Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản nhà nước
Trước những vướng mắc của một số đơn vị sự nghiệp công lập về việc có nên xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên không vì nguồn chi thường xuyên của các đơn vị này chủ yếu là từ NSNN? Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã có những giải đáp cụ thể về vấn đề này.
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đủ điều kiện để giao tài sản; không xác định giá trị để giao tài sản cho các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp huyện quản lý và một số loại hình đơn vị sự nghiệp phục vụ nhu cầu thiết yếu như: giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, cơ sở phòng chống bệnh lao, bệnh phong...
Quá trình thực hiện Thông tư số 12/2012/TT-BTC cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, song phát sinh vướng mắc là nhiều đơn vị sự nghiệp công lập không đủ điều kiện để Nhà nước xác định giá trị tài sản giao cho đơn vị quản lý nhưng có khả năng xã hội hóa, huy động được các nguồn lực của xã hội để cùng đầu tư, khai thác vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, tăng thêm nguồn thu cho đơn vị, tăng cường khả năng tự chủ tài chính, giảm chi từ NSNN, đặc biệt là các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục, thể thao.
Trong thực tế, nhiều đơn vị sự nghiệp (Trường học, Trung tâm thể dục, thể thao, Trung tâm y tế,…) mặc dù Nhà nước đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi thường xuyên nhưng có thể khai thác được tài sản để tạo nguồn thu thông qua việc cho thuê, liên doanh, liên kết (Ví dụ: cho thuê lớp học dạy ngoại ngữ, tin học; cho liên kết đặt thiết bị y tế tại các cơ sở y tế; liên kết xây dựng bể bơi, sân thể thao vừa phục vụ học sinh, các đối tượng chính được sử dụng vừa có thể khai thác dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân, cộng đồng những nhu cầu đính đáng...).
Do vậy, việc đưa một số đơn vị sự nghiệp công lập Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên nhưng tài sản nhà nước được giao có khả năng sử dụng vào mục đích kinh doanh vào nhóm các đơn vị sự nghiệp được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý là hết sức cần thiết để vừa đảm bảo khai thác có hiệu quả tài sản, vừa bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước và là cơ sở để triển khai mô hình tổng kế toán nhà nước sau khi Luật kế toán (sửa đổi) được ban hành.
Đây cũng chính là động lực và nguồn lực quan trọng để các đơn vị hiện được Nhà nước bao cấp vươn lên tự chủ tài chính ở mức độ cao hơn (các địa phương phản ánh, trên thực tế các đơn vị sự nghiệp thuộc loại hình này vẫn đang sử dụng tài sản được Nhà nước giao để cho thuê, liên doanh, liên kết mà Nhà nước không quản lý được do chưa có chính sách).
Bên cạnh đó cũng có ý kiến lo ngại việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sẽ dẫn tới tình trạng cho thuê, cho mượn, sử dụng tài sản vào các mục đích thu lợi cao diễn ra tràn lan. Bộ Tài chính có biện pháp gì để kiểm soát tình trạng này?
Cục Quản lý công sản giải đáp: Trước hết phải khẳng định, việc Nhà nước xác định giá trị TSNN để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý không phải là nguyên nhân của việc cho thuê, cho mượn, sử dụng tài sản vào các mục đích thu lợi cao (thương mại, dịch vụ). Mục tiêu của việc này vừa là để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản hiện có gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển dịch vụ sự nghiệp công, vừa là để Nhà nước có sự kiểm soát đối với việc sử dụng TSNN vào hoạt động kinh doanh đúng mục đích được giao.
Tại Điều 32 Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã đặt ra 4 yêu cầu khi sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết, trong đó yêu cầu tiên quyết là “Không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm”.
Tại các Điều 43, 44, 46 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP đã quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện, thẩm quyền quyết định cho thuê, liên doanh liên kết, xác định giá trị tài sản khi cho thuê, liên doanh liên kết theo giá thị trường, quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh liên kết.
Tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể chế tài đối với các trường hợp vi phạm liên quan đến việc xác định giá trị tài sản, sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh làm ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh liên kết phải đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN để cơ quan quản lý các cấp có thể kiểm soát được việc sử dụng tài sản và số tiền thu được từ việc sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh.