Cần chính sách đột phá giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn
Đề nghị trên được ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đưa ra khi trao đổi tại buổi tọa đàm “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều 26/7.
Thời gian qua, kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân đã phát triển mạnh trên nhiều phương diện và đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và vùng miền.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng đã có nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình cá thể thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn về điều kiện vay vốn về tài sản thế chấp, về báo cáo tài chính.
Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách tín dụng đối với khu vực tư nhân bởi đây là nhóm khách hàng quan trọng.
Nhưng nguyên nhân khối doanh nghiệp này chưa tiếp cận được nhiều với nguồn vốn tín dụng là do năng lực về quản trị của doanh nghiệp còn hạn chế, báo cáo tài chính chưa minh bạch.
“Trong thời gian qua, các ngân hàng và chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chương trình, hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Các hội nghị có sự tham gia của chính quyền địa phương trực tiếp tìm hiểu và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.
Đây là một kênh tốt để giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, nhưng ngoài nỗ lực của ngân hàng thì doanh nghiệp cũng phải nỗ lực, có thông tin minh bạch thì ngân hàng mới cho vay được” – ông Tần nêu rõ.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Tô Hoài Nam, khác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc thù, có điều kiện hơn về quản trị cũng như nguồn vốn, do đó, trong mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, để cùng đi đến một đích chung thì bên có điều kiện hơn nên chịu thiệt thòi lúc ban đầu hơn.
Các ngân hàng cần nghiên cứu để đưa ra những chính sách đặc thù, đột phá giúp doanh nghiệp như thiết kế lại chuẩn cho doanh nghiệp vay, cho vay theo tín nhiệm doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Nam cũng cho rằng, một trong những điều mà doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay cần là mở lối ra để vay tín chấp, cho họ tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn vay trung và dài hạn.
“Những sáng tạo đều nằm ở đây, những kế hoạch và sáng tạo muốn đưa được ra thị trường cần có sự đầu tư, đầu tư về công nghệ thì không thể lỗi thời được, do đó, ngoài lãi suất thì doanh nghiệp cần được nâng tỷ lệ vốn vay trung dài hạn. Hiện doanh nghiệp chưa làm gì đã phải lo trả nợ” – ông Tô Hoài Nam đề xuất.