Quy định mới về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm từ nguồn vốn viện trợ

Hà Anh

Điều 9, Thông tư số 23/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định rõ về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm từ nguồn vốn viện trợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 6/4/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu NSNN. 

Theo Điều 9, Thông tư số 23/2022/TT-BTC, nội dung đề xuất bố trí dự toán do cơ quan chủ quản lập gồm: Kế hoạch giải ngân vốn viện trợ của từng chương trình, dự án, khoản viện trợ, bao gồm chương trình, dự án, khoản viện trợ phát sinh trong năm và chương trình, dự án, khoản viện trợ chuyển tiếp từ năm trước sang.

Đối với các chương trình, dự án, khoản viện trợ kéo dài nhiều năm, nêu rõ tổng mức vốn viện trợ được phê duyệt, lũy kế số vốn viện trợ dự kiến thực hiện đến đầu kỳ năm dự toán, tiến độ thực hiện của chương trình, dự án, khoản viện trợ trong năm dự toán.

Nguồn và cơ cấu dự toán gồm chi thường xuyên, chi đầu tư công, chi đầu tư vốn cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc chi khác; tách theo nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương (bao gồm cả chi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp tỉnh), nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh từ nguồn viện trợ.

Về đánh giá khả năng thực hiện dự toán, thuyết minh chi tiết theo từng khoản viện trợ, từng chương trình, dự án; tổng số vốn viện trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số vốn đã giải ngân lũy kế đến đầu kỳ giai đoạn dự toán, số vốn chưa giải ngân, dự kiến các hoạt động và kinh phí cần chi tiêu trong kỳ dự toán; đánh giá kết quả thực hiện dự toán được giao của 2 năm gần nhất đối với các chương trình, dự án có thời gian thực hiện trên 2 năm tính đến năm dự toán; đánh giá tiến độ dự kiến của chương trình, dự án năm dự toán.

Đối với viện trợ thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương, cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đối với khoản chi đầu tư, gửi Bộ Tài chính tổng hợp đối với khoản chi thường xuyên và chi khác (nếu có) để tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách trung ương theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với viện trợ thuộc nguồn thu của ngân sách cấp tỉnh, cơ quan chủ quản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đối với khoản chi đầu tư, gửi Sở Tài chính tổng hợp đối với khoản chi còn lại để tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách cấp tỉnh theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Sau khi dự toán chi NSNN hàng năm được cấp có thẩm quyền giao, trước ngày 31/12 hằng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, UBND cấp tỉnh phải hoàn thành việc giao dự toán ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc đến từng chương trình, dự án đảm bảo trong phạm vi tổng dự toán chi được cấp có thẩm quyền giao, gửi Bộ Tài chính (vốn chi thường xuyên), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (vốn chi đầu tư) đối với khoản viện trợ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương; gửi Sở Tài chính (vốn viện trợ chi thường xuyên), Sở Kế hoạch và Đầu tư (vốn viện trợ chi đầu tư) đối với khoản viện trợ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh để theo dõi, quản lý.

Đối với các khoản viện trợ phát sinh sau thời điểm trình dự toán, căn cứ khả năng thực hiện chi NSNN, cơ quan chủ quản lập dự toán bổ sung gửi cơ quan tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về NSNN để làm cơ sở hạch toán, quyết toán thu, chi NSNN.

Theo quy định của Thông tư số 23/2022/TT-BTC, việc đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán thu, chi NSNN vốn viện trợ phải đảm bảo khả năng thực hiện của chủ chương trình, dự án, phi dự án.

Đối với các khoản viện trợ bằng hàng hóa, hiện vật hoặc công trình chìa khóa trao tay do bên cung cấp viện trợ thực hiện tại Việt Nam và bàn giao cho cơ quan tiếp nhận phía Việt Nam, trường hợp tại thời điểm tiếp nhận bàn giao hàng hóa, hiện vật, công trình chưa có dự toán thu, chi NSNN được cấp có thẩm quyền quyết định, cơ quan chủ quản của khoản viện trợ lập đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán thu, chi NSNN theo quy định của Luật NSNN để thực hiện việc hạch toán ghi thu, ghi chi NSNN.

Ngoài quy định trên, Thông tư số 23/2022/TT-BTC cũng nêu rõ việc hủy dự toán hoặc chuyển nguồn dự toán. Cụ thể, việc hủy dự toán đối với số dư dự toán không sử dụng và/hoặc chưa xác định nhiệm vụ chi cụ thể sau khi kết thúc thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN.

Đối với khoản dự toán vốn viện trợ đã xác định nhiệm vụ chi cụ thể, đã tổ chức thực hiện nhưng chưa hoàn thành trong năm dự toán, đủ điều kiện được chuyển nguồn theo quy định của pháp luật về NSNN:

Bộ Tài chính xác nhận số dự toán được chuyển nguồn đối với dự toán chi ngân sách trung ương, Sở Tài chính xác nhận số dự toán được chuyển nguồn đối với dự toán chi của ngân sách cấp tỉnh của các chương trình, dự án để làm cơ sở thực hiện dự toán, thẩm tra và quyết toán chi NSNN.

Thông tư số 23/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2022, thay thế Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 21/12/2010 và bãi bỏ Thông tư số 109/2007/TT-BTC ngày 10/9/2007.