Điều kiện giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng

PV.

(Tài chính) Theo Thông tư số 85/2014/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành quy định rõ, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) để thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng bao gồm: Vốn trong nước của các cấp NSNN; Vốn vay nợ nước ngoài của Chính phủ và vốn viện trợ của nước ngoài cho Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước (phần NSNN).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Cũng theo Thông tư trên, điều kiện dự án được giao kế hoạch vốn bao gồm: 

Thứ nhất, đối với vốn đầu tư từ ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư cho các dự án bảo vệ và phát triển rừng, phải đảm bảo đủ các thủ tục đầu tư dự án theo quy định; các dự án khởi công mới, dự án điểu chỉnh tổng mức đầu tư thuộc địa phương quản lý có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên phải được Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn, đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là các địa phương) thực hiện thẩm định nguồn vốn theo đúng quy định hiện hành;

Thứ hai, đối với vốn đầu tư từ ngân sách địa phương để thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thực hiện theo chính sách chung đảm bảo theo quy định hiện hành, các địa phương thực hiện thẩm định nguồn vốn trước khi phê duyệt dự án theo đúng quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, tổng mức vốn tạm ứng của các hợp đồng thực hiện trong năm tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án; Trường dự án được bố trí kế hoạch vốn mà mức vốn tạm ứng không đủ theo hợp đồng, sau khi đã thanh toán khối hoàn thành và thu hồi toàn bộ hoặc một phần số vốn đã tạm ứng lần trước, theo đề nghị của chủ đầu tư, Kho bạc Nhà nước tạm ứng tiếp cho dự án (tổng số vốn đã tạm ứng không vượt quy định của hợp đồng), tổng số dư vốn tạm ứng chưa thu hồi tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án.

Đối với trường hợp việc tạm ứng cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thì mức vốn tạm ứng theo tiến độ thực hiện trong kế hoạch giải phóng mặt bằng nhưng không vượt kế hoạch vốn hàng năm đã bố trí cho gói thầu, dự án. 

Việc tạm ứng vốn được thực hiện sau khi hợp đồng các công việc của dự án bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực; trên cơ sở đề nghị tạm ứng của chủ đầu tư, căn cứ vào kế hoạch vốn được giao trong năm kế hoạch, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, chuyển vốn tạm ứng theo đề nghị của chủ đầu tư, theo hợp đồng kinh tế ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu không được vượt quá 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án.

Ngoài ra, vốn tạm ứng được thanh toán qua từng lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng, bắt đầu thanh toán từ lần thanh toán đầu tiên và thu hồi hết khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng. Mức thanh toán từng lần do Chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu và quy định cụ thể trong hợp đồng.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày  15/8/2014 và thay thế Thông tư số 172/2011/TT-BTC ngày 1/12/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình lâm sinh thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Chủ đầu tư có trách nhiệm cùng với các tổ chức, nhà thầu, cá nhân, cộng đồng dân cư và hộ gia đình có tham gia thực hiện dự án đầu tư phát triển rừng tính toán mức tạm ứng hợp lý để đề nghị ứng vốn, nhưng không vượt quá mức quy định tại điểm b, khoản 3 của Điều này; đồng thời quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả và có trách nhiệm đảm bảo hoàn trả đủ khối lượng số vốn đã tạm ứng và thu hồi toàn bộ vốn ứng khi khối lượng hoàn thành đạt đến 80% giá trị hợp đồng.