"Cơn sốt" của thị trường chứng khoán

Theo Minh Sơn/vnexpress.net

VN-Index vừa vượt qua mốc kỷ lục 900 điểm, chỉ hơn một tháng sau khi mốc 800 điểm bị phá vỡ.

Thị trường chứng khoán đang bùng nổ với VN-Index tăng hơn 250 điểm kể từ đầu năm. Nguồn: internet
Thị trường chứng khoán đang bùng nổ với VN-Index tăng hơn 250 điểm kể từ đầu năm. Nguồn: internet

"Quá mạnh", "thăng hoa" hay "quá sức tưởng tượng" là những tính từ được nhà đầu tư và cả những thành viên thị trường miêu tả về tình trạng hiện tại của thị trường chứng khoán.

Cả năm 2015, VN-Index chỉ tăng được gần 40 điểm, năm 2016 con số này tăng lên gấp đôi, đạt hơn 80 điểm. Tuy nhiên, chỉ trong gần 11 tháng đầu năm, VN-Index đã tăng hơn 250 điểm - vượt qua mốc kỷ lục 900 điểm và tương đương với mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

"Ở thời điểm đầu năm, khi VN-Index mới ở ngưỡng 665 điểm, nhiều nhà đầu tư chỉ hy vọng nó có thể đạt tới gần 800 điểm ở cuối năm đã là một thành công. Một số chuyên gia nhắc đến mốc 850, hay 900 điểm thậm chí còn nhận được những lời châm biếm không hay. Nhưng thật sự thị trường đã quá 'điên', giờ thì nhiều người còn đặt kỳ vọng vào ngưỡng 1.000 điểm", anh Cường, nhà đầu tư hơn 5 năm kinh nghiệm chia sẻ.

Tính tới phiên giao dịch gần nhất, VN-Index đã tăng hơn 36% so với mức đóng cửa vào cuối 2016. Động thái này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán có mức tăng tốt nhất trong khu vực và thế giới. Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường đạt gần 14.000 tỷ đồng kể từ đầu năm đã phần nào cho thấy sự hấp dẫn kênh đầu tư này.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán trong năm nay không vận động duy nhất theo một chiều hướng, mà thực tế được chia làm hai thái cực rõ rệt. Giai đoạn 8 tháng đầu năm tăng đều với biên độ ổn định và mức độ lan tỏa toàn thị trường, còn giai đoạn 3 tháng tiếp theo thị trường chứng kiến sự bùng nổ nhưng chỉ tập trung ở một nhóm cổ phiếu nhất định. 

Chặng đường đầu tiên, VN-Index tăng từ ngưỡng 665 lên 800 điểm. Quá trình đi lên của thị trường đan xen giữa những đợt điều chỉnh và tổng thể, đà tăng đạt được với sự đồng thuận của hầu hết các nhóm cổ phiếu, từ vốn hóa lớn (bluechip) cho tới dòng vốn hóa thấp (penny).

Nhiều nhà đầu tư cũng nhận định giai đoạn này là giai đoạn gặt hái được thành quả tốt nhất do hầu hết cổ phiếu đều tăng giá, đặc biệt là sự đi lên của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và thấp (midcap và penny) - phân khúc cổ phiếu được nhà đầu tư ưa thích do thị giá không quá cao.

Động lực trong giai đoạn này do dòng tiền đổ mạnh và liên tục vào thị trường, từ khối ngoại và nhà đầu tư trong nước. So với nhiều kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, vàng hay ngoại tệ, chứng khoán được đánh giá là một kênh sinh lời hấp dẫn. Ngoài việc VN-Index tăng trưởng ở mức hai con số, thị trường không thiếu những mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng từ vài chục phần trăm, cho tới mức tăng gấp 3-5 lần chỉ trong vài tháng.

 "Cơn sốt" của thị trường chứng khoán  - Ảnh 1

Thị trường chứng khoán Việt Nam đứng đầu trong ASEAN 4 xét về mức tăng. Nguồn: Bloomberg, VCSC

Tuy nhiên đến giai đoạn tiếp sau, mức tăng của chỉ số còn có phần "điên loạn" hơn, thậm chí là phi lý. VN-Index chỉ mất hơn một tháng rưỡi để tăng gần 120 điểm, bằng mức tăng trong cả 8 tháng đầu năm và đưa chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục phá đỉnh quá khứ.

Dù vậy, đằng sau sự bùng nổ của thị trường là những yếu tố bất thường ngày càng lộ rõ. Biểu hiện rõ ràng nhất là sự khác biệt đến từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường và động lực tăng giá.

"Không có nhiều lý do rõ ràng và đồng thuận cho sự tăng điểm vừa qua của một số cổ phiếu, do đó sự phi lý hoàn toàn vẫn có thể tiếp diễn trong tháng 11 và bóp méo diễn biến chỉ số", báo cáo chiến lược tháng 11 của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) viết.

Chính điều này đã dẫn tới thực trạng "xanh vỏ đỏ lòng" trên thị trường và tâm lý không mấy tích cực của nhà đầu tư khi chỉ số ngày càng tăng, trong khi danh mục đầu tư vẫn "chìm trong sắc đỏ".

Nếu như giai đoạn trước sự lan tỏa đều của thị trường giúp hầu hết nhóm cổ phiếu "đều có phần", nhà đầu tư đều vui thì trong giai đoạn bùng nổ, VN-Index gần như chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip). Đặc biệt là những cổ phiếu "có câu chuyện riêng" và những cái tên có phần "phi lý". ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros là một trong số đó.

Nếu tính sự tác động của riêng lẻ một cổ phiếu vào VN-Index thì ROS là một trong những cái tên có ảnh hưởng nhất. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại không nhìn ra được lý do tại sao cổ phiếu này tăng giá.

ROS tăng gấp 3 lần chỉ từ cuối tháng 6 tới cuối tháng 10 từ mức 70.000 đồng lên mức đỉnh hơn 220.000 đồng. "Nếu loại trừ sự ảnh hưởng của ROS thì VN-Index vào cuối tháng 10 chỉ là 797 điểm, thay vì 837 điểm", báo cáo của VDSC phân tích khi nhắc đến mức độ ảnh hưởng của cổ phiếu này.

Tuy nhiên trong cùng giai đoạn này bản thân Faros lại không có thông tin tích cực hỗ trợ quá trình tăng giá. Sau 9 tháng đầu năm, FLC Faros mới chỉ hoàn thành 43% kế hoạch về doanh thu và 35% về lợi nhuận. P/E của cổ phiếu này sau chuỗi tăng giá liên tục cũng lên tới con số "bất thường" 240 lần, gấp 16 lần mức trung bình của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong khi bản thân doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng này cũng không có tiếng tăm quá lớn, hầu hết chỉ thực hiện dự án có liên quan tới tập đoàn FLC. 

Nếu ROS là đại diện cho hiện tượng không thể giải thích, thì VNM hay VIC đại diện cho những cổ phiếu bluechip tăng giá nhờ động lực riêng.

Ở nhóm đầu tiên với đại diện là VNM, động lực tăng giá của nhóm này đến từ việc bán vốn dồn dập của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và dòng vốn ngoại đổ vào những cổ phiếu này.

Sau thành công của APEC năm 2017 và những cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ những rào cản đầu tư, dòng vốn ngoại đang trở lại mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán và trở thành một trụ cột quan trọng hỗ trợ thị trường.

Cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tăng hơn 25% trong 2 tháng gần đây, cùng với đợt thoái vốn mới thực hiện của SCIC và sự xuất hiện của cổ đông mới - Jardine Cycle & Carriage.

Một loạt cái tên khác như VCG của Vinaconex, NTP của Nhựa Tiền Phong, BMP của Nhựa Bình Minh hay FPT của Tập đoàn FPT cũng ghi nhận mức tăng đáng kể sau thông tin SCIC dự kiến thoái vốn ngay trong năm nay. 

Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup tăng gần gấp đôi so với cách đây 6 tháng, lên sát mốc 80.000 đồng. Khác với nhóm cổ phiếu thoái vốn, đà tăng mạnh của VIC cộng hưởng từ việc niêm yết của Vincom Retail và sự xuất hiện những lĩnh vực kinh doanh mới trong hệ sinh thái của tập đoàn. Mức giá hiện tại của VIC cũng là mức cao nhất trong lịch sử kể từ khi cổ phiếu này niêm yết trên HOSE.

Tuy nhiên, sau quá trình tăng quá mạnh, một thực tế là thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định đang trở nên đắt hơn và khả năng xảy ra điều chỉnh ngày càng tăng.

Theo VDSC, P/E của VN-Index đã lên tới gần 18 lần, nhưng quan trọng nhất là nó không phản ánh cho toàn thị trường. So sánh với các thị trường khác trong khu vực, P/E thị trường cận biên và kể cả thị trường mới nổi, hệ số này của VN-Index đã qua thời “rẻ nhất khu vực”.

Theo số liệu thống kê thì rất nhiều mã cổ phiếu nằm trong top 50 vốn hóa thị trường có mức P/E cao khác thường và nhóm này cũng có mức tăng trưởng P/E rất mạnh, trung bình 20% kể từ đầu năm.

Dù tiền vẫn tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán nhưng mức định giá của thị trường trở nên đắt đỏ có thể làm giảm sức hấp dẫn đối với việc đầu tư. Bên cạnh đó, điều này còn có thể kích hoạt một đợt sóng chốt lời với nhóm bluechip trong thời gian sắp tới để đảo danh mục đầu tư. Khi những cổ phiếu này trở nên đắt hơn, dòng tiền sẽ tìm tới những cổ phiếu "chưa chạy" trong giai đoạn vừa qua để tối đa hóa lợi ích.

Một lý do khác bên cạnh vấn đề định giá là nhiều cổ phiếu tăng giá nhờ vào những câu chuyện riêng cũng đã đạt được một mặt bằng giá mới hợp lý. Khi động lực không còn, những cổ phiếu này cũng khó có thể duy trì đà tăng trong thời gian dài.