Kho bạc Nhà nước: 8 giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Đến thời điểm này, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản phải giải ngân cho các dự án thuộc kế hoạch năm 2016 còn khá lớn (khoảng trên 153.738 tỷ đồng, chưa kể các nguồn vốn có thể được giao bổ sung từ nay đến cuối năm).

Cán bộ KBNN đang giải đáp các thắc mắc của khách hàng đến giao dịch với kho bạc.
Cán bộ KBNN đang giải đáp các thắc mắc của khách hàng đến giao dịch với kho bạc.

Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đưa ra 8 giải pháp để đẩy mạnh giải ngân, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch

10 tháng, giải ngân đạt 61% kế hoạch

Báo cáo từ KBNN cho biết, đến hết ngày 31/10/2016 tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) giải ngân qua hệ thống KBNN là trên 201.214 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch vốn năm 2016 được giao. Trong đó, vốn XDCB giải ngân trên 146.017 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu giải ngân trên 4.176 tỷ đồng; vốn trái phiếu chính phủ giải ngân gần 20.038 tỷ đồng; nguồn vốn khác giải ngân gần 30.983 tỷ đồng.

Như vậy, so với tỷ lệ giải ngân của 8 tháng trước đó (đạt 42,9% kế hoạch) thì tỷ lệ giải ngân của 10 tháng đã tăng trên 18%.

Có thể thấy, để có được kết quả này, toàn hệ thống KBNN đã rất nỗ lực bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trong triển khai Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp để thúc đẩy giải ngân.

Đặc biệt, với nhiệm vụ và chức năng của mình, ngay từ những ngày đầu năm 2016, KBNN đã chủ động nắm bắt kịp thời những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm, tổng hợp các vướng mắc để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Tài chính (đối với các dự án do Trung ương quản lý); liên hệ UBND tỉnh (đối với dự án do địa phương quản lý) xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc giải ngân của dự án.

Trong quá trình kiểm soát chi ngân sách, KBNN các tỉnh, thành phố thực hiện một đầu mối kiểm soát cũng như phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn cho các đơn vị trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tạm ứng, thanh toán; đảm bảo mọi hồ sơ, chứng từ đủ điều kiện thanh toán vốn đầu tư do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến kho bạc đều được tiếp nhận và giải quyết theo đúng chế độ và thời gian quy định.

Đồng thời, KBNN thường xuyên có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nghiệm thu khi đã có khối lượng hoàn thành và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục gửi đến kho bạc để kiểm soát thanh toán, thu hồi vốn đã tạm ứng, tránh dồn vào những tháng cuối năm gây khó khăn cho công tác kiểm soát chi và giải ngân.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Nhận thức được vai trò của công tác giải ngân vốn đầu tư  là rất quan trọng, bởi tốc độ giải ngân đạt thấp không chỉ giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, gây lãng phí nguồn vốn của Nhà nước, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa gây tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, bên cạnh những giải pháp đã và đang thực hiện, thời gian tới, KBNN tập trung vào 8 giải pháp sau:

Một là, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có các biện pháp tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ (từ việc bổ sung, điều chỉnh, thẩm tra và phê duyệt dự án, duyệt thiết kế dự toán đến việc thẩm tra phê duyệt khối lượng phát sinh, tổ chức nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ thanh toán,...) gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát, thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm; KBNN các cấp kịp thời báo cáo về KBNN đối với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính hoặc cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.  

Hai là, chỉ đạo KBNN các cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tài chính cùng cấp, tham mưu với chính quyền địa phương trong bố trí vốn và điều hành vốn linh hoạt đảm bảo khả năng thanh toán mọi lúc, mọi nơi đáp ứng nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước.

Ba là, kiên quyết từ chối các khoản chi không đúng chế độ, các hạng mục phát sinh nằm ngoài dự án, hoặc chưa đủ hồ sơ thủ tục theo quy định; đồng thời theo dõi, nắm vững tình hình giải ngân vốn đầu tư từng dự án, từng bộ, địa phương, bao gồm cả dự án đầu tư từ nguồn vốn trong nước và dự án sử dụng nguồn vốn ODA, báo cáo Bộ Tài chính để kiến nghị với Chính phủ thực hiện điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án theo đúng tinh thần Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 và Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 của Chính phủ.

Bốn là, chỉ đạo KBNN các cấp thực hiện đúng quy định về tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư XDCB. Đôn đốc, phối hợp với chủ đầu tư, Ban QLDA thực hiện kiểm tra vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích; chịu trách nhiệm kiểm tra và đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng.

Năm là, chỉ đạo KBNN các cấp thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai các quy trình, thủ tục, hồ sơ kiểm soát thanh toán vốn đầu tư XDCB; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị đến giao dịch. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm nội quy, quy chế giải quyết công việc của KBNN và có hành vi gây sách nhiễu, hách dịch đối với các đơn vị đến giao dịch tại KBNN.

Sáu là, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN nhằm công khai, minh bạch tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị giao dịch tại KBNN.

Bảy là, tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh công tác thí điểm các dịch vụ công điện tử trực tuyến tại 5 KBNN thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ; theo đó, việc kiểm soát chi (bao gồm cả với chi đầu tư và chi hành chính sự nghiệp) được thực hiện qua mạng điện tử, không phải mang hồ sơ để thanh toán bằng giấy như trước đây. Trên cơ sở  kết quả triển khai, KBNN sẽ tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác và tiến tới triển khai rộng dịch vụ công điện tử trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018.

Tám là, nghiên cứu, đánh giá nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc triển khai mở rộng các dịch vụ công trong công tác kiểm soát chi NSNN, tiến tới thực hiện kiểm soát chi qua mạng 100%, góp phần thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử.