Quy định mới về quản lý tiền từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản

Hà Anh

Từ ngày 1/4/2022, việc quản lý tiền từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2022/TT-BTC ngày 9/12/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp (DN), đơn vị sự nghiệp công lập và theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điều 9 Thông tư số 07/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính nêu rõ, Công ty Mua bán nợ Việt Nam thực hiện quản lý tiền thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản loại trừ đã tiếp nhận theo quy định tại Điều lệ, Quy chế tài chính của Công ty.

Theo đó, Công ty Mua bán nợ Việt Nam trích 30% số tiền từ thu hồi nợ, bán tài sản đã tiếp nhận, nhận đền bù tài sản trên đất khi thu hồi đất để lại cho Công ty sử dụng nhằm bù đắp các chi phí phát sinh có liên quan như: Tiếp nhận, tổ chức thu hồi, quản lý, khai thác, xử lý nợ và tài sản, chi phí định giá, đấu giá và các chi phí khác có liên quan.

Đồng thời, trích 10% số tiền thu hồi nợ, xử lý tài sản tiếp nhận để chuyển trả DN nhằm bù đắp các chi phí quản lý, giữ hộ tài sản, thu hộ nợ, phối hợp, hỗ trợ để nhận đền bù tài sản trên đất khi thu hồi đất.

Trường hơp đưa tài sản tiếp nhận vào khai thác thì thanh toán chi phí giữ hộ tài sản theo thực tế kể từ ngày ký Biên bản bàn giao nhưng không quá 10% giá trị thẩm định của tổ chức có chức năng thẩm định giá khi đưa tài sản vào khai thác.

Đối với tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trường hợp nguồn thu từ xử lý nợ và tài sản theo chỉ định không đủ để bù đắp chi phí thu hồi, xử lý nợ và tài sản, Công ty Mua bán nợ Việt Nam báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu của tổ chức có nợ và tài sản bàn giao xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định trong trường hợp vượt thầm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Trường hợp Công ty Mua bán nợ Việt Nam tiếp nhận tài sản theo chỉ định để xử lý, thu hồi cho Nhà nước thì được hưởng phí xử lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tài chính theo từng trường hợp cụ thể trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí xử lý tài sản cộng một phần chi phí quản lý.

Số tiền còn lại sau khi trừ các khoản được chi theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 được nộp về ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP.

Trường hợp số tiền phải nộp dưới 100 triệu đồng theo từng lần phát sinh, Công ty Mua bán nợ Việt Nam tập hợp và nộp theo tháng.

Về xử lý tiền thu hồi, xử lý nợ và tài sản trước khi bàn giao cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam, Thông tư số 07/2022/TT-BTC nêu rõ, đối với tiền thu từ thu hồi nợ và xử lý tài sản loại trừ trước khi bàn giao cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam, DN, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm nộp về Công ty Mua bán nợ Việt Nam trong thời gian 5 ngày làm việc từ ngày thu được tiền.

Đối với tiền thu được từ thu hồi nợ và xử lý tài sản loại trừ theo quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án, căn cứ số tiền thực tế thu hồi được, DN, đơn vị sự nghiệp công lập nộp về Công ty Mua bán nợ Việt Nam trong thời hạn 5 ngày làm việc từ ngày thu được tiền.

Trường hợp DN, đơn vị sự nghiệp công lập thanh toán đủ nợ gốc trong vòng 12 tháng kể từ ngày DN cam kết trả hết nợ gốc thì Công ty Mua bán nợ Việt Nam xem xét xóa nợ lãi chậm nộp sau khi DN trả hết nợ gốc theo cam kết.

Đối với các DN, tổ chức có nợ đã ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản, sau khi có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, quyết định phá sản của Tòa án, Công ty Mua bán nợ Việt Nam thực hiện theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán đối với số tiền thu từ thu hồi xử lý theo quy định tại khoản 9 Điều 7 Thông tư này.

Trường hợp DN, đơn vị sự nghiệp công lập thu được tiền từ thu hồi nợ và xử lý tài sản lại trừ trong thời gian từ thời điểm xác định giá trị DN, đơn vị sự nghiệp công lập đến trước ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố giá trị DN, đơn vị sự nghiệp công lập thì DN có trách nhiệm nộp về Công ty Mua bán nợ Việt Nam trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố giá trị DN, đơn vị sự nghiệp công lập.

Trường hợp chậm nộp, DN, đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu thêm tiền lãi theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

Thông tư số 07/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022 và thay thế Thông tư số 55/2019/TT-BTC ngày 21/8/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DN nhà nước.