Giảm chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách
“Cắt giảm chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”. Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Văn bản số 177/TTg-QHĐP ngày 6/2/2018 trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội về giải pháp giảm chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước trong năm 2018.
Thủ tướng cho biết, triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công nhằm bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó đã đề ra nhiều giải pháp, tiến độ thực hiện từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư hợp lý, giảm tỷ trọng chi thường xuyên.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang quyết liệt triển khai hai Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm thực hiện hiệu quả việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm chi thường xuyên trong năm 2018 và các năm tiếp theo, gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực dịch vụ hành chính sự nghiệp công lập.
Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ cũng đã đề ra các giải pháp triển khai kế hoạch cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, sắp xếp các khoản chi, giảm các khoản chi thường xuyên để tăng dần cơ cấu chi đầu tư phát triển.
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018, Chính phủ đề ra mục tiêu: “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; Đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi ngân sách nhà nước; Bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh theo dự toán Quốc hội giao”.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương 6 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành chính quyền các cấp; Duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính; Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục.
Đồng thời, bảo đảm mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2021; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế; Rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế.