Quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế

Gia Hân

Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện Nghị định số 24/2016/NĐ-CP (tình từ ngày 01/01/2017), Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, công tác quản lý NQNN đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, đã tạo cơ sở pháp lý giúp quản lý NQNN đảm bảo tập trung, thống nhất, đáp ứng mục tiêu quản lý NQNN an toàn, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đảm bảo việc quản lý NQNN công khai, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường
Đảm bảo việc quản lý NQNN công khai, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường

Theo đó, KBNN đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung để thống nhất toàn bộ số dư NQNN từ các địa phương về Trung ương và gửi toàn bộ tại Ngân hàng Nhà nước (không còn số dư tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại vào cuối ngày làm việc).

Từ đó, làm cơ sở cho việc điều hành NQNN tập trung, thống nhất, nâng cao khả năng thanh khoản, đáp ứng kịp thời, đầy đủ mọi nhu cầu thanh toán, chi trả của ngân sách nhà nước (NSNN) và các đơn vị giao dịch.

Đại diện Cục Quản lý ngân quỹ cho hay, NQNN tạm thời nhàn rỗi đã được sử dụng có hiệu quả và được ưu tiên sử dụng để cho ngân sách trung ương (NSTW) tạm ứng, vay. Từ đó, kịp thời đáp ứng được nhu cầu cân đối của NSTW trong bối cảnh NSTW cơ cấu lại nợ vay theo hướng giảm nợ vay nước ngoài, tăng huy động từ nguồn vay trong nước. Đồng thời, giảm chi phí vay của NSTW (do lãi suất vay NQNN thấp hơn so với lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường) và hỗ trợ công tác phát hành trái phiếu chính phủ khi thị trường gặp yếu tố bất lợi.

Bên cạnh đó, KBNN cũng đã sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách địa phương tạm ứng, giúp địa phương đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu thanh toán, chi trả (đặc biệt là các nhu cầu chi cho an sinh xã hội...) khi nguồn thu chưa tập trung kịp.

Đối với nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để gửi có kỳ hạn tại NHTM và mua lại có kỳ hạn TPCP, KBNN đã tổ chức đấu thầu cạnh tranh lãi suất giữa các NHTM có mức độ an toàn cao để gửi có kỳ hạn NQNN và mua bán lại TPCP, đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch.

Cục Quản lý ngân quỹ cho biết, việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại và mua bán lại trái phiếu chính phủ cũng là thông lệ chung về quản lý ngân quỹ theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả của các nước trên thế giới. Đây là những hình thức đầu tư NQNN phổ biến tại các nước như Hoa Kỳ, Canada, Chile, Trung Quốc, Mexico, Peru, Nam Phi, Tây Ban Nha,... và đặc biệt phù hợp với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Thông qua việc quản lý hiệu quả NQNN, đến nay, KBNN đã đóng góp gần 16.600 tỷ đồng vào NSNN.

Ngoài ra, quản lý NQNN được gắn kết chặt chẽ với công tác quản lý nợ. Trong bối cảnh tồn NQNN tại KBNN cao do một số nguồn chưa chi như nguồn thực hiện cải cách tiền lương, nguồn tăng thu tiết kiệm chi chưa được phân bổ, chuyển nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo Luật Đầu tư công…, Bộ Tài chính đã chủ động giảm khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ và sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi để cho NSTW vay; theo đó, đã giúp NSTW giảm được chi trả lãi vay hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, Cục Quản lý ngân quỹ cho biết, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý NQNN như gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại theo phương thức đấu thầu điện tử, ký phụ lục hợp đồng gửi tiền điện tử; đấu thầu mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ trên hệ thống giao dịch công cụ nợ của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội… đã góp phần đảm bảo việc quản lý NQNN được công khai, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường.