Hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp
Báo cáo tài chính tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để xây dựng báo cáo tài chính nhà nước, báo cáo của Tổng Kế toán nhà nước. Ngày 21/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 138/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Kho bạc Nhà nước là thực hiện Tổng Kế toán nhà nước. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, có rất nhiều công việc cần phải chuẩn bị và triển khai, trong đó trước mắt cần hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp.
Hướng đến mục tiêu tổng hợp thông tin tài chính của toàn bộ khu vực nhà nước
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, đặc biệt là chức năng Tổng Kế toán Nhà nước (KTNN) của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã được quy định cụ thể trong Quyết định 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 21/8/2007 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và Quyết định 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ này, ngày 30/5/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án Tổng KTNN tại Quyết định 1188/QĐ-BTC. Theo đó, có thể khái quát như sau:
- Tổng KTNN là mô hình tổ chức, vận hành các yếu tố cấu thành nên KTNN, nhằm đạt mục tiêu tổ chức công tác hạch toán kế toán, tổng hợp và trình bày thông tin báo cáo tài chính (BCTC) nhà nước của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc và báo cáo của chính quyền địa phương trên từng địa bàn.
- Đối tượng của Tổng KTNN bao gồm: Tài sản của Nhà nước, nợ phải trả của Nhà nước, nguồn vốn của Nhà nước (tình hình tài chính nhà nước); thu nhập và chi phí của Nhà nước (kết quả hoạt động tài chính nhà nước) và các luồng tiền (lưu chuyển tiền tệ) của Nhà nước.
Từ khái niệm và đối tượng của Tổng KTNN có thể thấy rằng:
- Đối tượng thông tin của Tổng KTNN (hay còn gọi là đối tượng thông tin của BCTC nhà nước) bao hàm nghĩa rộng hơn so với đối tượng của các báo cáo quyết toán NSNN theo quy định hiện nay.
- Công việc của Tổng KTNN trước hết được thực hiện tại các đơn vị KTNN thông qua khâu ghi chép ban đầu, tổng hợp và lập báo cáo.
Do đó, để có được thông tin đầu vào đáp ứng yêu cầu của Tổng KTNN, nhằm hướng đến mục tiêu tổng hợp thông tin tài chính của toàn bộ khu vực nhà nước, cần phải tổ chức tốt dữ liệu ngay từ các đơn vị KTNN, đảm bảo phản ánh đầy đủ các đối tượng kế toán của Tổng KTNN. Điều đó đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện các thông tin, dữ liệu KTNN ở tất cả các đơn vị, trong đó các đơn vị hành chính, sự nghiệp là đối tượng chủ yếu cung cấp thông tin đầu vào cho Tổng KTNN. Nói cách khác, việc hoàn thiện hệ thống BCTC các đơn vị hành chính, sự nghiệp là một yêu cầu quan trọng đáp ứng mục tiêu Tổng KTNN ở Việt Nam.
Kế toán hành chính sự nghiệp: Một số tồn tại, hạn chế
Kế toán hành chính sự nghiệp (HCSN) là một bộ phận cấu thành của hệ thống KTNN, với chức năng tổ chức hệ thống thông tin kế toán toàn diện, liên tục, có hệ thống để phản ánh tình hình tiếp nhận và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), quỹ, tài sản công ở các đơn vị, tổ chức có sử dụng và không sử dụng NSNN. Kế toán HCSN không những có vai trò quan trọng trong quản lý ngân sách hoạt động của từng đơn vị mà còn rất cần thiết và quan trọng trong quản lý ngân sách quốc gia. Cùng với kế toán NSNN tại KBNN, kế toán HCSN đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kịp thời cung cấp các thông tin về NSNN cho các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho việc quản lý, điều hành hiệu quả NSNN các cấp.
Hiện nay, việc lập và trình bày BCTC của các đơn vị hành chính, sự nghiệp được thực hiện theo quy định của Chế độ kế toán HCSN theo Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/03/2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán HCSN và Thông tư 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán HCSN. Theo quy định, BCTC của các đơn vị hành chính, sự nghiệp hiện đang chia thành hai nhóm, gồm:
BCTC các đơn vị kế toán cấp cơ sở: Bảng cân đối tài khoản; Báo cáo tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí đã sử dụng; Báo cáo thu, chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh; Báo cáo tình hình tăng, giảm tài sản cố định; Báo cáo số kinh phí chưa sử dụng đã quyết toán năm trước chuyển sang và thuyết minh BCTC.
BCTC các đơn vị cấp trên: Báo cáo tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí đã sử dụng; Báo cáo tổng hợp thu, chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh; Báo cáo tổng hợp quyết toán ngân sách và nguồn khác của đơn vị.
Về cơ bản, hệ thống BCTC của các đơn vị HCSN hiện nay đã trình bày một cách tổng quát, toàn diện về tình hình tiếp nhận, sử dụng kinh phí NSNN tại các đơn vị KTNN; đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với Luật NSNN và các chính sách quản lý tài chính đối với các đơn vị HCSN và là một bộ phận cấu thành để tổng hợp phục vụ điều hành ngân sách của Quốc hội.
Bên cạnh đó, hệ thống BCTC các đơn vị HCSN đã cung cấp được những thông tin cơ bản về tình hình tài sản, tình hình thu, chi và kết quả của các hoạt động tại đơn vị; Cung cấp thông tin bổ sung để người đọc có thể nắm bắt được tình hình hoạt động, các chính sách quản lý, những vấn đề phát sinh trong đơn vị, từ đó có cái nhìn tổng thể về hoạt động của đơn vị mình. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu của Tổng KTNN, hệ thống BCTC tại các đơn vị HCSN vẫn còn những hạn chế và cần phải bổ sung và hoàn thiện. Cụ thể:
- Bảng cân đối tài khoản (Mẫu số B01-H): Phản ánh tổng quát số hiện có đầu kỳ, tăng, giảm trong kỳ và số cuối kỳ về tình hình kinh phí và sử dụng kinh phí, tình hình tài sản và nguồn hình thành tài sản, kết quả hoạt động sự nghiệp của đơn vị HCSN trong kỳ báo cáo. Báo cáo này mới chỉ liệt kê số liệu trên các tài khoản phát sinh tại đơn vị; dùng để kiểm tra tính cân đối của các tài khoản trong quá trình ghi sổ kép. Cách thức phân loại hệ thống tài khoản HCSN hiện nay còn khiến người đọc khó xác định được khoản mục nào là tài sản và khoản mục nào là nguồn hình thành tài sản. Hơn nữa, qua Bảng cân đối tài khoản, người đọc cũng không thể phân loại được các khoản mục ngắn hạn và dài hạn để đưa ra những nhận định thích hợp về tình hình tài chính của đơn vị. Vì vậy, chưa phân tích được tình hình tài chính của đơn vị theo đúng yêu cầu thông tin đầu vào của Tổng KTNN.
- Tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí đã sử dụng (Mẫu số B02-H): Báo cáo này chủ yếu phản ánh tình hình tiếp nhận và sử dụng các nguồn kinh phí từ NSNN nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan cấp trên, cơ quan quản lý nhà nước phục vụ công tác quyết toán NSNN. Về góc độ tài chính, mới chỉ phản ánh một phần kết quả hoạt động của đơn vị, chưa phản ảnh đầy đủ toàn bộ các hoạt động thu, chi và kết quả hoạt động của đơn vị. Cơ sở ghi nhận, hạch toán kế toán để lập báo cáo này chưa thực hiện theo cơ sở dồn tích, do đó, chưa đáp ứng thông tin đầu vào của Tổng KTNN.
- Báo cáo thu, chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh (Mẫu B03-H): Phản ánh tổng quát phản ánh tình hình thu, chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Tuy cơ sở kế toán, lập báo cáo này đã tuân thủ theo cơ sở dồn tích nhưng phản ánh chưa đầy đủ toàn bộ thu, chi của đơn vị và kết quả hoạt động của đơn vị, vì vậy, cũng chưa đáp ứng được thông tin đầu vào cho Tổng KTNN.
- Thuyết minh báo cáo tài chính (Mẫu B06-H): Giải thích và bổ sung thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của đơn vị, tình hình chấp hành kỷ luật tài chính về thu, chi NSNN. Báo cáo này mới chỉ chi tiết số liệu của một số chỉ tiêu trên Bảng cân đối tài khoản, chưa có sự phân tích đánh giá tình hình tăng, giảm tài sản, kết quả hoạt động, hiệu quả sử dụng nguồn lực tại đơn vị…
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, đơn vị HCSN hiện cũng chưa lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ để phản ánh thông tin về các luồng tiền thu vào và chi ra phát sinh tại đơn vị. Đây là nguồn thông tin đầu vào rất quan trọng để cung cấp cho Tổng KTNN, phục vụ lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ nhà nước, cung cấp cái nhìn tổng thể về tình hình tài chính của Nhà nước bằng việc chỉ ra dòng tiền vào và ra của các hoạt động như hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính...
Giải pháp hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính của các đơn vị hành chính sự nghiệp
Yêu cầu quản lý tài chính công trong giai đoạn mới đặt ra những yêu cầu và đỏi hỏi KTNN phải cung cấp thông tin đầy đủ không những về NSNN mà còn về tài chính nhà nước (TCNN), làm căn cứ phân tích dự báo tình hình TCNN một cách đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng mọi nguồn lực TCNN. Xuất phát từ yêu cầu thông tin đầu vào của Tổng KTNN, kết hợp với việc đánh giá thực trạng của hệ thống BCTC của các đơn vị HCSN theo quy định hiện hành, cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính để hoàn thiện hệ thống BCTC của các đơn vị HCSN đáp ứng mục tiêu của Tổng KTNN, cụ thể:
Thứ nhất, xác định cơ sở ghi nhận kế toán và danh mục BCTC:
- Về cơ sở kế toán: Để BCTC đơn vị HCSN được minh bạch, hữu ích và cung cấp đầy đủ hơn các thông tin TCNN, điều quan trọng nhất là thay đổi cơ sở ghi nhận kế toán từ mức độ hiện thời của kế toán dồn tích (điều chỉnh) sang cơ sở dồn tích toàn bộ theo một lộ trình phù hợp. Trong đó, các khoản chi mua sắm, xây dựng tài sản, nhà xưởng, thiết bị; mua hàng hóa, nguyên liệu… sẽ được ghi nhận là tài sản trong BCTC. Chi phí được xác định trên cơ sở hao mòn hoặc khấu hao tài sản và giá vốn của các khoản mục hàng tồn kho.
- Về danh mục BCTC: Do một trong các mục tiêu hoàn thiện BCTC tại các đơn vị HCSN là nhằm cung cấp thông tin đầu vào để lập BCTC nhà nước theo quy định của Luật Kế toán nên cần xây dựng danh mục các BCTC tại đơn vị HCSN, gồm: (a) Báo cáo tình hình tài chính; (b) Báo cáo kết quả hoạt động; (c) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; (d) Bảng Thuyết minh BCTC phù hợp với yêu cầu thông tin đầu vào của Tổng KTNN.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về yêu cầu thông tin trình bày trên BCTC và các nguyên tắc lập BCTC, phù hợp với chuẩn mực kế toán công và thông lệ quốc tế. Cụ thể:
- Các yêu cầu thông tin cơ bản bao gồm: Dễ hiểu, phù hợp, đáng tin cậy, trọng yếu, trung thực, khách quan và so sánh được.
- Các nguyên tắc cơ bản lập BCTC bao gồm: Trình bày nhất quán (cơ sở và kỳ kế toán), liên tục, trọng yếu, hợp nhất và loại trừ các giao dịch nội bộ, điều chỉnh hồi tố các sai sót.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định về hướng dẫn lập và công bố BCTC, bao gồm:
- Báo cáo tình hình tài chính: Phản ánh tình hình tài sản và nguồn hình thành tài sản của đơn vị HCSN tại thời điểm lập báo cáo, giúp người sử dụng thông tin đo lường, đánh giá về tình hình tài chính của đơn vị. Báo cáo tình hình tài chính được kết cấu gồm 3 phần: Tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn.
- Báo cáo kết quả hoạt động: Phản ánh thông tin doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động của đơn vị trong kỳ lập báo cáo, giúp người sử dụng thông tin đánh giá, đo lường hiệu quả hoạt động của đơn vị. Báo cáo kết quả hoạt động được kết cấu bao gồm: Các khoản thu, các khoản chi và kết quả hoạt động tại đơn vị.
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Phản ánh thông tin về luồng tiền vào và luồng tiền đi ra khỏi đơn vị, giúp người sử dụng thông tin đánh giá nguồn tiền, khả năng tạo tiền của đơn vị. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được kết cấu riêng biệt theo 3 luồng tiền tương ứng với 3 hoạt động: Hoạt động chính, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.
- Thuyết minh BCTC: Giải thích, bổ sung, giải trình các thông tin về tình hình hoạt động, tình hình tài chính, tình hình lưu chuyển tiền và các thông tin khác liên quan đến đơn vị HCSN để thông tin trên BCTC đơn vị HCSN được rõ ràng, trung thực và hữu ích hơn.
Để hoàn thiện hệ thống BCTC của các đơn vị HCSN, ngoài việc quy định đồng bộ các nội dung giải pháp trong các văn bản pháp lý, rất cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ kế toán các đơn vị, xây dựng hệ thống thông tin kế toán hiện đại. Chỉ bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, mới có thể xây dựng được một hệ thống BCTC của các đơn vị HCSN đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách và tài chính công, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng thông tin đầu vào của Tổng KTNN, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực TCNN - theo đúng mục tiêu của Tổng KTNN đã đề ra.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Kế toán số 88/2015/QH13;
2. Quyết định 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020;
3. Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/03/2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán HCSN;
4. Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ về báo cáo TCNN...