Hoàn thiện môi trường pháp lý, tăng tính cạnh tranh cho hoạt động dịch vụ kế toán
Việt Nam đã cam kết mở cửa toàn diện thị trường dịch vụ kế toán khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán và hành nghề kế toán, song cũng là thách thức đặt ra đối với thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam còn non trẻ bởi các quy định luật pháp về kế toán mới được hình thành và các yếu tố của thị trường chưa đầy đủ, đội ngũ kế toán viên có chứng chỉ theo quy chuẩn quốc tế còn ít về số lượng và hạn chế về chất lượng…
Cơ hội và thách thức của thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam
Thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là thực hiện những cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ kế toán. Việt Nam đã cam kết mở cửa toàn diện thị trường này khi gia nhập WTO, AEC và Hiệp định TPP. Trong đó, có cam kết về đảm bảo sự di chuyển về thể nhân của những người hành nghề kế toán, những người có chứng chỉ kế toán viên, được thừa nhận. Đây là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ kế toán và hành nghề kế toán, song cũng là thách thức đặt ra đối với thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam mới được hình thành và thừa nhận, còn rất non trẻ và đầy tiềm năng.
Các quy định luật pháp về kế toán của nước ta mới được hình thành và các yếu tố của thị trường chưa được kiện toàn. Phạm vi hoạt động của thị trường còn hẹp và chưa thực sự được xã hội quan tâm đúng mức. Đội ngũ kế toán viên có chứng chỉ theo đúng nghĩa và quy chuẩn quốc tế còn ít về số lượng và hạn chế về chất lượng.
Thống kê của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cũng cho thấy, ngoài sự góp mặt của 4 công ty 100% vốn nước ngoài (gồm Công ty KPMG, Công ty PwC, Công ty Grant Thornton và Công ty Ernst & Young), thị trường còn hiện diện 160 công ty tư vấn tài chính, kế toán và kiểm toán hoạt động trên thị trường với hơn 9.000 kế toán viên và kiểm toán viên, chỉ chiếm 5,44% so với các nước trong AEC.
Nhìn chung, hoạt động dịch vụ kế toán là một thị trường dịch vụ cao cấp đòi hỏi thật sự chuẩn hóa về quy trình cung cấp dịch vụ, sự minh bạch và tin cậy, sự hữu ích của dịch vụ và đặc biệt là chất lượng dịch vụ, năng lực, trình độ và tính chuyên nghiệp của các thể nhân, các pháp nhân hành nghề kế toán và kiểm toán. Do vậy, cần hoàn thiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tích cực chuẩn bị khẩn trương về nhận thức, tạo lập các khuôn khổ pháp lý và đẩy mạnh việc tạo dựng môi trường, xây dựng đội ngũ các DN cung cấp dịch vụ, đội ngũ kế toán, kiểm toán viên hành nghề…
Thứ hai, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi hỗ trợ các DN kinh doanh dịch vụ kế toán hoạt động trên thị trường.
Thứ ba, gấp rút xây dựng và vận hành chương trình đào tạo huấn luyện, chính thức hóa và chuẩn hóa chứng chỉ kế toán viên; tổ chức lại quy trình đào tạo, thi và cấp chứng chỉ kế toán viên, quy trình quản lý hành nghề, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán phù hợp và theo thông lệ quốc tế.
Thứ tư, kế toán là một nghề như bao nhiêu nghề khác, vậy nên cần phân loại các chức danh của nghề kế toán giống như nghề kiểm toán được quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2014.
Những đổi mới đáp ứng nhu cầu hội nhập
Nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế mới, Luật Kế toán năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017), đã quy định cụ thể về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán. Theo đó, so với Luật Kế toán 2003, Luật Kế toán 2015 đã bổ sung thêm một số điểm mới sau:
- Chứng chỉ kế toán viên: Người được cấp chứng chỉ kế toán viên phải có 3 tiêu chuẩn: Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính; Đạt kết quả kỳ thi lấy chứng chỉ kế toán viên qua kỳ thi do Bộ Tài chính tổ chức và cấp bằng.
- Đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán: Quy định các điều kiện người có Chứng chỉ kế toán viên hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua DN kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán có 3 điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự; có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán và kiểm toán là 36 tháng và tham gia chương trình cập nhật kiến thức theo quy định; quy định những người không được hành nghề dịch vụ kế toán.
- DN kinh doanh dịch vụ kế toán: Công ty TNHH hai thành viên trở lên; Công ty hợp danh và DN tư nhân phải đủ điều kiện về chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; quy định DN nước ngoài thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.
- Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với từng loại hình DN cụ thể: Công ty TNHH hai thành viên trở lên được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ 4 điều kiện; Công ty hợp danh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ 3 điều kiện; DN tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ 3 điều kiện và chi nhánh DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ 4 điều kiện.
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán: Bao gồm 7 loại giấy tờ.
- Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, trường hợp cần làm rõ vấn đề liên quan đến hồ sơ cần giải trình thì thời hạn tính từ khi hồ sơ hoàn chỉnh.
- Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán: Quy định rõ các trường hợp được cấp lại Giấy chứng nhận, hồ sơ xin cấp lại và thời gian hoàn trả.
- Phí cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán: Theo quy định của Chính phủ.
- Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán: Hộ kinh doanh được phép kinh doanh dịch vụ kế toán khi đáp ứng được 2 điều kiện: Có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và cá nhân, đại diện nhóm cá nhân thành lập hộ kinh doanh phải là kế toán viên. Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
- Những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính: Quy định những thay đổi DN kinh doanh dịch vụ kế toán phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trong thời hạn 10 ngày.
-Trách nhiệm của kế toán viên hành nghề, DN kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán, trong đó có quy định mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.
- Trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán: Có 6 trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán.
Hành lang pháp lý về kế toán, kiểm toán của Việt Nam được đổi mới căn bản, từng bước, thừa nhận, áp dụng các Chuẩn mực kế toán, Chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Từ đó, giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán và người làm kế toán hoạt động, phát triển và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ kế toán trong nước và quốc tế.
- Tổ chức nghề nghiệp về kế toán: Quy định việc thành lập, hoạt động và trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp về kế toán.
Như vậy, hành lang pháp lý về kế toán, kiểm toán của Việt Nam đã được đổi mới căn bản, từng bước, thừa nhận, áp dụng các Chuẩn mực kế toán, Chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Thế giới đã biết đến và thừa nhận khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán của Việt Nam. Từ đó, giúp cho các DN kinh doanh dịch vụ kế toán và người làm kế toán hoạt động, phát triển và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ kế toán trong nước và quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật Kế toán số 03/2003/QH11; Luật Kế toán số 88/2015/QH13;
2. Quốc hội, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014;
3. Chính phủ, Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004;
4. Chính phủ, Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 4/11/2004 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực kế toán;
5. Thông tư số 72/2007/TT-BTC ngày 27/6/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn đăng ký và quản lý hành nghề kế toán...