Ngành Hải quan:
Nhiều giải pháp chống thất thu qua mã giá
Năm 2020, ngành Hải quan xác định tăng cường kiểm tra có trọng điểm, tập trung vào hàng hóa, doanh nghiệp (DN) có rủi ro thất thu thuế, đồng thời dỡ bỏ kiểm tra đối với hàng hóa, DN có độ rủi ro thấp. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác chống thất thu ngân sách nhà nước.
Tập trung trọng điểm
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan thường xuyên ban hành danh mục các mặt hàng có rủi ro về trị giá hải quan làm cơ sở để các đơn vị hải quan lựa chọn hồ sơ kiểm tra trị giá hải quan ngay khi DN làm thủ tục XNK hàng hóa, từ đó phát hiện các trường hợp khai sai trị giá hải quan, thực hiện thu đủ thuế cho NSNN.
Theo đó, ngành Hải quan đã tích cực xây dựng Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam tuân thủ theo Danh mục HS, Danh mục AHTN trong đó có sửa đổi, cập nhật, quy định cụ thể tiêu chí phân loại cho những hàng hóa dễ lẫn, khó phân loại để tránh gian lận trong khai báo, xác định mã số hàng hóa XNK;
Xây dựng Danh mục hàng hóa XNK rủi ro về phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế để tập trung như: kiểm tra việc phân loại đối với mặt hàng dễ lẫn, khó phân loại để nhằm ngăn chăn việc khái báo vào mã số có mức thuế suất thấp; kiểm soát đối với những mặt hàng có tính rủi ro cao về mã số; tập trung kiểm soát việc sử dụng C/O để áp dụng mức thuế suất tại các Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt để ngăn ngừa việc khai báo cho các mặt hàng không được hưởng ưu đãi nhưng vẫn áp dụng C/O để được hưởng mức thuế suất ưu đãi thấp.
Song song đó, Tổng cục Hải quan đã thực hiện kiểm tra trị giá hải quan theo 7 chuyên đề chuyên sâu đối với các mặt hàng: khoáng sản XK, rượu, nhôm, sợi, đai ốc NK,quặng sắt XK…
Tổng cục Hải quan cũng tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tập trung để tra cứu, thống nhất trong thực hiện phân loại. Thường xuyên rà soát mã số, mức thuế do DN khai báo trên cơ sở dữ liệu quản lý tập trung để phát hiện các trường hợp gian lận trong khai báo về mã số và mức thuế, ấn định và thu đủ thuế theo quy định...
Một trong những giải pháp được đặt ra và ngành Hải quan đã triển khai hiệu quả trên toàn quốc là tập trung kiểm tra theo mã số hàng hóa, kiểm tra trị giá hàng hóa đối với các hàng hóa có dấu hiệu rủi ro và KTSTQ đối với các DN có dấu hiệu rủi ro cao.
Từ đầu năm đến nay, toàn lực lượng kiểm tra sau thông quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.161 cuộc, trong đó có 346 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 815 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan, với tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 931,34 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền là 870,71 tỷ đồng.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra, trong 10 tháng đầu năm, toàn Ngành đã tiến hành 200 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó thanh tra chuyên ngành 29 cuộc; kiểm tra nội bộ 171 cuộc với tổng số tiền kiến nghị truy thu thuế và xử phạt là hơn 73.90 tỷ đồng, đã thu nộp NSNN hơn 91.4 tỷ đồng (bao gồm số thu lũy kế năm 2019).
Trong 10 tháng đầu năm, toàn Ngành đã nộp NSNN đạt khoảng 1.975 tỷ đồng từ các giải pháp chống thất thu (như thu hồi nợ thuế, thu từ công tác kiểm tra sau thông quan, chống buôn lậu, chống thất thu qua công tác xác định lại mã số, trị giá hàng hóa...).
Để có được kết quả trên, Tổng cục Hải quan đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin (CNTT) trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra từ đầu năm.
Quyết liệt các giải pháp
Để phấn đấu thu nộp NSNN ở mức cao nhất, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn xác định, kê khai trị giá hải quan đối với hàng hóa XNK; thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức hải quan và DN trong lĩnh vực trị giá hải quan; tăng cường ứng dụng CNTT, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý trong nước, thu thập và xác minh thông tin trị giá hàng hóa từ Hải quan các nước.
Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, trong đó tập trung vào các mặt hàng có trị giá lớn, thuế suất cao, hàng hoá NK của các DN từ các thị trường có nghi vấn; hàng hoá khai giảm giá, mức giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu, hàng hoá khai báo thuế suất ưu đãi đặc biệt, khai thuộc đối tượng miễn thuế, hoàn thuế; hàng hoá khai sai loại hình sau đó đề nghị thanh khoản hoàn thuế...
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng áp dụng kiểm tra tham vấn giá gián tiếp qua hệ thống CNTT đối với hàng hóa XNK của DN có độ rủi ro thấp và áp dụng tham vấn một lần, sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần đối với DN XNK hàng hóa nhiều tiến tới giảm dần số lượng mặt hàng phải kiểm tra, tham vấn giá trong khi làm thủ tục hải quan, chuyển dần sang kiểm tra theo đối tượng, DN và các chuyên đề. Đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, xác định hàng hóa và DN trọng điểm rủi ro trong lĩnh vực trị giá hải quan.