Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cam kết luôn đồng hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Thanh Sơn

Ngày 26/6, tại Hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp diễn ra ngày 26/6, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Tuấn khẳng định, sẽ tiếp tục đồng hành, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.

Lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: TS
Lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: TS

Là trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đóng vai trò then chốt trong hoạt động xuất nhập khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong các năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp tới 23% GDP, khoảng 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước.

Từ đầu năm tới nay, Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thông quan hàng hóa với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 46,84 tỷ USD (chiếm 15,33% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước), tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế số thu ngân sách từ đầu năm đến nay đạt 56.900 tỷ đồng, bằng 43,5% chỉ tiêu pháp lệnh được giao (130.800 tỷ đồng).

Hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp lần này của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm và tham dự của Tổng lãnh sự một số nước tại TP. Hồ Chí Minh, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Hà Lan; đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong nước và trên 200 doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch, số nộp ngân sách nhà nước lớn.

Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Lân
Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Lân

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Tuấn gửi lời cảm ơn chân thành đến hơn 200 doanh nghiệp và cho rằng, dù chỉ đại diện cho 0,3% trong số hơn 60.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhưng đã đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất nhập khẩu và nền kinh tế chung. Trong năm 2023, hơn 200 doanh nghiệp này đã đóng góp hơn 37.000 nghìn tỷ đồng tiền thuế, chiếm 31% tổng số thu ngân sách của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.

Theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Tuấn, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh luôn ý thức “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp” có ý nghĩa sống còn và hết sức quan trọng để quyết định cho sự tăng trưởng bền vững và cạnh tranh hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, trong thời gian qua, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các lãnh sự nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp đều đánh giá cao những nỗ lực của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Bà Annie Dube - Tổng lãnh sự Canada tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá, việc thực thi Hiệp định CPTPP đã thúc đẩy đáng kể thương mại song phương giữa hai nước từ 6,5 tỷ đô la Canada năm 2018 lên 14,0 tỷ đô la Canada năm 2023. Và cột mốc này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ, phối hợp của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Chia sẻ quan điểm này, ông Tôn Thất Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Transimex cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng cạnh tranh, sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là ngành Hải quan đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Đại diện cho doanh nghiệp châu Âu, ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Erocharm) cho biết, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã có các cách tiếp cận chủ động và hiệu quả trong quá trình hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp. Những nỗ lực của Cục trong việc tổ chức các sự kiện kết nối với doanh nghiệp là vô cùng quý giá. Bằng cách đơn giản hóa và hài hòa các thủ tục hải quan, không chỉ giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trên quy mô toàn cầu.

Tại Hội nghị, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đã dành phần lớn thời gian giới thiệu những chính sách mới cho doanh nghiệp, đưa ra nhiều lưu ý về thủ tục khai báo; các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan hay xảy ra; cưỡng chế nợ thuế và biện pháp tạm hoãn xuất cảnh; hướng dẫn doanh nghiệp tra cứu nợ thuế trên hệ thống thông tin của Tổng cục Hải quan… để doanh nghiệp lưu ý, chủ động theo dõi nợ thuế, tránh sai phạm, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

 

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 3/2024 có hơn 4.800 doanh nghiệp nợ thuế quá hạn với tổng số tiền trên 1.800 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 400 doanh nghiệp có số tiền nợ trên 1 tỷ đồng, có hơn 1.800 doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc ngưng hoạt động đang nợ 1.300 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan hải quan có 7 biện pháp cưỡng chế thuế thường áp dụng như: Trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản, khấu trừ một phần tiền lương, thu nhập, dừng làm thủ tục hải quan, dừng sử dụng hoá đơn, kê biên bán đấu giá tài sản, thu tiền từ tài sản, thu hồi giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ khác...