ vọng tăng trưởng này dựa trên kịch bản phục hồi kinh tế tốt như giai đoạn sau dịch và cuối năm 2022. Tuy nhiên, bước sang đầu năm 2023, tình hình có nhiều thay đổi theo chiều hướng không tốt, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu giảm, vốn đầu tư công giải ngân chậm, vốn đầu tư tư nhân trong nước và khu vực FDI chững lại...
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 từ mức 5,8% xuống còn 4,7%. Chính vì các tín hiệu không tốt, nên dù Chính phủ, các bộ, ngành có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, song tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 khó đạt được như mức đặt ra là 6,5%.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!