Giải pháp thích ứng, ứng phó biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân cư
Việt Nam được xác định là một trong số những quốc gia trên thế giới chịu ảnhhưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Chủ động ứng phó với BĐKH cho cộng đồng dân cư là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước
BĐKH là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại, sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn cầu. BĐKH đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại.
Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song trước những nguy cơ, thách thức của BĐKH, Việt Nam đã sớm triển khai các nhiệm vụ ứng phó. Việt Nam đã ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (UNFCCC) năm 1992; ký Nghị định thư Kyoto năm 1998… Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan của ngành Giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030…
Trong thời gian qua với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam đã được triển khai đồng bộ và khẩn trương, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và thiết lập nhiều mối quan hệ, hợp tác, tài trợ thiết thực và hiệu quả.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, có tính liên ngành rộng và phức tạp nên việc ban hành pháp luật và triển khai các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH đã và đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các tài liệu nhằm đáp ứng một phần hỗ trợ các địa phương trong việc đưa ra các giải pháp thích ứng và ứng phó với BĐKH cho cộng đồng dân cư. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, về cơ bản các hoạt động chính để thích ứng và ứng phó với BĐKH cho cộng đồng dân cư có thể bao gồm:
Một là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về BĐKH, dựa theo Thoả thuận Paris về khí hậu và triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; rà soát, xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về BĐKH và tăng trưởng xanh để tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức, tạo cơ sở pháp lý đề xuất, triển khai hiệu quả hoạt động ứng phó với BĐKH thời gian tới.
Hai là, chủ động, tích cực tham gia các chương trình hợp tác quốc tế thành chương trình hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH; khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tài chính, chuyển giao công nghệ để thực hiện các công trình, dự án ứng phó với BĐKH.
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại để cập nhật và hoàn thiện kịch bản BĐKH; sản xuất nhiên liệu mới, vật liệu mới nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH; thực hiện quy hoạch đô thị, khu dân cư theo hướng thân thiện môi trường, hạn chế ngập lún, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiến tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bốn là, nhân rộng các mô hình, dự án thí điểm đã có hiệu quả thiết thực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, đặc biệt là các dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Năm là, rà soát, triển khai các dự án chống ngập, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhất là các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL.
Sáu là, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn lực phục vụ công tác ứng phó với BĐKH, đặc biệt ưu tiên các dự án cấp bách đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao; có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho ứng phó với BĐKH tại địa phương.
Bảy là, chú trọng nghiên cứu và phát triển các giống mới, kỹ thuật mới trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thích ứng với BĐKH và nước biển dâng.
Tám là, trong quá trình thực hiện các giải pháp trên, các địa phương cần xem xét hiệu quả trước mắt và lâu dài, phù hợp kế hoạch trung và dài hạn, tránh chồng chéo, lãng phí, bảo đảm phát triển bền vững.