Gấp rút triển khai xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2022 - 2023
Thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) đang gấp rút triển khai xuất cấp (không thu tiền) hơn 37.555 tấn gạo dự trữ quốc gia (DTQG) để hỗ trợ cho 527.468 học sinh của 42 tỉnh, thành phố học kỳ I năm học 2022 - 2023.
Ngày 9/9/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đã ký Quyết định số 1845/QĐ-BTC về việc xuất gạo DTQG hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2022-2023.
Theo đó, Bộ Tài chính giao Tổng cục DTNN xuất cấp (không thu tiền) hơn 37.555 tấn gạo DTQG giao cho 42 tỉnh để hỗ trợ cho 527.468 học sinh học kỳ I năm học 2022-2023.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 14/9/2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN La Văn Thịnh đã ký Quyết định số 571/QĐ-TCDT giao nhiệm vụ cho 20 Cục DTNN khu vực thực hiện xuất hơn 37.555 tấn gạo để hỗ trợ 527.468 học sinh của 42 tỉnh, thành phố. Thời hạn hoàn thành giao nhận gạo đến ngày 31/12/2022.
Theo Quyết định số 571/QĐ-TCDT của Tổng cục DTNN, các em học sinh ở tỉnh Sơn La sẽ được nhận hỗ trợ gạo DTQG nhiều nhất với trên 4.344 tấn gạo, tiếp đến là các tỉnh: Điện Biên với trên 4.039 tấn; Hà Giang trên 4.249 tấn; Lào Cai trên 2.542 tấn; Cao Bằng trên 2.587 tấn; Lạng Sơn trên 2.365 tấn; Lai Châu trên 1.855 tấn; Nghệ An trên 1.439 tấn…
Để triển khai việc xuất cấp gạo DTQG đến tận tay các em học sinh, Tổng cục DTNN giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực có văn bản đề nghị với UBND các tỉnh, thành phố sớm có kế hoạch phân bổ, tiếp nhận gạo để kịp thời giao gạo cho các em học sinh thuộc các đối tượng được thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh.
Đồng thời, các Cục DTNN phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của địa phương thực hiện việc giao, nhận gạo DTQG hỗ trợ học sinh đảm bảo đúng đối tượng; số lượng gạo đề nghị tiếp nhận phù hợp với nhu cầu thực tế để hạn chế tình trạng đã tiếp nhận nhưng không phân bổ, sử dụng hết.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ gạo cho học sinh học kỳ I, trường hợp số lượng gạo địa phương phân bổ, tiếp nhận thấp hơn so với quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN thì cấp theo số gạo tiếp nhận thực tế của địa phương.
Trường hợp số lượng gạo địa phương phân bổ, tiếp nhận cao hơn so với quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã quyết định, các địa phương có văn bản báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN để quyết định xuất cấp bổ sung, bảo đảm phù hợp với thời gian học kỳ I của năm học 2022-2023.
Bên cạnh các nội dung trên, Tổng cục DTNN yêu cầu các Cục DTNN khu vực tổ chức giao, nhận gạo hỗ trợ học sinh theo đúng quy định tại Thông tư số 51/2020/TT-BTC ngày 2/6/2020 của Bộ Tài chính quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng DTQG xuất để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ.
Cục trưởng Cục DTNN khu vực có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc vận chuyển số gạo đã được giao xuất cấp nêu trên cho địa phương kịp thời, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và thời gian quy định.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành DTNN luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai xuất cấp, bàn giao gạo kịp thời đến tận tay các em học sinh trong năm học mới.
Việc xuất cấp gạo DTQG hỗ trợ cho các địa phương luôn được ngành DTNN xác định và tuân thủ theo nguyên tắc kịp thời, đủ số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, thời gian, kế hoạch tiếp nhận của UBND các tỉnh. Gạo DTQG khi xuất cấp cho học sinh đều bảo đảm chất lượng theo quy định. Trước và trong quá trình xuất cấp, gạo đều được kiểm tra kỹ lưỡng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Ở mỗi điểm giao nhận gạo, các bên đều trực tiếp lấy mẫu gạo để đánh giá chất lượng kiểm tra thực tế các bao gạo giao - nhận, trên cơ sở đó các đơn vị trong ngành DTNN tiến hành lập biên bản giao - nhận với địa phương theo quy định...
Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh từ nguồn DTQG theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ trong thời gian qua đã được các địa phương ghi nhận, đánh giá là chính sách mang lại hiệu quả thiết thực đối với các em học sinh vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ý nghĩa hơn, chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường, các em học sinh và các thầy cô giáo yên tâm giảng dạy, học tập đặc biệt là trong thời điểm đầu năm học mới.