Nâng cao năng lực cạnh tranh thuế để thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam
Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính sách thuế có tác động đến tới nguồn vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu là vốn đầu tư trực tiếp; đồng thời tác động không nhỏ tới việc phân bổ nguồn lực tài chính. Để thu hút nguồn vốn đầu tư thì năng lực cạnh tranh thuế, chính sách thuế có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi quốc gia, Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh đó.
Có thể hiểu, cạnh tranh thuế là việc một nước ban hành chính sách thuế có lợi thế so sánh nhằm thu hút nguồn lực, lao động và các yếu tố kinh tế khác từ bên ngoài vào nước mình hoặc (đồng thời) hạn chế di chuyển các nguồn lực trong nước ra nước ngoài. Có rất nhiều hình thức cạnh tranh về thuế như cắt giảm thuế suất, áp dụng ưu đãi thuế, cho phép chuyển lỗ với thời gian dài, đơn giản và rút ngắn thu tục hành chính thuế…
Hệ thống tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh thuế quốc tế
Hiện nay, Ngân hàng Thế giới (WB) sử dụng các tiêu chí định lượng để đánh giá năng lực cạnh tranh thuế của các nước như sau:
- Tiêu chí 1: Thời gian doanh nghiệp (DN) làm các thủ tục về thuế với nhà nước trung bình trong một năm. Đó là thời gian chuẩn bị, điền hồ sơ và nộp thuế. Thời gian chuẩn bị bao gồm cả thời gian thu thập thông tin cần thiết để tính toán thuế phải nộp. Thời gian điền hồ sơ gồm thời gian hoàn thiện các mẫu biểu và tính toán. Thời gian nộp thuế gồm thời gian thanh toán thuế qua mạng hoặc tại cơ quan thuế, thời gian chờ đợi. Thời gian càng ít thì càng tốt cho DN và nó cũng chứng tỏ thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện.
- Tiêu chí 2: Số lần trung bình DN phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trong một năm. Số lần thanh toán thuế phản ánh số lần thuế được trả, phương pháp thanh toán, tần suất thanh toán. Số lần thanh toán ghi nhận cả thanh toán điện tử. Chỉ tiêu này cành nhỏ thì càng tốt cho DN.
- Tiêu chí 3: Tổng mức thuế suất: Đây là tỷ lệ % giữa tổng thuế và các nghĩa vụ khác DN phải thực hiện với nhà nước trên tổng lợi nhuận kinh doanh.
Ba tiêu chí trên được xếp hạng riêng lẻ cho từng nước theo thứ tự từ thấp đến cao, sau đó sẽ tổng hợp lại thành chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh về thuế giữa các nước bằng cách tính bình quân. Thứ tự càng thấp thì năng lực cạnh tranh thuế càng cao và ngược lại. Ngân hàng Thế giới thông qua công ty kiểm toán KPMG để điều tra, thu thập số liệu từ các công ty có quy mô vừa ở 189 nền kinh tế trên thế giới.
Năng lực cạnh tranh thuế của Việt Nam
Ngân hàng Thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh thuế của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng qua các báo cáo hàng năm (PwC) của tổ chức này. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là có sự thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây về năng lực cạnh tranh thuế. Đặc biệt, khi Việt Nam ngày càng tham gia hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, thực hiện các cam kết về thuế khi ký kết các hiệp định thương mại tự do và đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh. Điều này đã được nhiều tổ chức quốc tế và cộng đồng DN trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương thì các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh thuế của Việt Nam đều ở mức cao hơn, đặc biệt là tiêu chí số giờ tuân thủ về thuế trung bình của một DN còn cao so với yêu cầu của DN. Thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan đã được Bộ Tài chính quyết liệt thực hiện cắt giảm nhưng đòi hỏi của DN cần tiếp tục đơn giản hóa hơn nữa. Đáp ứng yêu cầu này, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều động thái tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế trong thời gian tới, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh.
Đặc biệt, với quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, liên tục từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã có ban hành các Nghị quyết 19 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam. Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh 2017 do Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 9 bậc so với năm 2016. So với bảng xếp hạng năm trước, Việt Nam đã thăng hạng 9 bậc (năm 2016, Việt Nam xếp thứ 91 với điểm số 61,11/100). Đóng góp quan trọng vào sự thăng hạng này là sự cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế cũng như những đổi mới về chính sách thuế theo xu thế hội nhập.
Một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm
Liên tục từ năm 2014 đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó chỉ rõ những định hướng cấp bách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh về thuế. Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã vào cuộc với tinh thần quyết quyết tâm cao và đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam. Tuy nhiên, trước yêu cầu hội nhập đặt ra việc hoàn thiện các công cụ chính sách và quản lý thuế phù hợp cần tiếp tục thực hiện. Theo đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh thuế của Việt Nam, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, cần tiếp tục quan tâm đến một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Rà soát và rút gọn các thủ tục hành chính thuế; các biểu mẫu, thành phần hồ sơ đơn giản; quy định rõ trách nhiệm của từng phòng ban, công chức quản lý thuế trong việc tiếp nhận và giải quyết; bổ sung và sửa đổi các quy định về thuế cho phù hợp với những nội dung thay đổi thủ tục hành chính và giảm tần suất kê khai thuế để giảm gánh nặng tuân thủ cho người nộp thuế.
Thứ hai, tăng cường hỗ trợ người nộp thuế, cần tăng cường hơn nữa việc tổ chức tập huấn chính sách thuế mới cho người nộp thuế; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tư vấn qua đường dây nóng hay hộp thư thoại; khuyến khích phát triển các đại lý thuế.
Thứ ba, thay đổi chính sách thuế theo hướng phù hợp với thông lệ chung của quốc tế như thống nhất một mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; bên cạnh thực hiện lộ trình giảm thuế suất thuế TNDN, cần xây dựng chính sách thuế khuyến khích đặc biệt cho các dự án khởi nghiệp như áp dụng thuế suất thấp, miễn thuế TNDN trong những năm đầu kể từ năm kinh doanh có lãi; thống nhất một phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng chứng khoán…
Thứ tư, hoàn thiện hiện đại hóa quản lý thuế, tập trung xây dựng hạ tầng truyền thông hiện đại, có tính bảo mật cao trong công tác thu thuế; sớm hoàn thiện hệ thống dịch vụ thuế điện tử để triển khai trong các DN; hợp tác và trao đổi thông tin với các tổ chức quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình Luật thuế, Đại học luật TP Hồ Chí Minh, NXB Hồng Đức, 2016;
2. Sử Đình Thành và cộng sự (2015), Cải cách hệ thống thuế Việt Nam theo cam kết hội nhập đến năm 2020, Tạp chí Phát triển kinh tế, 26 (3), 02-26;
3. Các website: gdt.gov.vn, mof.gov.vn; cafef.vn,…