Chính sách dành riêng cho lao động nữ
Pháp luật nước ta có các cơ chế chính sách dành riêng cho lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới khi tham gia vào thị trường lao động, trong đó, có chính sách dành cho lao động nữ.
Theo khoản 2, Điều 7 Nghị định số 85/2015/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ), lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 3 ngày trong một tháng. Trong thời gian nghỉ này, lao động nữ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Thời gian nghỉ cụ thể trong thời gian hành kinh của lao động nữ sẽ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, để phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và phù hợp với nhu cầu của lao động nữ, đảm bảo công việc đạt được hiệu quả tốt nhất.
Nghị định số 28/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) vừa có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, cũng quy định: Khi không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh, người sử dụng lao động phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động nữ. Tiền lương làm thêm giờ tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm, được xác định như sau: ít nhất bằng 150% vào ngày thường; ít nhất bằng 200% vào ngày nghỉ hàng tuần; ít nhất bằng 300% vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
Cần lưu ý rằng, trong trường hợp lao động nữ làm thêm giờ vào ban đêm, ngoài tiền lương làm thêm giờ nói trên, còn được hưởng thêm ít nhất bằng 30% tiền lương của ngày làm việc bình thường và hưởng thêm 20% tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường, hoặc của ngày nghỉ hàng tuần, hoặc của ngày lễ, tết. Nếu người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hàng tuần, thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết; nếu người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hàng tuần, thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hàng tuần.
Ngoài ra, việc không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh bị coi là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động và theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (đối với người sử dụng lao động là cá nhân), hoặc từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng (đối với người sử dụng lao động là tổ chức).