Nhiều giải pháp với doanh nghiệp "chây ỳ" nghĩa vụ thuế với Nhà nước
Theo Tổng cục Hải quan, đối với trường hợp các doanh nghiệp chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, cơ quan hải quan đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế theo Luật Quản lý thuế, trong đó có biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Tổng cục Hải quan cho biết, quyết định dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp căn cứ theo Luật Quản lý thuế, Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP.
Thực tế cho thấy, nợ thuế của ngành Hải quan xuất phát từ việc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động khi Nhà nước cho phép nợ thuế xuất nhập khẩu. Đến ngày 1/7/2007, thực hiện Luật Quản lý thuế năm 2006 vẫn cho phép nợ thuế (trừ hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu), như hàng hóa xuất khẩu được nợ thuế 30 ngày; hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được nợ thuế tới 275 ngày; hàng hoá tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập được nợ thuế 15 ngày; hàng hóa nhập khẩu khác được nợ thuế 30 ngày.
Lợi dụng kẽ hở này, không ít doanh nghiệp đã chây ỳ, thậm chí bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp sau khi xuất khẩu, nhập khẩu được nợ thuế gặp khó khăn về tài chính, nên không có nguồn để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Trước tồn tại đó, bên cạnh biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp nợ thuế, cơ quan hải quan còn áp dụng song song nhiều giải pháp để thu hồi nợ thuế như: thực hiện tra soát tài khoản ngân hàng đối với doanh nghiệp nợ thuế và yêu cầu ngân hàng nơi doanh nghiệp nợ thuế mở tài khoản phải trích tài khoản của doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước...
Trong trường hợp đã áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan nếu doanh nghiệp vẫn chây ỳ, cơ quan Hải quan sẽ thông báo với cơ quan thuế để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp dừng hóa đơn; đề nghị cơ quan kế hoạch - đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề; thậm chí, sử dụng biện pháp mạnh là kê biên tài sản, tịch thu và tổ chức bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ...
Tính từ tháng 10 đến nay, cơ quan hải quan đã liên tiếp ban hành các quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan trên toàn quốc đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thậm chí áp dụng cả biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp chây ỳ đóng thuế.
Điển hình như, đầu tháng 10 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3, Cục Hải quan Hải Phòng đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan trên toàn quốc đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của 4 doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội, Nghệ An, Bắc Ninh do các doanh nghiệp nợ thuế hơn 3,4 tỷ đồng.
Ngày 2/11/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3, Cục Hải quan Hải Phòng tiếp tục ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan trên toàn quốc đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của 5 doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh do không chấp hành thông báo về tiền nợ thuế và tiền chậm nộp thuế.
Mới đây nhất, ngày 17/11, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 vừa ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của 3 doanh nghiệp chây ỳ đóng thuế. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với các đại diện công ty này là 3 năm kể từ ngày ban hành quyết định.