TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam:
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP hỗ trợ và bảo vệ quyền lựa chọn của trái chủ
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP hỗ trợ nhà đầu tư trái phiếu lấy lại vốn của mình bằng cách trao cơ hội pháp lý cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sửa sai, khơi thông dòng tiền, khôi phục thị trường trường thông qua sự chấp thuận của họ.
Phóng viên: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tác động như thế nào đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thưa ông?
TS. Lê Duy Bình: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP là một trong những giải pháp cấp thiết từ Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đến hạn phải trả trong năm 2023 và 2024.
Tác động rõ nhất của Nghị định này là mở đường pháp lý cho doanh nghiệp tái cơ cấu nợ trái phiếu trong sự đồng thuận của trái chủ, tránh được sự sụp đổ của một số doanh nghiệp, gây hiệu ứng tiêu cực đến hệ thống kinh tế. Qua đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung đang suy yếu sẽ có cơ hội khỏe lại, phục hồi niềm tin từ nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế, tạo điểm tựa cho thị trường trái phiếu vượt qua khủng hoảng, chứ không thể thúc đẩy thị trường trái phiếu tăng trưởng nhanh ngay trong giai đoạn này.
Phóng viên: Còn về thị trường bất động sản và chứng khoán, sẽ có những tác động gì?
TS. Lê Duy Bình: Chắc chắn Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ có những tác động tích cực lên thị trường bất động sản, bởi vì đa phần các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang gặp khó về vốn và thanh khoản nằm trong lĩnh vực bất động sản.
Nghị định tạo động lực cho doanh nghiệp bất động sản bình tĩnh trở lại, mặt khác cũng giúp các nhà đầu tư yên tâm chờ đợi doanh nghiệp để họ tiếp tục phát triển sản phẩm bất động sản. Đây là cơ hội cho hoạt động thị trường phát triển. Còn về chứng khoán, dĩ nhiên, doanh nghiệp phục hồi, phát triển thì sẽ kéo giá trị cổ phiếu tăng cao.
Có thể thấy, những ngày vừa qua, niềm tin của nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp bất động sản đã được cải thiện ít nhiều. Bằng chứng là, ngay sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực thì một loạt giá cổ phiếu bất động sản đã tăng trần.
Đặt giả thiết không có sự can thiệp kịp thời từ phía Chính phủ, Bộ Tài chính, doanh nghiệp sẽ luôn trong trạng thái bất an vì nợ, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, như thế sẽ hệ lụy đến toàn thị trường, cả ngành Ngân hàng và các lĩnh vực đầu tư khác chứ không riêng gì cổ phiếu bất động sản.
Phóng viên: Nghị quyết tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp và thị trường, nhưng về gốc rễ vấn đề là tiền đâu để doanh nghiệp để xử lý nợ trái phiếu trong 2 năm tới?
TS. Lê Duy Bình: Như tôi đã nói, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP chỉ là một trong những giải pháp từ Chính phủ, Bộ Tài chính. Với sức nặng của thị trường kéo theo cả nền kinh tế thì một chiếc phao cứu sinh không thể cứu nổi, mà cần có nhiều phao cứu sinh hơn.
Chẳng hạn như cách đây mấy ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP với nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư…, khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.
Nhà nước chỉ trao cơ hội pháp lý cho doanh nghiệp tận dụng để sửa sai, khắc phục hậu quả, còn gốc rễ của vấn đề phải là nỗ lực của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp cứ tiếp tục phiêu lưu, phung phí những cơ hội do Nghị định số 08/2023/NĐ-CP hay Nghị quyết số 33/NQ-CP đem lại, tiếp tục thiếu tôn trọng những cam kết với các trái chủ, với thị trường thì doanh nghiệp sẽ mãi không thoát ra khỏi “vũng lầy” được.
Phóng viên: Vậy sự hỗ trợ nhà đầu tư trái phiếu trong Nghị định này là những gì, thưa ông?
TS. Lê Duy Bình: Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP chưa chú trọng bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu, hay còn gọi trái chủ. Tôi không đồng ý như vậy. Quyền lợi của trái chủ vẫn được bảo vệ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định rất rõ, mọi hoạt động giãn nợ, hoán đổi nợ đều phải được trái chủ chấp nhận. Doanh nghiệp không được quyền tự quyết định nợ của mình mà phải có sự thỏa thuận, thống nhất từ phía trái chủ.
Còn về vốn đầu tư của trái chủ, Nhà nước tất nhiên không thể trả lại cho họ được. Chính phủ, Bộ Tài chính hỗ trợ trái chủ nhận lại số tiền đầu tư của mình bằng cách giúp cho bên vay vốn là doanh nghiệp phát hành trái phiếu khỏe lên để có sức trả hết nợ, thực hiện đúng cam kết với đối tác, với trái chủ.
Phóng viên: Có đề xuất nên kéo dài thời gian ngưng hiệu lực các quy định về trái phiếu trong Nghị định số 08/2023/NĐ-CP. Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?
TS. Lê Duy Bình: Theo tôi, thời hạn ngưng hiệu lực các quy định đến hết năm 2023 là vừa đủ, không nên kéo dài thêm. Càng kéo dài thì chất lượng của những đợt phát hành trái phiếu về sau càng giảm xuống, thị trường sẽ khó được nâng hạng.
Để phát triển bền vững thị trường chứng khoán nói chung, trái phiếu nói riêng, không chỉ nâng cao xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà cũng cần tăng chất lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn. Nếu nhà đầu tư chưa có đủ kiến thức chuyên môn, vốn nhỏ có thể đầu tư thông qua các quỹ mở, quỹ đầu tư chuyên nghiệp.
Phóng viên: Ông có lời nhắn gì tới những trái chủ đang rất lo lắng về vốn đầu tư của mình?
TS. Lê Duy Bình: Thực ra, nhà đầu tư giờ họ thông minh lắm. Họ biết được đâu là cơ hội, biết tận dụng để thỏa thuận với doanh nghiệp để lựa chọn phương án tối ưu cho cả hai bên. Niềm tin phục của trái chủ được củng cố có giúp cho doanh nghiệp khôi phục được dòng tiền để hoàn trả cho nhà đầu tư.
Trường hợp không đạt được thỏa thuận, hoặc doanh nghiệp phát hành có dấu hiệu lách luật cố tình chậm trả nợ thì các nhà đầu tư có thể nhờ pháp luật bảo vệ bằng cách kiện ra tòa án.
Phóng viên: Vậy làm sao để tránh việc các doanh nghiệp lách luật hoặc không tôn trọng cam kết trong thỏa thuận với trái chủ?
TS. Lê Duy Bình: Vấn đề này đã được quy định rõ hơn trong Nghị quyết số 33/NQ-CP rồi. Đó là Chính phủ giao cho Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023. Tôi nghĩ, có sự vào cuộc của các Bộ, ngành sẽ đảm bảo được tính minh bạch và an toàn thị trường khi thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP.
Hơn nữa, tôi tin rằng, các doanh nghiệp lúc này đang rất cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư để xây dựng uy tín và phát triển bền vững, nên không dại gì mà họ lừa dối đối tác, nhà đầu tư của mình chỉ để phục vụ lợi ích riêng ngắn hạn.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!