Sẵn sàng các phương án điều hành giá, kiểm soát lạm phát
Xác định những nguy cơ và yếu tố tác động tới công tác điều hành giá là rất lớn và có những yếu tố gần như không thể lường trước được, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp cùng các Bộ, ngành xây dựng các kịch bản và sẵn sàng các giải pháp điều hành giá linh hoạt.
Chủ động bám sát diễn biến giá cả thị trường
Dù kết quả kiểm soát lạm phát của năm 2021 đã đạt kết quả tích cực, khả quan, tuy nhiên, Bộ Tài chính không chủ quan, luôn sẵn sàng các phương án điều hành giá ngay từ đầu năm 2022.
Theo ông Nguyễn Xuân Định - Phó trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những nguy cơ và yếu tố tác động tới công tác điều hành giá được xác định là rất lớn và có những yếu tố gần như không thể lường trước được.
Ông Định dẫn chứng như xung đột giữa Nga và Ukraina, hay như giá xăng dầu là không thể đoán định được. Bình quân tháng 1 giá xăng dầu thành phẩm chỉ 9USD thì vừa qua giá xăng dầu thành phẩm đã vượt mức 130 USD. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng nguyên liệu thành phẩm đều đang tăng mạnh. Đây là một trong những yếu tố rủi ro cao nhất đến lạm phát.
Đáng chú ý là tình hình chung của lạm phát trên thế giới cao như các nước Châu Âu hiện lạm phát đều vượt 5%. Nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam có thể phải nhập khẩu lạm phát bởi lẽ Việt Nam là với nước có mức nhập khẩu hàng hóa và độ mở lớn.
Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kịch bản điều hành giá và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, Bộ Tài chính dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 2-2,1% và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại của năm 2022, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
Sẵn sàng các giải pháp điều hành giá
Kiểm soát lạm phát có vai trò quan trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, trong những tháng tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đến hết quý II/2022, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc hệ thống để đẩy mạnh thực hiện.
Đặc biệt, đối với mặt hàng xăng dầu, giá dầu thế giới đã có dấu hiệu chững lại trong một vài ngày gần đây. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị tiếp tục biến động nhanh và khó lường, phần lớn các tổ chức đều đưa ra nhận định giá dầu có thể tiếp tục ở mức cao từ 110-130 USD/thùng trong giai đoạn tới, không loại trừ khả năng giá dầu tăng cao lên mức 150 USD/thùng.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung; nắm bắt dự báo, diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp. Sử dụng Quỹ bình ổn giá hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp: Kê khai giá; niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) với vai trò giúp việc của Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã tăng cường công tác tổng hợp phân tích dự báo, nhận diện thị trường, cập nhật các kịch bản điều hành theo tình hình diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, hiện đã trình Chính phủ sửa đổi Luật Giá để tạo cơ sở cho các Bộ, ngành địa phương triển khai công tác ổn định giá.