Đẩy nhanh nghiên cứu và triển khai các giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai
Là một trong những quốc gia thường xuyên hứng chịu rủi ro thiên tai, Việt Nam cần đẩy nhanh nghiên cứu và triển khai các giải pháp tài chính và bảo hiểm nhằm ứng phó với rủi ro thiên tai.
Là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới, trong giai đoạn 2005-2014, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã xảy ra 1.625 thảm họa thiên nhiên, chiếm hơn 40% tổng số thảm họa trên toàn cầu. Trong 10 năm, có gần 500 nghìn người thiệt mạng, 1,4 tỷ người bị ảnh ưởng bởi các thảm họa thiên nhiên, chiếm 80% những người bị ảnh hưởng trên toàn cầu.
Thiệt hại về vật chất trong giai đoạn này lên đến 520 tỷ USD, tương đương 45% tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiên tai gây ra. Để ứng phó với thiên tai, Chính phủ các nước phải bỏ ra một khoản ngân sách không nhỏ, tuy nhiên, khoản ngân sách này được đánh giá mới chỉ bù đắp được trung bình khoảng 30% các thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra.
Riêng tại Việt Nam, bình quân hàng năm có khoảng 750 người chết do thiên tai, thiệt hại về kinh tế khoảng gần 1% GDP/năm. Mỗi năm, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất lên đến 30.200 tỷ đồng do lũ, bão và động đất. Tài sản của dân cư và tài sản của khu vực công lần lượt chiếm 65% và 11% tổng thiệt hại.
Trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua cũng đã rất chú trọng xây dựng, triển khai hệ thống các chiến lược, quy hoạch và chính sách phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Trong đó, về chính sách tài chính, hiện nay, Việt Nam có 4 nhóm chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, bao gồm: Nhóm chính sách liên quan đến thu ngân sách nhà nước; Nhóm chính sách liên quan đến chi ngân sách nhà nước; Nhóm chính sách liên quan đến bảo hiểm rủi ro thiên tai; Nhóm các chính sách chi từ các quỹ ngoài ngân sách nhà nước (Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ bảo trì đường bộ).
Phát biểu tại Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai” do Bộ Tài chính tổ chức hôm 21/02/2017 tại TP. Nha Trang bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017, ông Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng đến nay, việc xây dựng và thực thi các giải pháp tài chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo đó, Việt Nam hiện chưa có một chiến lược/mô hình quản trị rủi ro thiên tai nên các chính sách tài khóa nhằm ứng phó với rủi ro thiên tai được ban hành nhiều nhưng chưa mang tính hệ thống, logic, bổ trợ cho nhau để nâng cao hiệu quả phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Một số chính sách được ban hành nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Ngoài ra, dù chính sách hiện hành vẫn đảm bảo thực hiện cho các nhiệm vụ chi cho khắc phục thiên tai, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần tổng thiệt hại hàng năm. Ngân sách dành cho đầu tư phát triển sau thiên tai, thảm họa (công tác tái thiết) vẫn còn thiếu. Ngân sách dành cho công tác cứu trợ sau thiên tai chỉ đầy đủ một cách tương đối vì trên thực tế mỗi khi thiên tai xảy ra hầu hết các ngân sách các địa phương đều không đảm bảo, phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương...
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro (DFRI) là vô cùng cần thiết nhằm chuyển giao rủi ro, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, theo ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia tài chính trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các nước cần có chiến lược tài chính cụ thể ứng phó với rủi ro thiên tai bao gồm ngân sách và ngoài ngân sách. Các chính sách bảo hiểm là công cụ quan trọng của Chính phủ trong ứng phó rủi ro. Hiện nay, Việt Nam đang có những bước đi đầu tiên, vấn đề cần nâng cao nhật thức của các cơ quan chức năng và người dân về tầm quan trọng của vấn đề này.
Trong khi đó, ông Yasuhisa Nakao, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính Nhật Bản cho rằng, thực tế hiện tại nhiều nước đang phát triển vẫn đang tập trung quá nhiều vào ứng phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu. Dẫn chứng câu chuyện từ quốc gia mình, ông Yasuhisa Nakao cho rằng, để hạn chế tối đa thiệt hại đến nền kinh tế, Nhật Bản xác định giải quyết vấn đề rủi ro không chỉ là tái thiết, ứng phó với hậu quả của thiên tại mà còn phải đầu tư vào phòng ngừa và ngăn chặn trước.
Có thể nói, các đại biểu tại Hội thảo đều có sự thống nhất chung rằng, trong số các giải pháp tài chính ứng phó với thiên tai, bảo hiểm là một công cụ, giải pháp hữu hiệu, không chỉ giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách nhà nước, chuyển giao rủi ro ra thị trường quốc tế mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch và phòng, chống thiên tai. Để thực hiện việc này, các nền kinh tế cần tăng cường cơ sở hạ tầng và giám sát thị trường bảo hiểm thông qua xây dựng một mô hình rủi ro thiên tai đánh giá được khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của tổn thất từ thiên tai, chuẩn hóa biểu mẫu cơ sở dữ liệu đơn bảo hiểm và tổn thất phát sinh.
Bên cạnh đó, để xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, cùng với việc hoàn thiện hệ thống thể chế cần phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện. Do đó, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý tài sản công và xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu về tài sản công và bảo hiểm rủi ro thiên tai...