Đón sóng cổ phiếu bất động sản cuối năm
Ngành bất động sản chưa hết khó khăn, song các chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nhóm cổ phiếu bất động sản từ nay đến cuối năm nhờ yếu tố thời điểm, cũng như việc hạch toán doanh thu, lợi nhuận thường tăng mạnh vào quý cuối năm.
Theo giới chuyên gia chứng khoán, bất chấp diễn biến ảm đạm của thị trường chứng khoán kéo dài từ năm 2018 tới nay, giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản có vốn hoá lớn, đặc biệt là bộ ba cổ phiếu “họ Vin” bao gồm : VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), VRE (Vincom Retail).
Trên thực tế, trong số các doanh nghiệp niêm yết và giao dịch tập trung trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm doanh nghiệp bất động sản không chỉ dẫn đầu về số lượng cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, mà còn là nhóm cổ phiếu có độ phủ rộng khắp ở cả 3 sàn giao dịch là HoSE, HNX và UPCoM.
Nhóm ngành cơ bản
Không chỉ về độ phủ mà nhóm cổ phiếu bất động sản còn được đánh giá là nhóm ngành cơ bản, quan trọng gắn liền với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm nóng của bất động sản khu vực với triển vọng vĩ mô tích cực và sự đầu tư không ngừng vào cơ sở hạ tầng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2018 là năm tốt về lợi nhuận của tất cả các công ty bất động sản. Năm 2019, mức tăng tưởng lợi nhuận đa phần thấp hơn, tuy nhiên, trong nửa đầu năm vừa qua vẫn có khá nhiều doanh nghiệp gây ấn tượng về cả doanh thu và lợi nhuận.
Cái tên vượt trội nhất phải kể đến CTCP Vinhomes (mã: VHM) với doanh thu đạt gần 26.800 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng 72% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế tăng 34,5% đạt 13.415 tỷ đồng.
Cổ phiếu VHM đang giao dịch tại vùng giá 90.200 đồng/cp, tăng gần 23% so với mức giá 73.400 đồng/cp. VHM cùng với VIC và VRE luôn là nhóm cổ phiếu có sức ảnh hưởng tới mức tăng giảm của Vn-Index.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán hàng của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL) đạt gần 8.045 tỷ đồng, tăng 88%; lợi nhuận sau thuế đạt 792 tỷ đồng so với cùng kỳ. Số lượng sản phẩm bàn giao đạt 2.936 sản phẩm, tăng 185% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 50% so với kế hoạch năm 2019.
Trên thị trường chứng khoán, sau hai quý đầu năm giao dịch tiêu cực về vùng giá dưới 60.000 đồng/cp, NVL đã hồi phục trở lại và đang giao dịch tại mức giá 60.100 đồng/cp. Đây cũng là một cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn của thị trường.
Tương tự, theo BCTC của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG), CTCP Tập đoàn C.E.O (mã: CEO), Cenland (mã CRE),… cũng ghi nhận những tăng trưởng khả quan trong 2 quý đầu năm.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới các doanh nghiệp thuộc nhóm khu công nghiệp như: Nam Tân Uyên (mã: NTC), nhóm Sonadezi, CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã: D2D)… với con số lợi nhuận khả quan, thậm chí hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm chỉ sau 6 tháng.
Trong tuần từ 29/7- 2/8, các mã khu công nghiệp cũng “nổi sóng” trên thị trường chứng khoán như cổ phiếu SIP của Đầu tư Sài Gòn VRG tăng 45% từ 88.971 đồng/ cp lên 129.167 đồng/ cp. Tương tự, cổ phiếu SZL của Sonadezi Long Thành (HoSE) cũng tăng hơn 20% chỉ sau 1 tuần giao dịch…
Cơ hội trong khó khăn
Bên cạnh những sắc màu tươi sáng thì vẫn có những gam màu xám trong bức tranh kinh doanh nửa đầu năm 2019 như CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (mã: DPR) chỉ hoàn thành 22% và 31% chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm 2019 hay ghi nhận mức lợi nhuận giảm 79% so với nửa đầu năm 2018 của CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC).
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn như lượng cung đang lớn hơn cầu, đặc biệt ở căn hộ trung và cao cấp, quá trình bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản sẽ không dễ dàng; chính sách siết tín dụng của NHNN, quy định pháp lý…
Tuy nhiên, các chuyên gia lại tin tưởng rằng trong khó khăn, các nhà đầu tư vẫn có thể tìm thấy cơ hội tại cổ phiếu nhóm ngành này.
Theo ông Lại Đức Dương, Trưởng Bộ phận Phân tích ngành Bất động sản của CTCK Rồng Việt, cơ hội đầu tư ngắn hạn tập trung vào những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt năm 2019. Còn lâu dài hơn là các doanh nghiệp có quỹ đất lớn sẽ được khai thác trong thời gian tới.
Nói về triển vọng của những mã cổ phiếu bất động sản sẽ có cơ hội tăng điểm trong những tháng cuối năm, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cao cấp CTCK KIS Việt Nam, cho biết: trong ngành bất động sản chia ra bất động sản dân dụng và bất động sản công nghiệp.
Bất động sản công nghiệp đã quá rõ ràng về tiềm năng do đang hưởng lợi của quá trình dịch chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam. Còn về bất động sản dân dụng, nhà đầu tư nên quan tâm đến doanh nghiệp nào có sự dịch chuyển uyển chuyển sang các phân khúc đang phát triển, có sự tăng trưởng đều đặn.
Hơn nữa, theo chu kỳ kế toán, quý cuối năm cũng là thời điểm ghi nhận gần như toàn bộ kết quả kinh doanh của cả năm, nên có thể có doanh thu, lợi nhuận đột biến.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng vẫn lưu ý về một vài doanh nghiệp chỉ đưa những dự án nào có tính pháp lý đầy đủ lên báo cáo tài chính, những dự án nào còn vướng thì sẽ không cập nhật. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư chỉ nhìn được một phần của bức tranh chứ chưa nhìn thấy tổng thể.
Do đó, nhà đầu tư cần chọn thời điểm để mua vào, việc chọn được điểm mua hợp lý quyết định 50% thành công của nhà đầu tư.