Một số giải pháp hoàn thiện hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân

ThS. Ngô Đức Duy - Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn

Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ngành Ngân hàng nói chung và hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân nói riêng có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Để tận dụng được hết các cơ hội, vượt qua được các thách thức đặt ra, đòi hỏi hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân cần phải có các giải pháp bứt phá và phát triển bền vững trong môi trường hội nhập cạnh tranh gay gắt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ hội và thách thức đối với hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển kinh tế tập thể nói chung, hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) nói riêng và tạo nhiều điều kiện khuyến khích mô hình này phát triển. Điều này được thể hiện rõ trong chủ trương, định hướng xây dựng và phát triển hệ thống QTDND Chỉ thị 57-CT/TW của Bộ Chính trị, đó là: “Quán triệt nhận thức việc xây dựng và phát triển QTDND là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông nghiệp và nông thôn”.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “đưa hoạt động của QTDND đi đúng định hướng và phát triển vững chắc, an toàn, hiệu quả” (Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020).

Bên cạnh đó, với chủ trương phát triển “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm cũng như huy động mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng của nông thôn không ngừng được cải thiện, tạo điều kiện cho nền kinh tế hàng hóa phát triển; Nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ và phục vụ đời sống ngày càng tăng cao, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của QTDND.

Để thực hiện các cam kết trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng nói chung và về QTDND nói riêng theo hướng thông thoáng, linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Những kết quả, thành tựu đã đạt được trong thời gian qua đã khiến người dân ngày càng tin tưởng và tham gia tích cực hơn vào hệ thống QTDND. Đây là một trong những yếu tố hết sức thuận lợi để các QTDND mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động. Cùng với đó, năng lực, trình độ và ý thức chấp hành luật pháp của đội ngũ cán bộ QTDND ngày càng được nâng cao, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu phát triển của QTDND.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội trên, trong quá trình hoạt động QTDND cũng gặp phải những khó khăn, thách thức, cụ thể là:

Một là, vốn điều lệ của các QTDND thấp nên mức huy động vốn và cho vay bị hạn chế. Theo báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng huy động vốn của QTDND chỉ đạt 1%, tỷ trọng cho vay đạt 1,4% so với tổng số các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, số tiền vốn cho vay bình quân của QTDND ở mức thấp (13 triệu đồng/món vay), mức này chỉ đủ chi phí cho sản xuất nhỏ, lẻ của hộ gia đình.

Hai là, thị trường tín dụng ở nông thôn đang có nguy cơ bị bỏ trống. Số lượng QTDND còn rất hạn chế, mới chỉ có 1/10 số xã, thuộc 56/63 tỉnh, thành phố có QTDND, nhất là các tỉnh miền núi, trung du như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn số lượng còn hạn chế. Số lượng QTDND ở nhiều tỉnh, thành phố còn ít như Cần Thơ có 3, Hậu Giang 1, Bến Tre có 3, các tỉnh miền núi như Lào Cai, Đắc Nông, Bình Phước chỉ có từ 1 - 2 quỹ… trong khi nhu cầu huy động và vay vốn của người dân là rất lớn.

Ba là, tuy hầu hết QTDND đến nay đã áp dụng công nghệ vào hoạt động nhưng trình độ vận hành và quản lý công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ tại các QTDND chưa đáp ứng yêu cầu, một phần mạng thông tin liên lạc cấp quốc gia chưa phủ rộng khắp nhất là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Bốn là, những mặc cảm của người dân, chính quyền, cấp uỷ các địa phương đối với phong trào hợp tác xã tín dụng trong những năm 1989-1991 còn khá nặng nề. Thêm vào đó, do số lượng cán bộ Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, có hạn, giao thông, liên lạc khó khăn nên công tác quản lý phát triển thêm QTDND gặp nhiều khó khăn. Đây là những rào cản chủ yếu trong việc phát triển hệ thống QTDND.

Năm là, với quy mô hoạt động nhỏ, năng lực tài chính hạn chế trong khi nhu cầu vốn trung và dài hạn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng lớn, do đó QTDND sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu vốn trong chính nội tại thị trường của mình; dẫn tới các QTDND sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động.

Sáu là, việc thu hút, đào tạo nâng cao trình độ và giữ chân đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, nhân viên có trình độ nghiệp vụ làm việc tại QTDND còn  gặp rất nhiều khó khăn. Đây là thách thức không nhỏ đối với các QTDND nếu không có những chiến lược và bước đi thích hợp.
Bảy là, bộ máy kiểm soát nội bộ của QTDND hoạt động chưa hiệu quả. Ở một số QTDND, bộ máy này hầu như chưa phát huy được vai trò thay mặt thành viên giám sát hoạt động của Quỹ, vì vậy hiệu quả giám sát an toàn trong hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng chưa cao.

Giải pháp hoàn thiện hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân

Thứ nhất, về quản lý nhà nước.

Nghiên cứu xây dựng định hướng chiến lược và ban hành các chính sách đồng bộ: Tuy NHNN đã xây dựng Đề án phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020 Ngân hàng với mục tiêu phấn đấu đạt được 1.700 QTDND cơ sở, căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay, (hơn 70% tổng số dân sản xuất nông nghiệp), mục tiêu này là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên cần tiếp tục hoàn thành việc củng cố, chấn chỉnh đưa các QTDND cơ sở hiện đang hoạt động yếu kém trở lại hoạt động bình thường, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ dây chuyền, bảo đảm cho hệ thống các QTDND cơ sở hiện có tiếp tục phát triển an toàn và bền vững.

Cùng với đó, hoàn thiện mô hình tổ chức liên kết phát triển hệ thống. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hệ thống QTDND: Hoàn thiện các quy định nội bộ về quản trị, kiểm soát, điều hành, các quy định nội bộ về hoạt động tín dụng, kế toán, ngân quỹ, kiểm soát, kiểm toán nội bộ và đánh giá các rủi ro có thể xảy ra trong từng quy trình nghiệp vụ để có biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời.

Thứ hai, về cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành hệ thống QTDND.
Nâng cao vị thế, vai trò của Ban kiểm soát nội bộ trong việc thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra toàn bộ hoạt động của hội đồng quản trị, Ban Điều hành nhằm đảo bảo cho QTDND hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ các quy định của pháp luật, điều lệ, nghị quyết của đại hội thành viên và hội đồng quản trị.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng huy động vốn của Quỹ Tín dụng nhân dân chỉ đạt 1%, tỷ trọng cho vay đạt 1,4% so với tổng số các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, số tiền vốn cho vay bình quân của Quỹ Tín dụng nhân dân ở mức thấp (13 triệu đồng/1 món vay), mức này chỉ đủ chi phí cho sản xuất nhỏ, lẻ của hộ gia đình. 

Thứ ba, nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức của Hiệp hội QTDND Việt Nam với các yêu cầu cụ thể:

- Điều chỉnh cơ cấu thành viên theo hướng thành viên chính thức của Hiệp hội chỉ bao gồm các QTDND cơ sở; các tổ chức, cá nhân khác nếu có nguyện vọng có thể tham gia với tư cách là thành viên liên kết hoặc thành viên danh dự.

- Tổ chức đại hội thành viên thường niên để quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hiệp hội cũng như của hệ thống QTDND. Xác lập lại vị trí và nâng cao vai trò của Ban Kiểm tra Hiệp hội theo hướng đổi tên Ban Kiểm tra thành hội đồng giám sát và trao cho cơ quan này quyền giám sát toàn bộ hoạt động của Ban Chấp hành Hiệp hội. Hội đồng giám sát hoạt động theo quy chế do đại hội thành viên thông qua và chỉ chịu trách nhiệm báo cáo trước đại hội thành viên.

- Nâng cao vai trò và tiếng nói của các QTDND cơ sở trong cơ cấu của Hiệp hội. Hiện nay, mặc dù cơ cấu của Ban Chấp hành Hiệp hội chủ yếu gồm đại diện của QTDND Trung ương và các QTDND cơ sở, nhưng trên thực tế, vai trò, tiếng nói của các QTDND cơ sở là rất hạn chế.

Để cải thiện hoạt động của QTDNND cơ sở và Hiệp hội QTDND Việt Nam, thời gian tới cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Đối với QTDND cơ sở:

- Tăng cường năng lực tài chính cho các QTDND cơ sở. Để tăng cường năng lực tài chính, các QTDND cơ sở cần làm tốt các công việc sau:

(i) Tăng mức vốn góp xác lập tối thiểu;

(ii) Huy động tối đa các nguồn lực để tăng vốn điều lệ;

(iii) Tăng mức vốn pháp định để tạo sức ép buộc các QTDND phải tăng vốn điều lệ; Mở rộng địa bàn hoạt động; Sáp nhập, hợp nhất các QTDND cơ sở có quy mô nhỏ có địa bàn hoạt động liền kề nhau…

- Tăng cường hoạt động tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng: Hoạt động tín dụng có vai trò quyết định đối với quy mô và hiệu quả của QTDND cơ sở. Để thực hiện tốt giải pháp này, các QTDND cơ sở cần phải làm tốt các công việc sau: (i) Mở rộng đối tượng khách hàng vay vốn; (ii) Hoàn thiện quy trình, thủ tục cho vay; (iii) Rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt cho vay; (iv) Nâng cao khả năng phân tích, thẩm định dự án và tư vấn cho khách hàng vay vốn.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các QTDND cơ sở cung cấp các dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ uỷ thác, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ phi ngân hàng: Do thu nhập chủ yếu của các QTDND cơ sở là các khoản thu lãi tiền vay nên lợi  nhuận thu  được rất hạn chế. Mặt khác, nhu cầu sử dụng các dịch vụ của khách hàng QTDND ngày càng đa dạng, vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các thành viên, các QTDND cơ sở cần phải cung cấp các dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ ủy thác, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ phi ngân hàng.

- Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ làm việc tại các QTDND cơ sở về tầm quan trọng của các hoạt động quảng cáo, marketing, nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu của khách hàng: Cho đến nay, đại đa số các QTDND cơ sở chỉ tập trung vào huy động và cho vay vốn chứ chưa ý thức được tầm quan trọng của các hoạt động quảng cáo, tiếp thị và chưa quan tâm đến nhu cầu của khách hàng. Trong khi đây là những hoạt động rất quan trọng trong kinh doanh nói chung và kinh doanh tiền tệ - ngân hàng nói riêng.

- Thiết lập hệ thống quản trị rủi ro và hệ thống thông tin quản lý tại các QTDND cơ sở: Quản trị rủi ro và hệ thống thông tin quản lý là những yếu tố hết sức quan trọng đảm bảo cho sự an toàn và hiệu quả trong hoạt động ngân hàng. Đã đến lúc các QTDND phải thiết lập hệ thống quản trị rủi ro và hệ thống thông tin quản lý. Vì vậy, cần chủ trì việc xây dựng và hướng dẫn các QTDND áp dụng các chuẩn mực, quy trình thiết lập hệ thống quản trị rủi ro và quản lý hệ thống thông tin.
Đối với Hiệp hội QTDND Việt Nam:    

- Trao quyền chủ động cho Hiệp hội trong việc xây dựng định hướng phát triển, các quy chế quản lý nội bộ, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và các chuẩn mực hoạt động áp dụng thống nhất trong hệ thống QTDND.

- Tăng cường công tác quảng bá, nâng cao thương hiệu của hệ thống QTDND: Sau hơn 20 năm hoạt động, hệ thống QTDND đã gặt hái được khá nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhận thức của các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân về hệ thống QTDND vẫn còn rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do hệ thống QTDND chưa quan tâm đến công tác quảng bá, nâng cao thương hiệu. Trong khi đó, thương hiệu là một trong những yếu tố hết sức quan trọng góp phần làm nên thành công của hệ thống QTDND.

- Chủ động thực hiện các nghiên cứu về thị trường và thiết kế các sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho các QTDND cơ sở đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm giúp các QTDND cơ sở thu hút thêm khách hàng trong điều kiện áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các TCTD khác hoạt động trên cùng địa bàn.

- Tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ đối với các QTDND cơ sở: Do hạn chế về năng lực quản lý và trình độ nghiệp vụ, các QTDND cơ sở thường gặp phải những vướng mắc trong quá trình hoạt  động.  Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội cần đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ nghiệp vụ cho các QTDND cơ sở thông qua việc thiết lập đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc về chế độ, chính sách liên quan đến QTDND và cử các chuyên gia đến QTDND cơ sở để hướng dẫn tháo gỡ những vấn đề vướng mắc trong hoạt động theo yêu cầu.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đình Lưu (2003), Hệ thống QTDND qua hơn 2 năm củng cố, chấn chỉnh theo Chỉ thị 57-CT/TW của Bộ Chính trị, Tạp chí Ngân hàng, số 1, 2 ;

2. Phạm Hữu Phương (2009), Luật các TCTD đối với hoạt động của hệ thống QTDND, Tạp chí Ngân hàng, số chuyên đề;

3. Cần thành lập Quỹ bảo toàn tổ chức cho hệ thống QTDND, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (2009);

4. Ngân hàng Nhà nước (2015), Thông tư 04/2015/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của QTDND.