Phương hướng vận dụng kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp chế biến gỗ
Kế toán trách nhiệm có vai trò quan trọng trong công tác kiểm soát và đánh giá hiệu quả của từng bộ phận trong doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay việc vận dụng kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp chế biến gỗ chưa được chú trọng.
Bài viết đánh giá thực trạng vận dụng kế toán trách nhiệm tại các doanh nghiệp chế biến gỗ ở nước ta và đưa ra một số phương hướng vận dụng nghiệp vụ này trong thời gian tới.
Sơ lược về ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam
Công nghiệp chế biến gỗ là ngành hàng xuất khẩu chủ lực đứng thứ 5 của Việt Nam (sau dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản). Theo Báo cáo "Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ năm 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019”, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2018 đạt 8,476 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2017. Trong 5 thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2018, đứng đầu là Mỹ (với kim ngạch 3,6 tỷ USD) chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, lần lượt tiếp theo là Nhật Bản (kim ngạch 1,1 tỷ USD) chiếm 13%, Trung Quốc (1,1 tỷ USD) chiếm 12%, Hàn Quốc bằng với EU (cùng đạt 785 triệu USD) chiếm 9%. Chất lượng sản phẩm đồ gỗ Việt Nam ngày càng được nâng cao, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay, dù tăng trưởng mạnh nhưng ngành chế biến gỗ chưa có được sự phát triển bền vững.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ có quy mô đa phần là nhỏ. Để tồn tại và phát triển, đủ sức cạnh tranh với các nước trên trị trường, các DN chế biến gỗ cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về sản phẩm khi xuất khẩu. Muốn như vậy, các DN chế biến gỗ Việt Nam phải có phương thức quản lý tốt từ khâu đầu vào đến sản xuất và tiêu thụ, tạo uy tín về thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm. Một trong những công cụ quản lý và kiểm soát hiệu quả hiện nay cho các DN là hệ thống kế toán trách nhiệm. Kế toán trách nhiệm là hệ thống kế toán tập hợp kết quả theo từng lĩnh vực, phạm vi khác nhau do một nhà quản trị chịu trách nhiệm giám sát và đánh giá kết quả theo từng bộ phận trong tổ chức.
Kế toán trách nhiệm được coi là một trong những công cụ tài chính hữu ích cho việc kiểm soát và điều hành hoạt động kinh doanh của các nhà quản trị trong DN. Việc chú ý thực hiện nội dung kế toán trách nhiệm, sẽ giúp DN phát huy tối đa nguồn lực hiện có và phát triển một cách bền vững.
Thực trạng kế toán trách nhiệm tại các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam
Mặc dù, kế toán trách nhiệm có vai trò quan trọng trong công tác kiểm soát và đánh giá hiệu quả của từng bộ phận trong DN, tuy nhiên hiện nay, kế toán trách nhiệm vẫn chưa được các DN chế biến gỗ chú trọng. Có thể nói, kế toán trách nhiệm trong phần lớn các DN chế biến gỗ Việt Nam hiện nay chưa được thiết lập và thực hiện. Một số DN quy mô lớn có xây dựng các trung tâm trách nhiệm nhưng chưa thực sự rõ ràng và còn chồng chéo như giữa trung tâm doanh thu, trung tâm lợi nhuận và trung tâm đầu tư. Trách nhiệm của các nhà quản lý mỗi trung tâm chưa được đánh giá thông qua hệ thống các chỉ tiêu phản ánh kết quả bộ phận như lợi nhuận bộ phận, tỷ lệ lợi nhuận bộ phận.
Theo nghiên cứu của tác giả, các DN chế biến đồ gỗ hiện nay xác định giá thành sản xuất sản phẩm theo phương pháp xác định chi phí thực tế, kết hợp 2 phương pháp kế toán chi phí theo công việc và theo quá trình sản xuất. Các DN đều theo dõi các chi phí nguyên vật liệu và chi phí nhân công trực tiếp cho từng loại sản phẩm hoặc từng đơn hàng sản xuất trong kỳ, còn chi phí sản xuất chung sẽ được tập hợp và phân bổ theo tiêu thức nhất định. Tuy nhiên, xét trên góc độ kế toán quản trị, các cách phân loại chi phí hiện nay trong các DN chế biến đồ gỗ về cơ bản chưa đáp ứng được các yêu cầu cung cấp thông tin của quản trị nội bộ. Đa số các DN chế biến gỗ mới chỉ được phân loại chi phí sản xuất kinh doanh để phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính. Một số DN dù đã phân loại chi phí theo mức độ hoạt động thành biến phí và định phí nhưng chỉ dừng lại ở mức độ kiểm soát chi phí, thống kê tỷ trọng của biến phí và định phí trong tổng chi phí. Chưa tách biệt được định phí trực tiếp của từng bộ phận và định phí chung, chính vì vậy báo cáo bộ phận hay báo cáo kết quả kinh doanh của từng bộ phận chưa được lập. Ngoài ra, phần lớn các DN chế biến gỗ chưa xây dựng hệ thống định mức và lập dự toán chi phí sản xuất kinh doanh.
Hệ thống chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả của các trung tâm trách nhiệm tại các DN chế biến gỗ chưa được xây dựng. Các DN chế biến gỗ mới quan tâm đến chỉ tiêu chi phí, doanh thu và lợi nhuận thực hiện, chưa phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến các chỉ tiêu đó.
Phương hướng vận dụng kế toán trách nhiệm trong các doanh ngiệp chế biến gỗ Việt Nam
Để kế toán trách nhiệm được vận dụng hiều hơn trong các DN chế biến gỗ, các nội dung cần tập trung thực hiện gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý để thiết lập các trung tâm trách nhiệm trong các DN chế biến gỗ.
Bản chất của kế toán trách nhiệm là mỗi bộ phận được phân cấp quản lý trong bộ máy quản lý có quyền kiểm soát, chỉ đạo quản lý và chịu trách nhiệm về những hoạt động riêng biệt thuộc phạm vi phân cấp quản lý của mình. Các trung tâm trách nhiệm tạo ra mối liên hoàn trong hệ thống quản lý. Vì thế, kế toán trách nhiệm chỉ được thực hiện ở DN có cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý được phân quyền một cách rõ ràng. Thông thường mỗi tổ chức có 4 trung tâm trách nhiệm, bao gồm: trung tâm chi phí, trung tâm doanh thu, trung tâm lợi nhuận, và trung tâm đầu tư.
- Trung tâm chi phí: Đây là trung tâm có trách nhiệm về chi phí đầu vào của DN. Mục tiêu của trung tâm trách nhiệm chi phí là giúp DN tối thiểu hóa chi phí. Đầu vào của trung tâm là các chỉ tiêu phản ánh các yếu tố sản xuất như chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, tình hình sử dụng máy móc thiết bị… Đầu ra của trung tâm chi phí sẽ được xác định dựa trên các chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh như số lượng sản phẩm sản xuất, chất lượng sản phẩm, các chỉ tiêu chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm…
- Trung tâm doanh thu: Trung tâm này thường phát sinh ở các bộ phận tạo ra doanh thu cho DN. Trung tâm doanh thu trong các DN chế biến gỗ là phòng kinh doanh, bộ phận bán hàng, của hàng bán hàng và giới thiệu sản phẩm... Người đứng đầu trung tâm doanh thu chỉ chịu trách nhiệm về doanh thu mà không chịu trách nhiệm về lợi nhuận hay chi phí sản xuất, chi phí bán hàng… Mục tiêu của trung tâm doanh thu là tối đa hóa doanh thu thông qua việc quyết định giá bán của sản phẩm, lượng tiêu thụ của từng mặt hàng, phương thức, chính sách bán hàng…
- Trung tâm lợi nhuận: Là một trung tâm trách nhiệm mà trong đó người quản lý của trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm cả về chi phí và doanh thu cũng như chênh lệch giữa đầu ra và đầu vào chính là lợi nhuận, nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận. Tại các DN chế biến gỗ, trung tâm lợi nhuận có thể là các chi nhánh, đại lý phân phối, cửa hàng… Mục tiêu của trung tâm lợi nhuận là tối đa hóa lợi nhuận, do vậy trách nhiệm của trung tâm lợi nhuận không chỉ dừng ở tăng doanh thu mà có trách nhiệm về tiết kiệm chi phí.
- Trung tâm đầu tư: Là trung tâm mà ở đó nhà quản lý chịu trách nhiệm cả về doanh thu, chi phí và xác định vốn hoạt động cũng như các quyết định đầu tư vốn. Nhà quản trị của trung tâm đầu tư có trách nhiệm trong việc lập kế hoạch, tổ chức và kiểm soát mọi hoạt động sản xuất kinh doanh kể cả việc đầu tư trong DN. Vì vậy, trung tâm đầu tư được gắn với cấp quản lý cao nhất của DN như hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban giám đốc... Cơ sở để xác định một bộ phận trong một tổ chức là trung tâm trách nhiệm gì đều phải căn cứ trên cơ sở nguồn lực, trách nhiệm, quyền hạn mà nhà quản lý đó được giao. Do vậy, việc phân biệt rõ ràng các trung tâm trách nhiệm trong một DN chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc vào quan điểm nhà quản trị cấp cao nhất.
Thứ hai, xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá các trung tâm trách nhiệm.
Tương ứng với các trung tâm trách nhiệm, nhà quản trị cấp cao đánh giá hoạt động của các trung tâm trách nhiệm theo các chỉ tiêu về chi phí, doanh thu, lợi nhuận hay hệ thống định mức, dự toán. Để đảm bảo việc đánh giá đúng, đầy đủ, hợp lý và chính xác, đòi hỏi DN phải có hệ thống các chỉ tiêu nội bộ tiêu chuẩn về chi phí, doanh thu, lợi nhuận phù hợp với từng trung tâm trách nhiệm. Các chỉ tiêu thường được so sánh giữa thực tế với kế hoạch (dự toán). Phương pháp so sánh thường được sử dụng trong đánh giá tính hiệu quả của các trung tâm trách nhiệm nhằm nghiên cứu sự biến động, mức độ hoàn thành của các chỉ tiêu chi phí, doanh thu, lợi nhuận. Một số chỉ tiêu tài chính có thể được sử dụng trong các DN chế biến gỗ như sau:
- Đối với trung tâm chi phí: Các chỉ tiêu phản ánh chi phí, giá thành sản xuất sản phẩm theo từng loại/ nhóm sản phẩm, từng trung tâm chi phí và toàn DN.
- Đối với trung tâm doanh thu: Các chỉ tiêu doanh thu theo từng loại/nhóm, lô sản phẩm sản xuất; doanh thu xuất khẩu sản phẩm theo từng lô hàng, theo từng thịtrường trong nước vàquốc tế; doanh thu từng đại lý, chi nhánh.
- Đối với trung tâm lợi nhuận: Các chỉ tiêu phản ánh sự biến động của lợi nhuận theo từng loại/nhóm sản phẩm, hay từng lô hàng xuất khẩu.
- Đối với trung tâm đầu tư: Các chỉ tiêu phản ánh sức sinh lời của vốn, tỷ suất hoàn vốn đầu tư, khảnăng hoàn vốn đầu tư của từng trung tâm và của toàn DN.
Thứ ba, thiết lập hệ thống báo cáo kế toán trách nhiệm tại các DN chế biến gỗ.
Thông qua hệ thống báo cáo kế toán trách nhiệm, nhà quản trị có các thông tin hữu ích, phù hợp trong việc đánh giá hiệu quả, trách nhiệm của từng trung tâm trách nhiệm. Tùy vào nhu cầu thông tin của nhà quản trị cũng như chức năng, nhiệm vụ của từng trung tâm trách nhiệm, hệ thống báo cáo kế toán trách nhiệm được thiết kế phù hợp, đảm bảo việc đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin một cách kịp thời, linh hoạt cho nhà quản trị. Một số báo cáo kế toán trách nhiệm có thể được thiết lập tại các DN chế biến gỗ như:
- Đối với trung tâm chi phí: Báo cáo tình hình thực hiện chi phí, giá thành sản phẩm.
- Đối với trung tâm doanh thu: Báo cáo tình hình thực hiện doanh thu.
- Đối với trung tâm lợi nhuận: Báo cáo kết quả kinh doanh theo lợi nhuận góp.
- Đối với trung tâm đầu tư: Báo cáo kết quả kinh doanh theo lợi nhuận góp, lợi nhuận gộp, lợi nhuận thuần…
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, các DN cần xây dựng cách thức quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần tăng trưởng bền vững. Kế toán trách nhiệm là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu trong việc hỗ trợ quá trình kiểm soát và đánh giá hiệu quả của từng bộ phận và toàn DN. Hệ thống kế toán trách nhiệm nếu được xây dựng thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho DN. Nó không chỉ giúp nhà quản lý kiểm soát hoạt động của các bộ phận mà còn cung cấp thông tin hữu ích cho nhà quản lý trong việc hoạch định các chiến lược kinh doanh của DN. Vì vậy, các DN sản xuất nói chung và các DN chế biến gỗ nói riêng cần khai thác và vận dụng kế toán trách nhiệm nhằm phát huy tối đa các nguồn lực trong DN.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Quang Ngọc (2013), Kế toán quản trị DN, NXB Đại học Kinh tế quốc dân;
2. Nguyễn Thị Phương Hoa (2009), Kiểm soát quản lý, NXB Đại học Kinh tế quốc dân;
3. Phạm Văn Dược, Phạm Xuân Thành, Trần Phước, Trần Văn Tùng (2010), Mô hình báo cáo đánh giá trách nhiệm quản trị công ty niêm yết, NXB Phương Đông;
4. Vũ Thùy Dương (2017), Vận dụng thẻ điểm cân bằng đánh giá hiệu quả hoạt động trong các DN may Việt Nam, Luận văn Tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.