Cần khung thuế Bảo vệ môi trường mới cho túi nhựa

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Thuế bảo vệ môi trường áp cho túi nhựa (túi ni-lông) hiện là 40.000 đồng/kg, quá thấp nên chưa hạn chế được việc sản xuất, sử dụng. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường cao hoặc thậm chí cấm sản xuất, bán, sử dụng sản phẩm này.

Túi nhựa từ các cơ sở sản xuất không bị đánh thuế được bày bán tràn lan tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Vũ Lê
Túi nhựa từ các cơ sở sản xuất không bị đánh thuế được bày bán tràn lan tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Vũ Lê

Khung thuế đang quá thấp!

Theo TS. Vương Thị Hiền - Học viện Tài chính, biểu khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đang áp dụng với túi nhựa là rất thấp (khung thuế 30.000 – 50.000 đồng/kg, mức hiện hành là 40.000đ/kg) nên thuế BVMT chưa tác động nhiều đến việc hạn chế sản xuất, sử dụng túi nilon. Ở Anh và Iceland, mức thuế với túi nhựa là 15 cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; tại Hồng Kông (Trung Quốc), mức thuế là 0,05 USD/túi, tương đương 1.050 đồng/túi; hay Estonia đang dự kiến thu thuế tương đương khoảng 3.000 đồng/túi…

Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nhựa mỏng. Trung Quốc đã cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nhựa có độ dày dưới 0,025mm.

Đánh giá về mức thuế BVMT, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Viện chiến lược và Chính sách Tài chính cho hay: Trong những năm gần đây cụm từ “ô nhiễm trắng” được nhắc đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Đây là thuật ngữ được các nhà khoa học dùng để nói về việc ô nhiễm môi trường do lạm dụng túi nhựa. Nhận thức được tác hại của túi nhựa, các quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế việc sử dụng túi nhựa, như cấm sản xuất hoặc cấm nhập khẩu; tính thuế/phí cao để khuyến khích người dân sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

“Ở Việt Nam, túi nhựa đã trở thành sản phẩm tiện lợi, tất yếu trong đời sống sinh hoạt của người dân. Số liệu thống kê tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy lượng túi nhựa và nhựa thải ra môi trường mỗi ngày khoảng 80 tấn, ước tính mỗi người Việt Nam sử dụng khoảng 30 kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa mỗi năm”.

“Do vậy, cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp, việc sản xuất và tiêu thụ túi nhựa đang là vấn đề đáng lo ngại. So sánh với các quốc gia áp dụng chính sách thuế BVMT đối với túi nhựa thì thuế BVMT đối với sản phẩm này còn khá thấp”, bà Huyền nói.

Từ những phân tích trên có thể khẳng định, để góp phần thực hiện mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi nhựa khó phân hủy, phù hợp với thông lệ quốc tế, việc điều chỉnh khung thuế BVMT đối với túi nhựa từ 30.000-50.000 đồng/kg lên 40.000-200.000 đồng/kg là cần thiết, và hoàn toàn hợp lý.

Tăng thuế để bảo vệ môi trường

Cần khung thuế Bảo vệ môi trường mới cho túi nhựa - Ảnh 1

"Cần áp thuế cao với túi nhựa không thân thiện môi trường", phát biểu của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh tại cuộc hội thảo “Hoàn thiện chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường”, tổ chức ngày 14/7 tạiTP. Hồ Chí Minh, do Trường đại học Tài chính Marketing,Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phối hợp với Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) phối hợp tổ chức.Ảnh Đỗ Doãn

Nhìn nhận về tác động đến môi trường của túi nhựa, TS. Vương Thị Hiền cho biết: Do túi nhựa có đặc điểm là phải trải qua thời gian lâu để có thể phân hủy (có thể lên tới hàng trăm năm) hoặc không thể tự phân hủy được, đó là nguyên nhân gây suy thoái môi trường, nhất là túi nhựa mỏng. Để thay đổi hành vi của người sử dụng, nhà sản xuất, cần đánh thuế cao đối với túi nhựa không thân thiện với môi trường.

Bà Đỗ Hoàng Oanh, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện trong hệ thống một số siêu thị lớn đã sử dụng nhiều loại túi nhựa thân thiện với môi trường. Vấn đề lớn nhất hiện nay là tại các chợ truyền thống, việc sử dụng túi nhựa siêu mỏng khó phân hủy, gây hại cho môi trường vẫn còn phổ biến. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên các cơ quan hữu quan chưa kiểm soát hữu hiệu việc thực hiện nộp thuế đối với các cơ sở nhỏ, siêu nhỏ sản xuất loại túi nhựa này.

“Các cơ sở vẫn sản xuất mà không phải đóng Thuế BVMT theo quy định. Người dân vẫn tiếp tục sử dụng loại túi này do giá thành rẻ. Như vậy, song song với việc tăng cường thu thuế theo quy định, cần phải nâng cao nhận thức người tiêu dùng, để cùng chung tay hạn chế ô nhiễm môi trường do túi nhựa khó phân hủy gây ra”, bà Oanh kiến nghị.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đề nghị, cần có biện pháp để kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng túi nhựa từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, thông qua các biện pháp hành chính và các biện pháp kinh tế. Việc xem xét điều chỉnh mức Thuế BVMT đối với túi nhựa theo hướng tăng mạnh, nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng, đồng thời huy động nguồn thu vào ngân sách nhà nước, để chi cho các hoạt động bảo vệ và xử lý các sự cố môi trường.

“Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tổ chức thu gom và tái chế rác từ túi nhựa, hoặc sản xuất sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường thay thế. Từ đó khuyến kích người dân chuyển thói quen sử dụng túi nhựa sang các loại túi thân thiện với môi trường”, bà Huyền nói