Nâng cao hiệu quả quản lý chi ngân sách cho trẻ em lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề
Chiều 28/12/2021, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) phối hợp tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu các công cụ theo dõi, phân bổ và chi tiêu ngân sách cho trẻ em lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và y tế của một số bộ, ngành, địa phương” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có ông Vũ Đức Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (NSNN); đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính như: Vụ NSNN, Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại và đại diện các bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư; đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu; đại diện Sở Tài chính một số tỉnh (Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, sự quan tâm tới trẻ em của Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã được thể chế hóa và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã nêu rõ: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Luật Trẻ em năm 2016 cũng đã nêu rõ 25 quyền của trẻ em.
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới tham gia vào ký Công ước Quyền trẻ em của Liên Hợp quốc (ngày 20/2/1990) và đang tích cực triển khai thực hiện các cam kết này.
Về nguồn lực tài chính, Luật Trẻ em năm 2016 cũng nêu rõ: Nguồn tài chính thực hiện quyền trẻ em gồm NSNN, ủng hộ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong nước, nước ngoài; nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ; viện trợ quốc tế và các nguồn thu hợp pháp khác.
Đối với nguồn NSNN, trong những năm qua, việc tiếp cận toàn diện các quyền của trẻ em đã được coi trọng và được lồng ghép trong các quy định pháp luật, các chính sách nói chung và chính sách tài chính đối với trẻ em nói riêng, đặc biệt là các chính sách chi NSNN cho trẻ em.
“Để tăng cường sự minh bạch, hiệu quả, công bằng trong chi ngân sách cho trẻ em, việc nghiên cứu các công cụ theo dõi, phân bổ và chi tiêu ngân sách cho trẻ em lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và y tế của một số bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao hiệu quả chi tiêu công cho trẻ em trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và y tế nhằm phát triển trẻ em và đảm bảo các quyền của trẻ em”, ông Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh.
Trên cơ sở ý nghĩa quan trọng đó, ông Nguyễn Như Quỳnh mong muốn, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về những đánh giá tại báo cáo và đặc biệt là xem xét khả năng sử dụng các khuyến nghị trong Báo cáo, nhằm nâng cao hiệu quả chi ngân sách cho trẻ em, góp phần thực hiện tốt việc đảm bảo các quyền của trẻ em.
Trình bày Báo cáo nghiên cứu các công cụ theo dõi phân bổ và chi tiêu cho trẻ em lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề; lĩnh vực y tế của một số bộ, ngành, đại phương, đại diện Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho biết, theo các quy định hiện hành, không có phân loại, thống kê, báo cáo về chi ngân sách riêng cho trẻ em nói chung; chi cho trẻ em lĩnh vực giáo dục, y tế.
Tuy nhiên, mục lục NSNN có phân loại chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo các cấp học và chi thường xuyên lĩnh vực y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình có chi tiết chi y tế dự phòng, chi dân số, kế hoạch gia đình (các nhiệm vụ chi này đối tượng thụ hưởng chủ yếu là trẻ em).
Theo đó, việc theo dõi dòng ngân sách chi cho trẻ em lĩnh vực giáo dục, y tế một mặt tập trung vào theo dõi dòng ngân sách chi cho giáo dục từ cấp trung học phổ thông trở xuống, trung cấp, dạy nghề và chi y tế dự phòng, chi dân số, kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, mặc dù không có phân loại, thống kê, hạch toán một số chính sách chi cụ thể cho đối tượng trẻ em lĩnh vực giáo dục, y tế, nhưng cơ chế quản lý hiện hành cũng cho phép theo dõi các khoản chi này.
Cũng theo đại diện Vụ NSNN, hiện nay, chưa có cơ sở dữ liệu, phần mềm chính thức phục vụ theo dõi chi tiêu ngân sách nói chung, chi cho trẻ em lĩnh vực y tế, giáo dục nói riêng. Tuy nhiên, hệ thống hiện tại cho phép theo dõi phân bổ, chi tiêu ngân sách: (i) Đảm bảo các chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đã ban hành; (ii) Dòng ngân sách đối với các chế độ, chính sách theo đầu đối tượng thụ hưởng.
Trên thực tế, có tình trạng chưa cập nhật dữ liệu, vì vậy, chậm phân bổ cho các cấp ngân sách đối với một số địa phương; không loại trừ tình trạng trùng lặp trong chi tiêu…
Nêu cụ thể hơn về dòng ngân sách phân bổ đối với lĩnh vực giáo dục, đại diện Vụ NSNN cho biết, định mức phân bổ chung theo độ tuổi từ 1-18 tuổi chia theo 4 vùng: Đô thị là 2.148.100 đồng/người dân/năm; Đồng bằng là 2.527.200 đồng/người dân/năm; Miền núi - vùng đồng bào dân tộc ở Đồng bằng, vùng sâu là 3.538.100 đồng/người dân/năm; Vùng cao - hải đảo là 5.054.400 đồng/người dân/năm. Đảm bảo tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập (không kể lương và có tính chất lương) nhỏ hơn 18% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục.
Đối với lĩnh vực y tế, định mức phân bổ theo tiêu chí dân số theo 4 vùng như lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, vùng Đô thị là 182.700 đồng/người dân/năm; vùng Đồng bằng là 246.900 đồng/người dân/năm; vùng Miền núi - vùng đồng bào dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu là 333.300 đồng/người dân/năm; Vùng cao - hải đảo là 469.100 đồng/người dân/năm.
Đối với các chính sách chi theo đầu đối tượng thụ hưởng chưa ổn định, chỉ phát sinh ở một số ít địa phương; các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, thực hiện bổ sung có mục tiêu cho địa phương...
Ngoài các nội dung trên, Báo cáo cũng làm rõ kết quả khảo sát việc sử dụng công cụ theo dõi phân bổ, chi tiêu cho trẻ em tại 4 địa phương được lựa chọn gồm: TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Điện Biên. Trong đó, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng là 2 địa phương tự cân đối được NSNN; Thái Bình, Điện Biên là 2 địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách...
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra một số khuyến nghị về công cụ theo dõi, phân bổ và chi tiêu ngân sách cho trẻ em lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, để nâng cao hiệu quả quản lý chi ngân sách cho trẻ em trong thời gian tới...
Kết luận Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính Nguyễn Như Quỳnh cho biết, qua trao đổi tại hội thảo này, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung của Báo cáo, từ đó, nhóm nghiên cứu tiếp thu tối đa để hoàn thiện Báo cáo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả chi NSNN cho lĩnh vực y tế, giáo dục và dạy nghề trong thời gian tới.